Học sinh vẫn đi học bằng xe máy không đúng quy định!

06/11/2023 04:06 GMT+7

Có mặt ở quanh khu vực một số trường THPT vào giờ tan trường, không khó để bắt gặp những em học sinh mặc đồng phục điều khiển xe máy trên 50 cm3, hay đi xe máy điện nhưng không đội nón bảo hiểm, kẹp 3...

TUYÊN TRUYỀN, NHẮC NHỞ NHƯNG VẪN VI PHẠM

Ngành giáo dục - đào tạo cùng lực lượng công an và các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông tới học sinh (HS), phụ huynh các trường học thời gian qua. Thế nhưng, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tình trạng HS vi phạm về an toàn giao thông vẫn xảy ra nhiều.

Học sinh vẫn đi học bằng xe máy phân khối lớn ! - Ảnh 1.

Học sinh lái xe máy trên 50 cm³ khi chưa đủ tuổi, không đội nón bảo hiểm, kẹp 3 vào trưa 3.11 trên đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp, TP.HCM

NHẬT THỊNH

Sáng 3.10, trên đường Hùng Vương (Q.5, TP.HCM), trước cổng một trường THPT, nhiều học sinh đi xe máy điện nhưng không đội nón bảo hiểm, có em đi xe máy loại trên 50 cm3.

Trưa 3.11, PV Thanh Niên ghi nhận dọc tuyến đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp (TP.HCM) vào giờ tan học của các trường, nhiều HS điều khiển xe máy trên 50 cm3, trong đó nhiều em không đội nón bảo hiểm, kẹp 3 trên xe. Có HS điều khiển xe máy điện nhưng không đội nón bảo hiểm phóng trên đường…

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho biết hiện nay tồn tại một thực tế học sinh THPT chưa đủ tuổi nhưng vẫn sử dụng xe trên 50 cm3 . Đây là vấn đề khiến các trường "đau đầu", vì bãi xe nhà trường không nhận giữ thì HS gửi ở các bãi xe ngoài nhà trường.

Hiệu trưởng một trường THPT tại khu vực TP.Thủ Đức (TP.HCM) cũng "khổ sở" cho biết đầu năm học phụ huynh đã ký cam kết không cho con em sử dụng phương tiện sai quy định, không giao xe có dung tích xi lanh lớn hơn so với lứa tuổi, nhà trường cương quyết không nhận giữ xe phân khối lớn của HS, thế nhưng ngay lập tức xuất hiện các điểm giữ xe của nhà dân ngay gần trường.

MỐI NGUY KHI ‎PHỤ HUYNH GIAO XE MÁY trên 50 cm3 cho con

Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo quy định tại Điều 60 luật Giao thông đường bộ 2008, thì người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên.

Nhiều học sinh vi phạm an toàn giao thông 

NHẬT THỊNH 

Theo Điều 58 của luật nói trên thì người lái xe tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển. Như vậy HS dù ở cấp học nào nhưng chưa đủ 18 tuổi thì không được phép lái xe máy có dung tích xi lanh trên 50 cm3. Đáng chú ý, theo luật sư Phát, nếu cha mẹ/chủ phương tiện giao xe cho người chưa đủ điều kiện lái xe, thì hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, phó hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM cho biết đã có nhiều giải pháp được thực hiện để HS chấp hành luật giao thông. Tuy nhiên nhiều gia đình vẫn không hợp tác, cha mẹ biết con chưa đủ tuổi điều khiển xe máy trên 50 cm3 nhưng vẫn giao xe cho con…

Nhiều trường hợp khi bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, xử lý vi phạm vì điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi thì các em HS nêu đủ các lý do, từ hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ kêu đi xe của ba mẹ chứ… không có tiền mua thêm cái xe dưới 50 cm3; hay có em ba mẹ đến nộp phạt và nói công việc của mình bận bịu không đưa rước được con, nhà xa nên con phải tự đi xe máy…

Luật sư Lê Trung Phát nhấn mạnh: "Đừng vì sự tiện lợi của mình, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình mà người lớn mua xe và giao xe cho con mình khi các con chưa đáp ứng được quy định của pháp luật về tham gia giao thông. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con mình, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Trong những tình huống xấu, nếu không may HS gây ra tai nạn chết người thì phụ huynh còn có thể bị khởi tố hình sự theo Điều 264 Bộ luật Hình sự về tội "giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ", bên cạnh việc còn phải bồi thường trách nhiệm về dân sự cho nạn nhân".

Luật sư Phát cho biết mỗi gia đình cần trao đổi để bố trí lịch làm việc, phương tiện đi lại để cho con đến trường phù hợp. Những nơi thuận tiện trong việc đi lại bằng xe buýt thì HS có thể đi xe buýt, hoặc xe đưa đón của trường học…

GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO ‎AN TOÀN GIAO THÔNG

Trước thực trạng này, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), đề xuất cần phải có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa trong tuyên truyền và giáo dục về việc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Chẳng hạn, ở nơi cư trú cần tuyên truyền đến các hộ gia đình; trong các cơ quan, công ty, xí nghiệp cũng cần thông tin để người lao động là phụ huynh HS hiểu rõ.

Còn trường học thường xuyên giáo dục, nhắc nhở và lồng ghép vào các hoạt động để HS nâng cao ý thức về an toàn giao thông, tham gia giao thông đúng luật, quy định.

Cũng để đảm bảo công tác an toàn giao thông, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đề nghị các trường tổ chức tuyên truyền, vận động HS đi học bằng phương tiện công cộng, xe đưa đón của nhà trường tổ chức. Các cơ sở giáo dục yêu cầu HS chấp hành nghiêm quy định, HS không tụ tập đua xe trái pháp luật, không sử dụng phương tiện mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, không đi xe hàng ba, bốn, làm cản trở giao thông… 

Vì sao ít học sinh sử dụng phương tiện công cộng,
xe đưa đón ?

Đề cập đến việc sử dụng các phương tiện đến trường của HS TP.HCM, hiệu trưởng các trường học cho biết xuất phát từ thực tế giao thông, điều kiện của từng gia đình mà việc HS sử dụng phương tiện giao thông công cộng hay xe đưa đón còn khá ít.

Gần như là trường THCS duy nhất từ trước đến nay tại Q.Tân Bình tổ chức xe đưa đón HS, ông Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết số HS đăng ký hình thức này ngày càng giảm. Tính đến nay mỗi ngày trường chỉ có khoảng 80 HS tham gia xe đưa đón của HTX vận tải cung cấp dịch vụ. Vị hiệu trưởng này lý giải do hầu hết các trường đều tổ chức học 2 buổi/ngày, bán trú nên phụ huynh HS thuận tiện trong việc đưa đón. Bên cạnh đó, từ khi TP không cho phép sử dụng xe lam chuyên chở HS nên các HTX vận tải sử dụng xe 16 chỗ, dẫn đến khoản chi phí này tăng cao.

Ở bậc THPT, số lượng HS sử dụng xe buýt hay xe đưa đón cũng khá ít. Chẳng hạn tại TP.Thủ Đức, Trường THPT Đào Sơn Tây được xem là có nhiều HS lựa chọn hình thức này nhưng cũng chỉ chiếm 10% tổng số HS toàn trường.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức), cho hay hằng năm đều khảo sát và thông báo HS đăng ký xe đưa đón nhưng năm cao nhất cũng chỉ có 12 HS đăng ký, còn lại đều chưa đến con số 10. Tuy nhiên, theo bà Trúc, trường gần trạm xe buýt, hằng ngày cũng có số lượng đáng kể HS tham gia phương tiện công cộng này.

Hàng trăm vụ tai nạn giao thông liên quan HS

Chiều 2.11, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về đảm bảo an toàn giao thông đối với HS. Theo báo cáo tại hội nghị, từ ngày 15.12.2022 - 14.10.2023, tai nạn giao thông liên quan đến HS (độ tuổi 6 - 18) xảy ra 881 vụ (chiếm 8,96% số vụ tai nạn giao thông toàn quốc), làm chết 490 người. Trong đó có 737 vụ do thiếu niên, HS dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ tai nạn giao thông, làm chết 378 người, bị thương 658 người.

Đáng chú ý, theo dữ liệu phân tích 737 vụ do thiếu niên, HS dưới 18 tuổi là người đi bộ, người điều khiển phương tiện liên quan trong vụ tai nạn giao thông nói trên, về phương tiện điều khiển liên quan trong vụ tai nạn giao thông: xe mô tô từ 50-175 cm3 chiếm tới 71,31%.

Cũng theo báo cáo tại hội nghị, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc trong 10 tháng năm 2023 đã phát hiện, xử lý 64.446 trường hợp HS vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 39,267 tỉ đồng; tạm giữ 61.356 xe mô tô. Trong đó, số trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy là 30.673, chiếm 47,59%...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.