Học sinh và chiếc điện thoại di động

01/04/2021 04:28 GMT+7

Sau 5 tháng thực hiện quy định học sinh được dùng ĐTDĐ trong giờ học để phục vụ học tập, lẽ ra Bộ GD-ĐT phải sớm có những hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong cả nước chứ không giao trách nhiệm quyết định cho giáo viên.

Quy định cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học sau thời gian tranh cãi khi Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành vào tháng 9.2020, nay lại tiếp tục nóng lên khi tuần qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Bộ GD-ĐT cần xem xét lại điều này.
Những ý kiến bất đồng đến nay vẫn diễn ra phần lớn là do Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn quy định cụ thể cho học sinh (HS) THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập mà lại giao trách nhiệm quyết định cho giáo viên. Điều này dẫn đến sự không thống nhất khi áp dụng quy định này ngay cả trong một trường học. Chính vì vậy, dù đã bắt đầu thực hiện từ tháng 11.2020 nhưng đến nay đây vẫn là vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều.
Hiện nay ở các thành phố lớn, việc HS từ THCS trở lên sở hữu một chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) đã trở nên phổ biến. Chắc hẳn cả phụ huynh và HS đều nhận thấy sự tiện lợi của ĐTDĐ trong sinh hoạt lẫn học tập. Vì vậy, khó thể yêu cầu phụ huynh không cho con sử dụng ĐTDĐ. Vấn đề là phụ huynh hướng dẫn con em mình sử dụng như thế nào để tận dụng được những ưu thế của công cụ này và hạn chế những mặt tiêu cực của nó.
Còn về phía nhà trường, trên nguyên tắc, đến nay việc sử dụng điện thoại trong lớp học vẫn là hành vi bị cấm. Vì thế mà đến nay, khi Thông tư 32 có hiệu lực, không ít phụ huynh nhiều lần nhận thông báo của nhà trường không cho HS sử dụng ĐTDĐ trong trường, hoặc hạn chế cho HS mang ĐTDĐ đến trường. Thậm chí có HS vẫn còn bị nhắc nhở nếu dùng ĐTDĐ trong giờ học khi không được giáo viên cho phép.
Chính vì vậy, phải xác định rõ rằng Bộ GD-ĐT cho phép HS sử dụng ĐTDĐ trong lớp học với mục đích khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học. Tuy nhiên, mỗi địa phương, mỗi trường học có những điều kiện, đặc thù khác nhau nên dẫn đến những cách hiểu và ứng xử khác nhau trước quy định chung chung này.
Có những trường lâu nay vẫn cho HS dùng ĐTDĐ như một thiết bị phục vụ cho việc học tập thì không bỡ ngỡ khi áp dụng quy định mới. Tuy nhiên, với những trường, những nơi lâu nay chưa thực hiện, không ít giáo viên lúng túng làm sao để vừa cho phép HS sử dụng đúng mục đích nội dung học tập vừa đảm bảo HS không vi phạm quy định, không để xảy ra những “sự cố” HS lợi dụng điện thoại để ghi âm, quay phim, chụp hình, xem phim, lướt mạng xã hội...
Sau 5 tháng thực hiện quy định HS được dùng ĐTDĐ trong giờ học để phục vụ học tập, lẽ ra Bộ GD-ĐT phải sớm có những hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong cả nước chứ không giao trách nhiệm quyết định cho giáo viên. Chưa kể, sau thời gian thực hiện Bộ cũng cần có khảo sát, đánh giá xem quy định này khi áp dụng vào thực tế có hiệu quả hoặc những tác động ngược... để điều chỉnh cho phù hợp.
ĐTDĐ là một công cụ trong thời đại công nghệ. Vì thế những quy định ban hành xung quanh việc sử dụng ĐTDĐ trong nhà trường cần giúp cho HS khai thác những ưu điểm của một thiết bị của thời đại, chứ không phải để HS tìm cách lén lút dùng nó trong sự hoang mang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.