Học sinh THPT cần tìm sự giao thoa của 3 câu hỏi này trước khi chọn ngành

Thanh Nam
Thanh Nam
18/04/2024 06:00 GMT+7

Nguyễn Cảnh Hoàng (25 tuổi), chàng trai nổi tiếng ở Nghệ An đã có những chia sẻ thú vị về việc chọn ngành học phù hợp.

Từng là cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, Hoàng đã xuất sắc giành huy chương vàng cuộc thi Olympic toán quốc tế năm 2017. Sau đó chàng trai này trúng tuyển và nhận học bổng toàn phần ngành khoa học máy tính và toán của Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc. Hoàng hiện đang công tác tại Trường ĐH VinUni. Tháng 9 tới, chàng trai người Nghệ An sẽ sang Mỹ học tiến sĩ ngành khoa học máy tính tại ĐH Stony Brook.

Ba câu hỏi quan trọng

Hoàng kể khi còn là học sinh THPT, anh từng rơi vào trạng thái chênh vênh khi mường tượng về tương lai vì không biết sau này sẽ làm gì. Tuy nhiên sau đó Hoàng quyết định chọn công nghệ thông tin bởi qua quá trình cân nhắc "suy đi tính lại" đã nhận ra mình có niềm đam mê với ngành này. Bên cạnh đó, Hoàng đánh giá công nghệ thông tin phù hợp với năng lực bản thân, cảm thấy có thể thích ứng và làm tốt.

Nguyễn Cảnh Hoàng khuyên học sinh tự tin vào năng lực của bản thân để trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT mỹ mãn

Nguyễn Cảnh Hoàng khuyên học sinh tự tin vào năng lực của bản thân để trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT mỹ mãn

NVCC

Từ câu chuyện của mình, Hoàng khuyên những học sinh lớp 12 nói riêng và THPT nói chung, nếu rơi vào trạng thái "không biết chọn học ngành gì" thì hãy "cân đo đong đếm" thật kỹ; nên ưu tiên lựa chọn ngành dựa theo sở thích, đam mê và năng lực.

Hoàng chia sẻ thêm có một thực tế là nhiều người trẻ chỉ tìm thấy đam mê thật sự khi… đã tốt nghiệp đại học, cao học. Để sớm biết được điều này, vào những năm cuối THCS hoặc khi vào lớp 10 các bạn nên dành thời gian tìm hiểu về các ngành nghề. Sau đó tự đặt ra những câu hỏi như: Mình thích gì? Cái mình có thể làm giỏi là gì? Nghề nào có thể tạo ra thu nhập tốt?

"Khi tìm được sự giao thoa giữa 3 câu hỏi ấy, học sinh sẽ sớm chọn được hướng đi nghề nghiệp đúng đắn, tìm được ngành học phù hợp nhất cho tương lai. Hy vọng rằng mỗi bạn sẽ có sự lựa chọn khôn ngoan nhất trước kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới", Hoàng nói.

Cần có cái nhìn tổng thể về thị trường lao động

Theo Hoàng, việc lắng nghe sự tư vấn của gia đình, bạn bè, chuyên gia, thầy cô… là điều cần thiết. Tuy nhiên chỉ nên xem tất cả là ý kiến mang tính chất tham khảo. Qua đó có cái nhìn tổng quan về thị trường lao động, cũng như thấy được ưu, khuyết điểm, cơ hội việc làm, thu nhập trung bình của từng ngành nghề...

Chàng trai người Nghệ An từng trúng tuyển và nhận học bổng toàn phần ngành khoa học máy tính và toán của Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc

Chàng trai người Nghệ An từng trúng tuyển và nhận học bổng toàn phần ngành khoa học máy tính và toán của Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc

NVCC

Học sinh THPT cần tìm sự giao thoa của 3 câu hỏi này trước khi chọn ngành- Ảnh 3.

"Thay vào đó, cuộc đời của mình thì mình nên tự đưa ra quyết định tốt nhất, phù hợp nhất với bản thân. Có thể một trường danh tiếng, có chất lượng rất tốt, ngành học đang được nhiều người quan tâm, bố mẹ cũng khuyến khích nên đăng ký xét tuyển… nhưng nếu không phù hợp với bản thân thì tuyệt đối đừng… chọn đại", Hoàng chia sẻ.

Chủ nhân tấm huy chương vàng cuộc thi Olympic toán quốc tế năm 2017 nói thêm: "Khi thấy những dự báo cho rằng ngành này đang "hot", ngành kia sẽ có nhu cầu tuyển dụng rất lớn vào thời gian tới… thì cũng nên xem là một thông số để cân nhắc chứ đừng "nhắm mắt đăng ký theo". Đó là điều hoàn toàn không nên".

Chàng trai người Nghệ An lý giải: "Việc một ngành "hot" trong thời điểm hiện tại không đồng nghĩa 5, 10 năm sau cũng tiếp tục giữ được sức nóng. Ngoài ra, nếu học một ngành mà mình không thích, đam mê, chẳng phù hợp với bản thân thì rất dễ chán nản, thậm chí có nguy cơ dẫn đến trầm cảm và nhiều hệ lụy khác. Bên cạnh đó, ngành "hot" thì sẽ đông người học và tăng độ cạnh tranh, tỷ lệ chọi sẽ cao. Khi tốt nghiệp ra trường cũng sẽ gặp một số khó khăn trong việc tìm được công việc phù hợp hay có mức thu nhập đúng như kỳ vọng".

Theo cựu sinh viên của Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc: "Nếu chọn ngành một cách sai lầm như "chọn đại", theo số đông bạn bè… thì sẽ ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời mỗi người. Hãy chọn ngành, trường dựa vào năng lực, sở thích của bản thân".

Chàng trai người Nghệ An cũng nhắc đến việc một số phụ huynh thường có tâm lý quá thương con nên đôi khi đưa ra những quyết định chưa chính xác. Một trong số đó là buộc con sống thay ước mơ của họ. Cụ thể là luôn muốn con phải học ngành này, trường nọ…

"Thương con như thế chẳng khác nào hại con. Nếu định hướng của phụ huynh may mắn trùng với sở thích của con thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu việc ép con chọn ngành, trường không phù hợp thì dễ dẫn đến những câu chuyện buồn. Có thể kể như học giữa chừng phải bỏ để thi lại, thành tích học tập không như ý, con không hạnh phúc trong những ngày trên giảng đường, mối quan hệ gia đình căng thẳng…", Hoàng nói.

"Phụ huynh đừng vô tình ép con "phải học ngành này cho bố", "phải đậu trường kia cho mẹ"… Thay vào đó, phụ huynh nên sát cánh, đồng hành, tạo sự thoải mái và cần tôn trọng những quyết định về chọn ngành của con", Hoàng chia sẻ thêm.

Chia sẻ với đông đảo học sinh lớp 12 đang đứng trước ngưỡng cửa vào đời, Hoàng nói: "Đừng quan tâm việc đề thi dễ hay khó. Hãy tự tin vào năng lực của bản thân. Để có được sự tự tin ấy, cần cố gắng trau dồi kiến thức liên tục, thường xuyên. Bên cạnh đó hãy suy nghĩ mọi thứ dưới lăng kính tích cực. Đừng vì quá lo lắng mà áp lực rồi ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe trong những ngày thi. Sự bình tĩnh đóng vai trò quan trọng giúp đạt những điểm số như mong muốn".

Hoàng cũng nói thêm rằng dù thi ngành gì, trường nào thì sau này cơ hội thành công trong cuộc sống còn dựa vào sự may mắn và kỹ năng của mỗi người. Thế nên các bạn cũng cần bổ sung tiếng Anh, cập nhật kiến thức tiên tiến nhất của ngành học liên tục…

Các trường nên cho học sinh thay đổi ngành phù hợp với năng lực

Nguyễn Cảnh Hoàng chia sẻ ở Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc cho phép sinh viên được chọn lại ngành học sau năm nhất và có thể thay đổi ngành bất kỳ lúc nào. "Mình nghĩ rằng đó là mô hình hay và đáng được thực hiện ở Việt Nam. Bởi lẽ mình từng biết có nhiều bạn ở Việt Nam cảm thấy nản và nhận ra sai lầm trong việc chọn ngành. Để rồi họ phải ôn thi lại… Như thế khá tốn thời gian. Nếu các trường đại học cho phép thay đổi ngành học thì sẽ tạo điều kiện cho sinh viên rất nhiều", Hoàng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.