Học sinh nhốt, ném dép cô giáo: Nghĩ về khái niệm 'tự do trong khuôn khổ'

Tuấn Nguyễn
Làm việc trong lĩnh vực giáo dục tại TP.HCM
07/12/2023 11:15 GMT+7

Vụ việc học sinh lớp 7 ở Tuyên Quang nhốt và ném dép cô giáo, ép cô vào tường rồi văng tục gióng lên hồi chuông báo động về nạn bạo lực học đường và giáo dục đạo đức học sinh.

Học sinh nhốt, ném dép cô giáo: 'Tiên học lễ, hậu học văn' không thể xem nhẹ - Ảnh 1.

Học sinh ép cô giáo vào tường, văng tục

CHỤP MÀN HÌNH

Đừng nghĩ rằng bạo lực trong trường học là giải pháp cho nhiều vấn đề

Trong clip được lan truyền trên mạng, các học sinh tại một trường THCS ở Tuyên Quang lớn tiếng chửi bới, xô đẩy ép cô vào tường, văng tục, ném dép cô giáo. Tôi bàng hoàng, thật không thể tin đây là hành động của những học sinh lớp 7.

Dù có khúc mắc giữa cô giáo và học sinh của lớp như thế nào thì hành động nhốt, ném dép cô giáo - được coi như hành hung giáo viên của học sinh là không thể chấp nhận được. Đó là hành vi chà đạp lên truyền thống tôn sư trọng đạo đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam.

Việc giáo dục đạo đức học sinh không chỉ nên gói gọn trong những tiết học giáo dục công dân, mà cần được hình thành trong sự liên kết giữa gia đình và nhà trường. Các em là những tờ giấy trắng, nên những hình mẫu của người thầy, người cô, của cha và mẹ là tấm gương mà các em hướng đến, soi chiếu và học hỏi.

Thời gian qua có nhiều vụ việc bạo lực học đường gây rúng động trong dư luận được báo chí phản ánh. Bạo lực học đường - học sinh đánh nhau, gây gổ; và còn nguy hiểm, chấn động hơn nữa là nhiều vụ phụ huynh, học sinh tấn công thầy cô giáo.

Học sinh thời nay được tiếp xúc với internet sớm, các em sớm tiếp cận với những hình ảnh, văn hóa bạo lực trên mạng xã hội. Những thông điệp bạo lực được lặp đi lặp lại trong phim hoạt hình, truyện tranh trôi nổi, những clip TikTok, YouTube… dễ tạo dựng trong suy nghĩ non nớt của người xem rằng bạo lực trong trường học là giải pháp cho nhiều vấn đề, như vậy mới là "anh hùng", là "đại ca", được bạn bè tung hô.

Sự nuông chiều hoặc hời hợt của cha mẹ trong việc giáo dưỡng con cái ở nhà cũng là một yếu tố quan trọng cần xem xét. Cha mẹ bênh con, làm náo loạn ở trường hoặc đánh thầy cô từng được báo chí phản ánh. Tình yêu thương mù quáng dễ dẫn đến dung túng những hành vi sai trái của con cái, cho rằng con mình bị chèn ép. Chiều ngược lại, khi cha mẹ mải lo làm ăn, hoặc hoàn cảnh gia đình có nhiều biến cố, các em dễ cảm thấy lạc hướng, bị thu hút bởi bạn bè xấu, và tham gia vào những hành động lầm lạc.

Học sinh nhốt, ném dép cô giáo: 'Tiên học lễ, hậu học văn' không thể xem nhẹ - Ảnh 2.

Nhiều vụ việc thầy cô giáo bị tấn công thời gian qua

TNO

Làm những việc yêu thích trong giới hạn quy định

Trong giáo dục Montessori, chúng tôi thường nhắc đến khái niệm trẻ em được "tự do trong khuôn khổ", nghĩa là trẻ được tự do tìm tòi, khám phá, làm những việc trẻ thích nhưng trong những giới hạn và quy định cụ thể, rõ ràng. Mỗi lớp học như một xã hội thu nhỏ, và nội quy của nhà trường và của lớp giống như là pháp luật trong xã hội người lớn. Trẻ cần phải được dạy kỹ về nội quy trường lớp, những hậu quả mang lại khi phạm lỗi, và thường xuyên được bồi đắp, nhắc nhở qua từng năm học.

Phụ huynh cũng phải được học và cam kết dạy con mình ở nhà tuân thủ những quy định này. Những hành động bạo lực học đường, vô lễ với thầy cô, với người lớn, cần phải được nghiêm trị. Tuy nhiên, việc kỷ luật này không nhằm cắt đứt con đường tương lai của con trẻ mà là dạy cho các em về những hậu quả nghiêm trọng khi các em phạm lỗi. Có như thế thì các em mới trưởng thành và trở thành những con người có ích cho xã hội, những công dân tuân thủ pháp luật.

Chúng ta thường nói về việc bảo vệ trẻ em, học sinh; tuy nhiên có mấy khi chúng ta đề cập đến việc bảo vệ giáo viên, nhà trường, đặc biệt trong những năm gần đây, khi ngày càng có những vụ việc lộ ra khi thầy cô bị tấn công về thể xác và tinh thần? Muốn làm được điều đó, toàn xã hội và hệ thống giáo dục nước nhà cần nghiêm khắc hơn với tệ nạn bạo lực học đường.

"Thương cho roi cho vọt", điều đó không có nghĩa là chúng ta sử dụng các biện pháp bạo lực để chỉnh đốn hành vi của trẻ, mà là sự nghiêm túc, nghiêm khắc của người lớn để chấn chỉnh những suy nghĩ sai lầm, bồng bột, những hành vi sai trái của những con người chưa kịp lớn. Một xã hội dễ dãi sẽ tạo ra những đứa trẻ được nuông chiều, và nghĩ rằng mình có thể tự do làm bất kỳ điều gì mình muốn, ngay cả khi phương hại đến quyền lợi của người khác.

Tệ nạn bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… chứng tỏ đây là một vấn đề của xã hội hiện đại. Những giá trị giáo dục của ngày xưa cần được xem lại và đề cao, như "Tiên học lễ, Hậu học văn". Đạo đức học sinh, chú trọng xây dựng tính cách các em, kịp thời can thiệp khi các em lệch hướng, là vô cùng cần thiết, bên cạnh việc dạy học sinh nhiều kiến thức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.