Học sinh lớp 10 nộp hồ sơ nhập học như thế nào?

Bích Thanh
Bích Thanh
12/08/2020 15:43 GMT+7

Hôm nay 12.8, học sinh trúng tuyển vào lớp 10 công lập bắt đầu nộp hồ sơ nhập học vào các trường THPT.

Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, căn cứ vào bảng điểm chuẩn 3 nguyện vọng lớp 10 của 108 trường THPT mà Sở công bố vào chiều 10.8, học sinh có thời gian 10 ngày để nộp hồ sơ nhập học vào các trường THPT mà mình trúng tuyển. Thời gian các trường THPT nhận hồ sơ của học sinh bắt đầu từ ngày 12.8 đến 16 giờ 30 ngày 22.8.

Hồ sơ nhập học bao gồm: Bản sao giấy khai; Phiếu đăng ký dự tuyển có ghi 3 nguyện vọng ưu tiên xét vào các trường THPT; Phiếu báo điểm tuyển sinh lớp 10 trên đó có ghi 3 nguyện vọng; Học bạ bậc THCS (bản chính); Bằng tốt nghiệp THCS (bản chính) hoặc đối với học sinh mới công nhận tốt nghiệp nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp (tạm thời) do các cơ sở giáo dục cấp và bổ sung văn bằng chính khi được phòng giáo dục cấp cùng giấy xác nhận được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin quy định của Sở nêu rõ  học sinh tuyệt đối không đổi nguyện vọng sau khi công bố kết quả tuyển sinh. Sở cũng như các trường THPT đều không nhận đơn cũng như không giải quyết việc xin đổi nguyện vọng ưu tiên. Các trường THPT chỉ nhận hồ sơ thí sinh có trong danh sách trúng tuyển vào lớp 10 của đơn vị mình.

Cũng trong thời gian nộp hồ sơ nhập học, học sinh sẽ được giáo viên phụ trách tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn việc lựa chọn đăng ký ban học và xếp học theo nhu cầu và năng lực định hướng nghề nghiệp.

Theo ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), những học sinh lựa chọn ban A sẽ học nâng cao các môn toán, vật lý, hóa học và thường có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH có tổ hợp môn xét tuyển khối A như bách khoa, tự nhiên, kinh tế… Nếu lựa chọn ban A1 sẽ học nâng cao các môn toán, vật lý, tiếng Anh và xét tuyển vào các trường ĐH có tổ hợp môn xét tuyển thuộc khối A1 như tài chính, ngân hàng, ngoại thương, sư phạm kỹ thuật… Còn những học sinh chọn ban B thì học nâng cao môn toán, hóa học, sinh học và có xu hướng xét tuyển vào các trường có các ngành đào tạo như  y dược, công nghệ môi trường, sinh học, công nghệ sinh học, nông lâm… Và nếu muốn lựa chọn ngành học thuộc lĩnh vực nhân văn, luật, sư phạm… thì nên lựa chọn và đăng ký ban D ngay từ lớp 10 để học nâng cao môn toán, ngữ văn và tiếng Anh…

Được biết, các trường THPT cho học sinh đăng ký lựa chọn ban để học từ đầu năm lớp 10. Tuy nhiên sau một năm học, căn cứ vào thực tế và năng lực của học sinh, các trường đều tổ chức lại cơ cấu của lớp nếu học sinh có nhu cầu chuyển ban.

Sĩ tử gửi lời cảm ơn thầy cô, ba mẹ sau khi hoàn thành "kỳ thi lịch sử"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.