Học sinh hóa thân thành lão Hạc, chị Dậu… để học văn

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
29/11/2018 17:53 GMT+7

Học sinh khối lớp 8 Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) vừa hoàn thành dự án học tập môn ngữ văn giai đoạn 1930 - 1945 bằng cách hóa thân vào các nhân vật trong các tác phẩm Tắt đèn , Lão Hạc , Chí Phèo …

Dù chỉ báo cáo kết quả học tập trong khoảng 2 giờ đồng hồ nhưng dự án học tập mang tên "Số phận con người Việt Nam - giai đoạn 1930 -1945" được thầy trò Trường phổ thông liên cấp Olympia chuẩn bị trong gần 2 tháng. Buổi báo cáo kết quả được tổ chức thông qua hoạt động diễn kịch ứng tác với sự tham gia của các phụ huynh, thầy cô giáo.
Trước khi có buổi báo cáo này, học sinh đã được học và phân tích các tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 và làm làm các poster theo các chủ đề, như: đời sống nông thôn trong tác phẩm Lão Hạc; nghệ thuật không gian, thời gian trong đoạn kết của Lão Hạc; nhân vật ông Giáo…
Học sinh báo cáo kết quả về dự án học tập bằng hình thức diễn dịch Ảnh Lai Phúc
Dự án giúp học sinh có cái nhìn tổng quan về kinh tế, chính trị, văn hóa, tinh thần... của mọi tầng lớp trong xã hội Việt Nam giai đoạn nửa thực dân phong kiến 1930 - 1945, như: nông dân, quan lại, địa chủ, trí thức tiểu tư sản... trong không gian nông thôn - thành thị giai đoạn lịch sử đặc biệt này; những lựa chọn con người phải đối mặt trong giai đoạn này, đồng thời thấy được những giá trị đáng trân trọng của nhân cách, phẩm giá con người, từ đó để hiểu rõ hơn về các giá trị nghệ thuật, nhân văn trong các tác phẩm văn học thời kỳ này.
Không chỉ đọc kỹ tác phẩm, xem phim tư liệu,… các em học sinh còn chia nhóm, về nhà người dân ở vùng nông thôn để gặp gỡ, trò chuyện với các cụ ông, cụ bà sinh ra trong giai đoạn 1930 - 1945 để tìm hiểu về các vấn đề về cuộc sống, xã hội ở giai đoạn đó.
Nhân vật Chí Phèo suốt ngày say rượu được học sinh tái hiện trong buổi diễn kịch Ảnh Lai Phúc
Sau những phút đầu đầy bỡ ngỡ, nhiều em đã nhanh chóng nhập vai và ăn khớp với những người bạn diễn của mình. Bốn tác phẩm văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 được tái hiện lại như Tắt đèn (Ngô Tất Tố) - phân cảnh chị Dậu bán con, bán chó cho nhà Nghị Quế; phân cảnh chị Dậu bị dẫn lên công đường vì tội chống lại lính lệ khi chúng xông vào nhà đánh đập anh Dậu; Lão Hạc - phân cảnh bán cậu Vàng và Lão Hạc ăn bả chó tự vẫn; Đồng hào có ma - phân cảnh Mẹ Nuôi gửi đơn xin bắt trộm đến công đường quan Huyện Hinh; Chí Phèo - phân cảnh Chí Phèo đến nhà Bá Kiến rạch mặt ăn vạ và được Bá Kiến "bố thí" cho 5 đồng uống rượu….
Lan Chi, học sinh lớp 8 Trường phổ thông liên cấp Olympia, chia sẻ: "Trong suốt dự án lớn này, chúng con đã tích lũy được những kiến thức văn chương cũng như các bài học về đời sống vô cùng bổ ích. Chúng con không những chỉ hiểu được các bài phân tích trong trang sách, trang vở mà còn được đặt mình vào vai chị Dậu, lão Hạc để thấu hiểu những gì người nông dân ngày ấy phải trải qua. Từng nỗi đau, nỗi khổ, nỗi dằn vặt, chúng con đã cố gắng luyện tập để có thể nhập tâm vào vai diễn, khắc họa chi tiết nhất tâm tư, hành động trong vở sân khấu hóa của mình".
Để thực hiện dự án, học sinh phải đến các làng quê, nghe các cụ già kể lại cuộc sống, xã hội thời kỳ 1930 - 1945 Ảnh Lai Phúc
Cô Ngô Thị Thu Giang, giáo viên dạy văn Trường phổ thông liên cấp Olympia và là chủ nhiệm dự án, cho biết: Dự án sẽ giúp các em học sinh khối 8 được thấu hiểu và trải nghiệm một cách thực tế những tác phẩm văn học giai đoạn 1930 - 1945. Các em đã được trò chuyện với các nhân chứng lịch sử giai đoạn này để có cái nhìn so sánh với hiện thực trong các tác phẩm và với chính cuộc sống ngày nay.
Theo cô Giang, những nhân vật ấy, không gian ấy sẽ không còn trong sách vở mà bước ra ngoài hiện thực cuộc sống với những nét riêng, do chính học sinh thể hiện bằng sự cảm nhận và thấu hiểu của chính bản thân mình về nhân vật ấy, tác phẩm ấy.
Dự án không những mang lại kiến thức mà còn giúp học sinh hiểu hơn về sự thấu cảm với số phận con người và bài học về giá trị nhân văn trong cuộc sống, đồng thời, cách học này giúp học sinh yêu môn ngữ văn hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.