Học sinh hòa nhập... khó hòa nhập!

02/01/2019 09:08 GMT+7

Theo Thông tư 03/2018 ban hành ngày 29.1.2018 của Bộ GD-ĐT quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật, các cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập sắp xếp, bố trí các lớp học phù hợp với người khuyết tật, đảm bảo mỗi lớp học hòa nhập không quá 2 người khuyết tật.

Nếu trước đây học sinh (HS) khuyết tật được bố trí học riêng ở những lớp, trường chuyên biệt, thì nay được học chung với HS bình thường ở các trường phổ thông, gọi là diện HS hòa nhập. Đây là cách làm hợp lý. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng ở các địa phương, việc học hòa nhập này đã cho thấy nhiều bất cập.
Nhiều giáo viên sau khi chấm bài kiểm tra học kỳ 1 vừa qua đã phải thở ngắn than dài trước thực tế bài làm rất kém của các HS hòa nhập. Như ở môn văn, một giáo viên một trường phổ thông tại TP.HCM cho biết đa số các em diện này chỉ được 1 - 1,5 điểm trên thang điểm 10. HS mắc hầu hết các lỗi từ kỹ năng đến kiến thức, thậm chí không viết được, không biết viết gì cả. Đáng lẽ phải có một dạng đề kiểm tra với mức yêu cầu riêng cho các em HS hòa nhập; cách làm “cào bằng” như trên là chưa hợp lý.
HS hòa nhập bị khiếm khuyết rất nhiều mặt về trí tuệ cũng như hành vi nhưng được bố trí học chung với lớp bình thường, trong đó có nhiều HS khá giỏi, đã khiến giáo viên lúng túng trong phương pháp giảng dạy. Nếu quá quan tâm đến các em thì sẽ mất quyền lợi cho số đông còn lại, nhưng nếu “bỏ rơi” thì các em sẽ bị thiệt thòi. Đa số các trường phổ thông hiện nay chọn theo cách ứng xử thứ hai, khiến mục đích việc học hòa nhập càng xa hơn với mục tiêu đề ra ban đầu. HS hòa nhập khiếm khuyết về tâm sinh lý, để giáo dục họ phải là những người thật sự am hiểu, trong khi hầu hết giáo viên phổ thông hiện nay chưa được bồi dưỡng, hướng dẫn để giáo dục thật hiệu quả diện học sinh này.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ, để cho việc giáo dục HS hòa nhập được hòa nhập ở nhà trường phổ thông, các địa phương cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả về chương trình, kiểm tra đánh giá, phương pháp, mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và địa phương, chế độ thù lao cho giáo viên… Làm sao để các em có được sự quan tâm đặc biệt. Có như vậy các em mới không bị bỏ rơi và mục đích hòa nhập mới đạt được kết quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.