Học sinh đi học trở lại, xuất hiện F0 trong lớp, phải xử lý thế nào?

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
08/11/2021 17:42 GMT+7

Tại Hội nghị trực tuyến đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục diễn ra ngày 8.11, Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế , Bộ GD-ĐT ban hành hướng dẫn xử lý F0 trong lớp, trường khi học sinh đi học trở lại .

Học sinh, giáo viên là F0, phải làm sao?

Tại hội nghị trực tuyến do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh chủ trì, các địa phương đã thảo luận vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại.

Riêng tại TP.HCM, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đợt bùng phát thứ 4, trường học đã phải đóng cửa gần nửa năm nay.

Học sinh TP.HCM có thể sẽ quay trở lại trường vào tháng 12 tới

nguyễn loan

Nói về vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết thành phố đã ban hành quy chế an toàn trường học để thực hiện. Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã có hướng dẫn các trường thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho các em khi mở cửa trường trong thời gian tới. Hiện các trường học, cơ sở giáo dục cũng đã sẵn sàng để đón học sinh quay trở lại.

Dù vậy, khi cho học sinh đi học trở lại, ông Dũng kiến nghị với Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể đối với việc xử lý khi phát hiện có các trường hợp F0, F1, F2… trong lớp học.

The ông Dũng, hai bộ cần có hướng dẫn cụ thể để học sinh, nhà trường có thể thích ứng an toàn, linh hoạt khi chuyển đổi trạng thái với trường học. Việc hướng dẫn xử các ca F0, F1, F2 và vấn đề tiêm vắc xin khi học sinh đi học trở lại là rất quan trọng, cần có chỉ đạo cụ thể để các tỉnh không bối rối.

Dựa trên hướng dẫn này, Sở GD-ĐT và Sở Y tế sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành các quy định về việc đi học trở lại tại các đơn vị, sao cho thích ứng an toàn khi học sinh đi học lại, thích ứng với các cấp độ dịch tại thành phố.

Đây cũng là câu hỏi chung của đại diện rất nhiều tỉnh, thành khác đặt ra tại hội nghị trước khi mở cửa trường đón học sinh trở lại.

Theo ông Dũng, để chuẩn bị cho học sinh trở lại trường, TP.HCM đang tính toán từng bước và hiện đã kết thúc chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho học sinh thuộc lứa tuổi 12 - 17 tuổi.

Theo đó, trừ học sinh lớp 6 chưa đủ 12 tuổi, thì 95% phụ huynh của học sinh từ lớp 7 - 12 đồng ý cho con tiêm. Cụ thể, 87% học sinh lớp 7 - 12 đã được tiêm 1 mũi do một số em khác còn mắc kẹt ở các tỉnh chưa về lại TP.HCM hoặc bệnh nền hoặc đã là F0.

Ngoài ra, hơn 96% giáo viên đã được tiêm đủ mũi và hiện TP.HCM tiếp tục có kế hoạch tiêm phủ vắc xin cho học sinh, giáo viên còn lại.

Test nhanh Covid-19 cho học sinh lớp 12 TP.HCM trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Nguyễn loan
Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 3 đến 12 tuổi

Từng trường một phải có kế hoạch đảm bảo an toàn

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng các địa phương phải rất linh hoạt, dựa trên tình hình của từng nơi, từng vùng dịch để thiết lập một kế hoạch riêng.

Theo ông Tuyên, hiện các nước trên thế giới đã bắt đầu thay đổi cách phòng chống dịch Covid-19 và Việt Nam cũng đang từng bước thích ứng an toàn, linh hoàn với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Ông Tuyên đề nghị Sở Y tế, Sở GD-ĐT các địa phương rà soát lại, yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trong tình hình hiện nay.

“Tất cả các trường học từ tiểu học, đến cao đẳng, đại học… đều phải xây dựng kế hoạch an toàn trường học dựa trên tình hình thực tế riêng của trường. Đồng thời, trường phải kiện toàn lại ban chỉ đạo phòng chống dịch từng trường, hiệu trưởng phải là ban chỉ đạo”, ông Đỗ Xuân Tuyên nói.

Ông Tuyên cho rằng, từng trường phải xây dựng kịch bản khi không may phát hiện F0 trong trường. Từng trường khác nhau, trường bán trú khác nội trú… phải có kế hoạch khác nhau. Các cơ quan chức năng phải dựa trên tình hình cấp độ dịch ở địa phương mình để duyệt kế hoạch này.

Căn cứ từng cấp độ dịch để cho học sinh đi học ở từng địa phương, vùng dịch khác nhau. “Phải rất linh hoạt, ví dụ cùng một địa phương nhưng vùng 1 thì học sinh được đi học, cấp THCS, THPT thì nửa trực tiếp nửa trực tuyến chẳng hạn…”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Về hình thức xử lý cụ thể, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo thêm: “Từng trường một phải có hai kế hoạch, một là kế hoạch phòng chống dịch chung, thứ hai là phương án xử lý F0. Tôi chỉ lưu ý là, khi không may trong trường có ca F0, trước mắt chúng ta phải khoanh vùng cả trường, sau đó sàng lọc, xét nghiệm, phân tích dịch tễ học…

Những trường hợp F0 thì trường cho đi điều trị tại cơ sở y tế hoặc tại nhà, còn F1 cũng có thể cách ly tập trung hoặc tại nhà. Nếu có phong toả thì chỉ phong tỏa lớp học, tầng học… sau đó khử khuẩn. Sau 24 giờ khử khuẩn thì chúng ta vẫn tiếp tục mở lớp học, đưa giáo viên, học sinh lớp khác sang học bình thường, chúng ta không nên quá hoang mang”.

Nhưng để đảm bảo an toàn, ông Tuyên cho rằng các cơ quan hữu trách ở địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch của các trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.