Học sinh có cần rèn chữ đẹp khi chủ yếu gõ chữ bằng máy tính, điện thoại?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
04/11/2021 18:03 GMT+7

Một đoạn trao đổi ngắn giữa phụ huynh và cô giáo về việc rèn chữ viết tiếng Việt đang gây tranh luận rất lớn trên mạng xã hội . Theo đó, phụ huynh cho rằng tương lai con gõ máy tính, điện thoại nên không cần viết chữ đẹp.

Poll TNO
Theo bạn, có nên rèn chữ viết cho con hay không?

Theo đoạn trao đổi được chia sẻ trên các diễn đàn học tập và Facebook, cô giáo chủ nhiêm có nhắn tin cho phụ huynh về việc học của một học sinh: "Em học Toán thì ổn. Những tiếng Việt thì hơi kém chị ạ. Chữ viết còn gãy, không được đều nét. Gia đình chú ý cho cháu tập thêm ở nhà nhé".

Đáp lại, phụ huynh viết: "Toán ổn là được rồi. Sau này dùng điện thoại với máy tính là chủ yếu nên không cần lo chữ xấu. Cám ơn cô giáo nhé!".

Đoạn trao đổi giữa cô giáo và phụ đang gây tranh luận lớn trong dư luận.

diễn đàn toán học việt nam

Nét chữ, nết người

Trao đổi về vấn đề luyện viết chữ, cô Lê Hoàng Phi Yến, giáo viên môn văn, Trường THCS Kiến Thiết (Q.3, TP.HCM), chia sẻ: "Ông cha ta từ xưa đã có câu 'nét chữ nết người'. Thậm chí đến bây giờ người ta cũng vẫn căn cứ vào chữ viết để đánh giá một con người.

Người có nét chữ đều đặn, ngay hàng, thẳng lối, rõ ràng được đánh giá là người có cái tâm tốt, chính trực. Ngày nay khi công nghệ thông tin phát triển, người ta giao tiếp với nhau qua màn hình máy tính, thỉnh thoảng mới nguệch ngoạc vài chữ nên giá trị của nét chữ đã không còn được coi trọng như trước. Như ý kiến của người phụ huynh kia cũng không phải là một cá biệt trong thời đại ngày nay".

Tuy nhiên, cô Yến cho biết bản thân cô không đồng tình với ý kiến của phụ huynh.

Cô Yến lưu ý: "Nếu nói gần thì đứa trẻ còn phải ngồi trên ghế nhà trường và tham dự các kỳ thi ít nhất cho đến lúc thi ĐH, nghĩa là hơn 12 năm. Việc trình bày bài học, bài thi rõ ràng sẽ gây ấn tượng tốt đẹp với người chấm điểm hơn là một bài thi cẩu thả, không thể đọc ra con chữ.

Nói xa hơn thì một con người có nét chữ đẹp, chân phương thường là người cẩn thận, điềm tĩnh và gây ấn tượng tốt với đối phương. Rèn chữ viết cũng giống như rèn tâm tính của con người vậy, một người giỏi toán, giỏi công nghệ thông tin mà chữ viết quá ẩu, quá cẩu thả thì liệu có cẩn thận trong các khía cạnh khác hay không? Và thử hỏi phụ huynh nói câu đó có cảm thấy vui không khi được con mình tặng cho một tấm thiệp, một bức thư chính tay con nắn nót viết ra những lời chúc mừng thay vì chỉ gửi tin nhắn qua màn hình điện thoại?

Bản thân tôi vẫn cảm thấy câu nói của nhà văn Dương Hùng rất chính xác: “Chữ cũng là tâm người viết, tâm vẽ ra hình mà có thể phân biệt được người chính hay tà”. Vì vậy dù công nghệ có phát triển đến mấy thì về cơ bản, học sinh cũng cần coi trọng việc rèn chữ như rèn chính tính cách của mình".

Câu chuyện này cũng được anh Lê Xuân Đức, quản trị viên của trang Bố Con Sâu có gần 333.000 người theo dõi, nêu lên để tranh luận cùng các phụ huynh trong nhóm.

Anh Đức nhận thấy có rất nhiều luồng ý kiến tranh luận nhưng anh có góc nhìn khác về việc rèn chữ. Anh đồng ý với những phụ huynh không muốn con rèn chữ một phần vì có thể giảm bớt áp lực cho con. Nhưng theo anh, việc rèn chữ vẫn cần thiết cho các bé, là một cách rèn luyện sự tập trung, sự khéo léo của tay, tính cẩn thận và trách nhiệm.

Tại một lớp luyện viết chữ đẹp ở TP.HCM

N.V

"Đương nhiên là chúng ta không yêu cầu con phải viết đẹp để đi thi chữ đẹp, chỉ cần con viết đúng viết đủ, rõ ràng dễ đọc là được rồi. Có rất nhiều cách để rèn tính cách cho con, nhưng ở độ tuổi lớp 1-2-3 thì mình nghĩ việc rèn chữ là cách mang lại hiệu quả rất tốt. Tính cách cần được rèn luyện từ những điều nhỏ nhặt. Nếu từ bé đã qua loa thì lớn lên sẽ rất khó khăn", anh Đức chia sẻ.

Chị Phong Linh, chủ cửa hàng Selva Watch (Hà Nội), cũng cho biết bản thân chị là phụ huynh của bé lớp 3. Sau quãng thời gian dài nghỉ dịch Covid-19, chị thấy chữ viết của con "đi xuống" thậm tệ, nhìn vào bài viết thấy rõ sự chủ quan, không cẩn thận, không tập trung nên mắc nhiều lỗi sai. Chị đã có một buổi nói chuyện với con và hai mẹ con quyết định cùng nhau luyện lại chữ viết.

Đến nay cả hai mẹ con đều có chữ viết đẹp hơn rất nhiều. Chữ viết của con chị đã bắt đầu cải thiện, theo hàng lối hơn, vở sạch sẽ hơn, quan trọng là con tập trung và cẩn thận hơn nên không mắc nhiều lỗi sai như trước nữa. Vì vậy, chị Linh cho rằng cần rèn nét chữ, luyện nết người. Rèn luyện sự cẩn thận và tập trung ngay từ bé sẽ rất tốt cho trẻ lớn lên sau này.

Trẻ sẽ tự định hình!

Trong khi đó, tiến sĩ toán học Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu (TP.HCM), người chuyên huấn luyện học sinh đi thi toán quốc tế, cho rằng lúc nhỏ, chữ viết của nhiều học sinh có thể xấu. Tuy nhiên, khi lớn lên, học sinh sẽ tự định hình chữ viết cho mình. Trẻ em hãy cứ để tự do, không nên chú trọng rèn chữ viết quá nhiều, dần dần mọi thứ sẽ ổn.

Trẻ có nên tập viết chữ đẹp hay không khi tương lai chủ yếu sử dụng máy tính và điện thoại?

N.L

Chị Cao Lan, một người Việt ở tại TP.Brisbane (Úc), cho biết chị có 2 cháu, học lớp 1 và lớp 3. Con chị chỉ dùng viết chì để làm bài, không có điểm số, xếp hạng. Ở lớp 3, con chị đã sử dụng máy tính xách tay để làm bài, tìm kiếm tài liệu phục vụ học tập. Do đó, chị cho rằng chữ viết chỉ cần viết đúng, không cần quá quan trọng chuyện rèn chữ đẹp.

Tương tự, chị Thanh Lê, nhân viên một trường ĐH tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai), nêu quan điểm: "Ở Việt Nam có lối tư duy cổ hủ phải rèn con viết chữ đẹp. Ở Phương Tây làm gì có dạy vở sạch chữ đẹp mà ta lại phát triển như vậy? Ở Việt Nam, bác sĩ được mấy ai viết chữ đẹp, cảnh sát giao thông nào viết biên bản đọc ra hồn không? Được mấy ai thành công nhờ viết chữ đẹp? Viết chữ đẹp hay không phụ thuộc vào năng khiếu. Nếu tốn thời gian để dạy những trẻ không có năng khiếu viết chữ đẹp để làm gì khi sau này gõ bàn phím nhanh hơn?".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.