Học sinh băn khoăn bằng đại học bị lạm phát, Bộ GD-ĐT ý kiến gì?

Hà Ánh
Hà Ánh
27/01/2024 14:24 GMT+7

Nhiều học sinh bày tỏ băn khoăn trong việc lựa chọn ngành nghề, trường học và con đường tương lai tại buổi khai mạc chương trình Tư vấn mùa thi 2024 sáng nay (27.1). Đặc biệt, đại diện Bộ GD-ĐT nêu ý kiến trước băn khoăn của thí sinh về lo ngại bằng đại học đang bị lạm phát.

Học sinh băn khoăn bằng đại học bị lạm phát, Bộ GD-ĐT ý kiến gì?- Ảnh 1.

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), chia sẻ trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên sáng nay

ĐÀO NGỌC THẠCH

Sáng nay (27.1), chương trình Tư vấn mùa thi lần thứ 26 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức diễn ra tại Trường ĐH Đồng Nai.

Chương trình thu hút khoảng 9.000 học sinh lớp 12 của nhiều trường THPT tham dự trực tiếp. Đại diện Bộ GD-ĐT và hơn 50 trường ĐH-CĐ tham gia chương trình sẽ cung cấp nhiều thông tin bổ ích tới học sinh. Chương trình nhận được nhiều câu hỏi bày tỏ băn khoăn của thí sinh trong lựa chọn nghề nghiệp.

Chương trình được truyền hình trực tuyến trên kênh thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.

Bằng đại học có đang lạm phát?

Đặt câu hỏi trực tiếp tại chương trình, một học sinh Trường THPT Nam Hà (Đồng Nai), băn khoăn: "Có phải hiện tại bằng đại học (ĐH) đang thật sự bị lạm phát hay không? Có thông tin cho rằng hiện nay số lượng trường ĐH nhiều và hàng năm số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp, khiến nhiều người bị chênh vênh trong quá trình tìm việc. Chúng em sắp kết thúc 12 năm học THPT và sắp tới 4-5 năm trên giảng đường ĐH. Tương lai chúng em có thể còn phải cạnh tranh với những người tốt nghiệp từ các trường ĐH tiên tiến trên thế giới… Vậy chúng em cần phải làm gì nếu không thật sự quá xuất sắc?".

Bộ GD-ĐT trả lời gì khi học sinh lo quá nhiều người học đại học?

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thu Thủy đánh giá câu hỏi hay và đặt câu hỏi ngược lại: "Nếu các bạn không học thì đất nước sẽ đi về đâu? Nếu dừng học thì chúng ta sẽ lạc hậu đến mức nào?". PGS-TS Thu Thủy nói thêm: "Tôi không đặt nặng chúng ta phải có tấm bằng ĐH vì nó như chứng chỉ để bước vào thị trường lao động. Nhưng không phải có bằng ĐH-CĐ xong là dừng lại việc học mà phải học tập suốt đời. Nếu không học, không làm chủ thì chúng ta mất cơ hội vào những người giỏi hơn".

Trước thông tin cho rằng Việt Nam quá nhiều người học ĐH, bà Thủy khẳng định: "Tỷ lệ học ĐH của Việt Nam hiện đang rất thấp so với thế giới, chỉ 210-215 sinh viên/vạn dân, trong khi các quốc gia khác ở mức 300-400 sinh viên/vạn dân lâu rồi". Dẫn dắt ví dụ từ ngành giáo dục, Vụ trưởng nói: "Chúng tôi đang vô cùng thiếu tiến sĩ ngay trong đội ngũ nhân lực ở lĩnh vực giáo dục".

"Đúng là tỷ lệ người học ĐH hiện nay nhiều hơn so với trước đây nhưng đây là cơ hội các bạn được học ĐH nhiều hơn. Các bạn phải học vì không học sẽ bị loại ra khỏi thị trường lao động. Trên thế giới vẫn có thông tin thiếu nguồn nhân lực trình độ cao vì thị trường lao động ngày càng đòi hỏi nhân lực trình độ cao", PGS-TS Thu Thủy thông tin thêm.

Truyền cảm hứng học tập tới người trẻ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH nói thêm: "4 năm học ĐH không đủ, các bạn cần phải học tiếp. Học nghề cũng là học. Học để đóng góp nhiều hơn cho xã hội, đừng sợ không có vị trí cho mình. Có vị trí dành cho người giỏi nhưng cũng cần những người trung gian để hỗ trợ cho những vị trí đứng đầu".

Với những người chọn chưa đúng ngành nghề từ đầu, bà Thủy cho rằng việc chuyển đổi vẫn cần thiết dù có nhiều thách thức, mất nhiều thời gian và công sức. Với quy chế đào tạo hiện nay, sinh viên có thể học thêm ngành thứ 2, chuyển trường hoặc chuyển lĩnh vực đào tạo… "Có thể mất thêm công sức nhưng đừng bỏ cuộc", Vụ trưởng nói thêm.

Học sinh băn khoăn bằng đại học bị lạm phát, Bộ GD-ĐT ý kiến gì?- Ảnh 2.

Hàng ngàn học sinh tham dự chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên sáng nay

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thi tốt nghiệp và tuyển sinh 2024 có gì mới?

Cũng trong chương trình, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy cho biết năm 2024 Bộ GD-ĐT sẽ không ban hành mới quy chế tuyển sinh ĐH và CĐ ngành giáo dục mầm non. Thay vào đó, quy chế tuyển sinh hiện hành được ban hành và áp dụng từ năm 2022 tiếp tục có hiệu lực trong năm nay. Bộ GD-ĐT chỉ có những điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Về cơ bản, quy trình xét tuyển vẫn giữ ổn định từ 2023 đến năm nay, vai trò của các trường và Bộ là hỗ trợ thí sinh, để thí sinh có quyền lợi tốt nhất.

Vụ trưởng cho biết Bộ có dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT. Dự thảo này không thay đổi nhiều so với năm ngoái, chỉ cập nhật thêm một số chứng chỉ ngoại ngữ để thuận lợi hơn cho học sinh. "Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Bộ sẽ ban hành quy chế thống nhất với tinh thần giữ ổn định không ảnh hưởng đến học sinh năm nay. Ở thời điểm này, thí sinh có thể tham khảo các mốc thời gian của năm trước", Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy thông tin thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.