Học sinh 12 phân bổ thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT thế nào tốt nhất?

Lê Thanh
Lê Thanh
30/06/2022 19:00 GMT+7

Học sinh lớp 12 đang trong thời gian ôn tập nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Vậy học sinh nên phân bổ thời gian học tập và ôn thi như thế nào để đạt kết quả tốt nhất?

Học sinh lớp 12 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Ngọc Thắng

Ưu tiên thời gian nhiều hơn cho các môn học chưa tốt

Từng trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Văn Hoàng, sinh viên năm 2 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: “Cách học của mình là học từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Nếu đã nắm chắc kiến thức nền tảng thì việc tiếp cận các bài toán khó trở nên dễ dàng hơn. Mình thấy các bạn thường bỏ qua kiến thức trong sách giáo khoa nhưng việc nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa rất quan trọng. Riêng về phần bài tập, mình thường tìm tài liệu từ các thầy cô trong trường, các trang web uy tín trên mạng...”.

Nói về thời gian biểu, Hoàng nhớ lại: “Trong giai đoạn ôn thi, mình thường dành 4-6 giờ mỗi ngày cho việc học và ưu tiên thời gian nhiều hơn cho các môn học mà mình cảm thấy học chưa tốt”.

Bên cạnh đó, một số học sinh giỏi lớp 12 chia sẻ cách phân bổ thời gian trong giai đoạn ôn thi tốt nghiệp THPT.

Lê Phương Anh (học sinh lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Du, H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết: “Em đang tập trung ôn các môn khối A1 gồm toán, lý, tiếng Anh để sau khi thi xong kỳ thi tốt nghiệp THPT, em sẽ lấy điểm xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM”.

Thí sinh làm bài trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM

Độc Lập

Về cách phân bổ thời gian ôn tập, Phương Anh nói: “Sau khi học trên lớp, em dành thời gian buổi chiều khoảng 4 giờ và 3 giờ buổi tối để ôn tập môn toán, lý, tiếng Anh. Vì lượng kiến thức của mỗi môn học khá nhiều nên em sẽ dành nhiều thời gian cho môn học nào mình cảm thấy chưa tốt lắm. Cụ thể, môn nào học tốt nhất, em sẽ dành khoảng 1 giờ 30 phút để học, môn khá hơn thì dành khoảng 2 giờ và môn cảm thấy mình còn chưa tốt lắm thì em dành hơn 3 giờ để học".

Nói thêm về cách học từng môn, Phương Anh cho biết: “Mỗi khi giải đề hay bài tập, em thường chú trọng vào phần lý thuyết vì phần này chiếm nhiều điểm, thời gian còn lại em thường dành để lưu ý các câu mình hay bị sai để làm lại và lên mạng xem các video giảng bài sáng tạo của các thầy cô dạy giỏi”.

Theo Phương Anh, thời điểm này, em không đi học thêm mà sắp xếp thời gian để tự học và chọn cách học nhóm cùng các bạn. “Em nghĩ học thêm có cái hay nhưng chủ yếu là nỗ lực của bản thân mình là chính. Khi học nhóm, mỗi người giỏi một vài môn sẽ dễ hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời em cũng tiếp thu được nhiều phương pháp, cách làm hay và dễ hiểu từ các bạn... ”.

Ôn bài theo nhóm 2, 3 bạn cũng là một cách hay

Thạc sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), cho rằng lượng kiến thức học sinh nạp vào là một quá trình tích lũy lâu dài chứ không phải chỉ ngày một ngày hai mà có được.

“Chính vì vậy, để ôn tập kiến thức, các em cần ôn tập theo hệ thống từng bài, từng chương và từng môn. Nghĩa là dành thời gian ôn tập để hiểu và nắm bắt nội dung từng bài học. Ôn tập xong bài này rồi hẳn chuyển sang bài khác, ôn tập hết chương này rồi hãy chuyển sang chương khác, ôn tập hết môn này rồi chuyển sang môn khác. Đừng học theo kiểu lung tung, ngẫu hứng, thiếu hệ thống”, thạc sĩ Minh Hải nói.

Thí sinh trao đổi bên ngoài cổng trường sau giờ làm bài thi tốt nghiệp THPT

Ngọc Thắng

Thạc sĩ Minh Hải chia sẻ thêm: “Học sinh cần tìm cho mình một nơi yên tĩnh để ôn bài. Các em có thể ôn bài một mình hoặc ôn bài theo nhóm 2, 3 bạn cũng là một cách học rất hay. Cái lợi của ôn bài chung là giúp các em bù đắp cho nhau, bởi có em mạnh môn này nhưng lại yếu môn kia và ngược lại”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.