Học phí và cơ hội cho người nghèo

27/10/2021 04:46 GMT+7

Học phí đại học theo lộ trình sẽ tăng mạnh từ năm 2022 trở về sau. Dưới góc độ quản lý giáo dục thì đây là xu hướng nhằm thúc đẩy chất lượng đào tạo bậc đại học của Việt Nam.

Nhưng điều này liệu có làm mất đi cơ hội tiếp cận giáo dục bậc cao của người nghèo?

Lâu nay những nhà nghiên cứu về giáo dục đều nhận định học phí đại học (ĐH) VN rất thấp so với chi phí đào tạo mà nhà nước bỏ ra khiến các trường ĐH khó thực hiện việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập với thế giới.

Tăng học phí là đòi hỏi bắt buộc. Vì thế, nếu trước đây các trường ĐH công lập thu học phí theo Nghị định 86 ban hành từ năm 2015 thì nay theo lộ trình, từ 15.10 áp dụng Nghị định 81, sẽ tăng mạnh mức trần bắt đầu trong năm 2022.

Bên cạnh đó, hiện nhà nước đang có xu hướng giảm dần ngân sách cho các trường ĐH. Để có nguồn kinh phí hoạt động và nâng cao chất lượng trong bối cảnh này, phần lớn các trường ĐH tại VN chọn giải pháp tăng học phí. Vì vậy, nhiều trường công lập chuyển sang cơ chế tự chủ, không nhận ngân sách của nhà nước nữa.

Khi tự chủ, các trường được quyền quyết định về hầu hết các lĩnh vực từ mở ngành, xây dựng chương trình đào tạo đến hợp tác quốc tế... Đây là những yếu tố tiên quyết để các trường nâng cao chất lượng giáo dục.

Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây, liệu sự thay đổi này có lấy đi cơ hội tiếp cận giáo dục của người nghèo?

Mặc dù từ phía nhà nước và trường ĐH đều có những cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh viên nhưng theo đánh giá của nhiều người, trên thực tế vẫn thiếu hành lang pháp lý nên sinh viên khó tiếp cận.

Công bằng mà nói, chính sách cho vay tín dụng sinh viên của nhà nước khi trở thành chương trình cấp quốc gia từ năm 2007 đến nay có nhiều điều chỉnh, thay đổi có lợi cho người học. Từ mức vay 800.000 đồng/tháng, điều chỉnh dần đến 2,5 triệu đồng và nay đang lấy dự thảo để tăng lên 4 triệu đồng/tháng; đối tượng được vay cũng điều chỉnh phù hợp hơn. Tuy nhiên, theo một đánh giá công bố vào tháng 4 năm nay, vẫn còn khá nhiều sinh viên có nhu cầu nhưng không tiếp cận được tín dụng do bị hạn chế về nguồn thông tin, thủ tục pháp lý và chính sách chưa phù hợp.

Về phía các trường ĐH, khi thực hiện tự chủ cũng đề ra nhiều chính sách hỗ trợ học bổng, giảm học phí... Tuy nhiên, số lượng sinh viên nhận được sự hỗ trợ này cũng không lớn.

Như thế, dù mức học phí ĐH đang có xu hướng tăng nhanh nhưng các chính sách hỗ trợ cho người học vẫn chưa theo kịp, dẫn đến nguy cơ sinh viên nghèo khó theo học các trường chất lượng.

Đây là bất cập mà nhà nước cần phải sớm giải quyết. Bên cạnh đó, các trường ĐH tự chủ cũng cần bỏ quan niệm xem học phí là nguồn thu chính như hiện nay mà nên từ những nguồn khác như chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, quỹ tín thác từ các nhà tài trợ, đầu tư...

Tăng học phí nhưng không làm giảm cơ hội của người nghèo mới là một chính sách giáo dục đúng đắn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.