Học mỹ thuật, làm... bảo vệ dân phố!

16/07/2015 09:46 GMT+7

Đó không phải là ví dụ điển hình cho câu chuyện sinh viên ra trường làm trái ngành nghề mà người ta ra rả nói trong thời gian gần đây. Mà đó là chuyện đời của anh Nguyễn Như Cường (34 tuổi, trú KP.3, P.5, TP.Đông Hà, Quảng Trị).

Đó không phải là ví dụ điển hình cho câu chuyện sinh viên ra trường làm trái ngành nghề mà người ta ra rả nói trong thời gian gần đây. Mà đó là chuyện đời của anh Nguyễn Như Cường (34 tuổi, trú KP.3, P.5, TP.Đông Hà, Quảng Trị).

Học mỹ thuật, làm... bảo vệ dân phố!Anh Cường (giữa) trao đổi với cảnh sát khu vực về an ninh trên địa bàn - Ảnh: Nguyễn Phúc
Nghe danh anh Cường đã lâu, nhưng để tìm ra nhân vật này, người viết phải lụy đến Công an P.5 (TP.Đông Hà).
Nhắc đến anh, bà Phạm Thị Hồng Thái, Phó trưởng công an phường này không khỏi xuýt xoa: “Cường là một trong những bảo vệ dân phố trẻ tuổi, có học hành và làm việc đầy trách nhiệm tại địa phương”.
Cường kể, anh từng theo học khoa Mỹ thuật công nghiệp của ĐH Hồng Bàng. Năm 2008, ra trường anh vào làm việc cho một công ty chuyên về thiết kế ở Q.3, TP.HCM và đã “leo” lên được chức trưởng phòng với thu nhập rất khá.
Nhưng khát khao được trở về sống nơi quê cha đất tổ, phụng dưỡng mẹ cha luôn thôi thúc anh từ bỏ chốn phồn hoa đô hội. Đến năm 2010, anh mới thực sự hồi hương...
“Năm ấy, tôi làm một lúc nhiều việc lớn. Hồi hương, lấy vợ (chị Nguyễn Trà My) và đầu tư toàn bộ vốn liếng 100 triệu đồng mở cơ sở dịch vụ photo in ấn Cường Nguyễn”, anh Cường cho biết.
Phải đến năm 2011, anh Cường mới “bén duyên” với nghiệp... bảo vệ dân phố.
Tham gia vào công việc này rõ ràng không phải vì tiền, bởi mỗi tháng anh chỉ được phụ cấp 410.000 đồng mà phải đi “thâm ngày thâm đêm”. Đã vậy còn hay bị bạn bè trêu là đang trẻ mà đã sính đi vác tù và hàng tổng.
Nhưng anh không ngại: “Tôi luôn suy nghĩ tích cực và khuyên mọi người hãy suy nghĩ tích cực. Là người trẻ càng cần phải cố gắng làm nhiều điều tốt đẹp cho xã hội, đặc biệt là điều tốt đẹp ấy bắt đầu từ nơi mình và gia đình sinh sống”.
Công việc bảo vệ dân phố theo tường thuật của anh Cường quả không hề đơn giản. Dù mỗi tổ chỉ 4 người nhưng phải đảm trách rất nhiều nhiệm vụ, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Cụ thể, ít nhất mỗi tuần phải đi tuần tra đêm 2-3 lần theo lịch của công an phường hoặc lịch riêng; hằng tháng phải thường xuyên kiểm tra tạm trú tạm vắng; phối hợp với lực lượng công an bảo vệ hiện trường hoặc giải quyết những vụ việc xâu ẩu, tranh chấp xảy ra trên địa bàn.
“Anh ấy toàn làm đêm, có hôm đi đến 4-5 giờ sáng mới về. Ban đầu tôi cũng nhăn nhưng nghĩ lui nghĩ lại, anh ấy muốn đi làm việc tốt, lẽ nào mình ngăn... Rồi sau này làm sao dạy con cái hướng thiện”, chị My, vợ anh Cường tâm sự.
Cũng vì siêng “đi đêm” nên anh Cường không ít lầm chạm trán với trộm cắp, nghiện hút, giang hồ các loại... Hễ chúng manh động là Cường cùng anh em “hốt” lên phường làm việc.
“Riêng đối với lũ trộm chó, nếu phát hiện là tôi rượt đuổi đến cùng. Có hôm tôi rượt đuổi bằng xe máy vào tới TX.Quảng Trị (cách hơn 12km), mới tóm được một tên cẩu tặc”, anh Cường nói.
Cường bảo cũng may, sau 4 năm làm việc chưa lần nào anh bị sứt đầu mẻ trán bởi đòn thù của đám giang hồ. Ghi nhận những đóng góp của anh năm 2014, UBND TP.Đông Hà đã tặng thưởng anh bằng khen vì có thành tích trong đấu tranh và trấn áp tội phạm.
Trong khi đó, ông Lê Kính, khu phố trưởng KP.3 (P.5) cho hay: “Khu phố tôi có 512 hộ/2.000 khẩu nhưng Cường là một trong những nhân tố trẻ đáng chú ý nhất. Có thể, người khác học hành đỗ đạt hơn Cường, giàu có hơn Cường, nhưng họ thua Cường ở niềm khát khao được cống hiến...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.