Học lớp 6 nhưng chỉ viết được tên mình: Một 'nỗi khổ' mang tên thành tích

15/04/2024 17:18 GMT+7

Trường hợp học sinh học lớp 6 nhưng chỉ viết được tên mình ở tỉnh Quảng Bình phần nào phản ánh câu chuyện bệnh thành tích đầy nhức nhối, giáo viên bằng mọi giá không được để cho học sinh ở lại lớp.

Khó làm một người thầy chân chính vì... bệnh thành tích

Phòng GD-ĐT H.Minh Hóa (Quảng Bình) sẽ rà soát, yêu cầu trường tiểu học báo cáo kết quả học tập và các giáo viên tham gia giảng dạy để làm rõ trách nhiệm sau vụ việc học sinh lớp 6 (Trường THCS Hồng Hóa) nhưng chỉ viết được tên mình. 

Trước đó, trong giờ kiểm tra môn giáo dục công dân tại lớp 6B (Trường THCS Hồng Hóa), giáo viên bất ngờ phát hiện trên bài kiểm tra của một học sinh có ghi dòng chữ "chép nhanh để về". Giáo viên sau đó đã hỏi học sinh vì sao lại ghi dòng chữ trên, thì em thừa nhận nhìn lại bài của bạn để chép chứ... không hiểu nghĩa. Giáo viên kiểm tra các kỹ năng đọc, viết của học sinh này và phát hiện khả năng đọc, viết của em rất kém, không hiểu các câu chữ, chỉ biết viết tên của mình.

Thông tin sự việc này khiến tôi nhớ lại ngày tôi mới bước chân vào nghề giáo. Lúc đó, một đồng nghiệp lớn tuổi tâm sự rằng: “Thật khó làm một người thầy chân chính!”. Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, suy ngẫm lại, tôi thấy lời nhận xét ấy thật sâu sắc. Với những áp lực của căn bệnh thành tích như hiện nay, giáo viên khó có thể làm một người thầy chân chính.

Trong cuộc sống, đạt thành tích cao trong công việc là một việc đáng ghi nhận. Tuy vậy, thành tích ấy phải do chính nỗ lực của bản thân hay tập thể cùng chung tay góp sức chứ không phải hình thành từ sự dối trá.

Để đạt được danh hiệu thi đua, một trong những tiêu chí đó là tỷ lệ học sinh yếu kém phải ở trong ngưỡng cửa cho phép. Hầu như tất cả mọi người trong tập thể sư phạm đều phải tuân thủ và tìm mọi cách để có được một con số đẹp.

Trường THCS Hồng Hóa, nơi học sinh lớp 6

Trường THCS Hồng Hóa, nơi học sinh lớp 6 "chỉ biết viết tên mình" đang theo học

Mọi người mặc nhiên chấp nhận sự dối trá ấy bởi vì không ai muốn rắc rối cho mình. Ai cương quyết đấu tranh thì có thể nhận được cái nhìn không thiện cảm của những người lãnh đạo.

Nếu trường không đạt danh hiệu thi đua thì giáo viên sẽ bị chỉ trích “không vì quyền lợi tập thể”. Trong hoàn cảnh như thế, dù không muốn nhưng giáo viên phải làm theo “quy trình” để không bị khống chế chỉ tiêu thi đua. 

Cần mạnh dạn nói không với thành tích ảo

Với tiêu chí dạy thật học thật, trường tôi đang công tác 4 năm rồi được nhắc nhở và bị cắt thi đua vì tỷ lệ học sinh yếu kém quá cao so với mặt bằng chung. Cấp trên đặt vấn đề: “Tại sao trường nằm ngay ở trung tâm huyện lại có chất lượng thấp hơn so với những trường còn lại?”. Không những thế mà ngay cả trong những cuộc họp, trường tôi cũng bị nêu tên như là một “điển hình’’ hạn chế về chất lượng giáo dục.

Cán bộ quản lý chúng tôi thật đau đầu dù đã có rất nhiều hình thức giúp học sinh củng cố kiến thức như: phân công giáo viên bộ môn hướng dẫn các em học tập, cho đề theo hướng phân hóa để các em yếu kém có cơ hội để cải thiện điểm số, cùng với ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm đưa ra những tiêu chí khen thưởng để động viên tinh thần học tập của các em.

Và có một điều chúng tôi đồng tâm đó là: Không cho điểm khống để có tỷ lệ đẹp theo tiêu chí thi đua. Những học sinh nào không đủ điều kiện, nhà trường cho các em thi lại hay ở lại lớp hẳn.

Để đạt được danh hiệu thi đua, một trong những tiêu chí đó là tỷ lệ học sinh yếu kém phải ở trong ngưỡng cho phép

Để đạt được danh hiệu thi đua, một trong những tiêu chí đó là tỷ lệ học sinh yếu kém phải ở trong ngưỡng cho phép

ẢNH MINH HỌA: THANH NIÊN

Với sự cố gắng của tập thể sư phạm, chất lượng giáo dục của trường tôi được nâng dần theo từng năm. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh yếu kém vẫn còn cao so với những trường còn lại trong huyện.

Là những người thầy, chúng tôi cũng mong muốn học trò mình tiến bộ, nhưng sự tiến bộ ấy phải xuất phát từ sự nỗ lực của chính học sinh, không phải nhờ vào những "chiếc phao" hỗ trợ.

Chúng tôi không biết “vâng lời” nên thành tích của trường bị ảnh hưởng nhưng đổi lại chúng tôi tạo được sự tin tưởng và đồng thuận của giáo viên, phụ huynh học sinh trong công tác quản lý chuyên môn. Có một "nỗi khổ" mang tên thành tích mà ngay cả những người quản lý như chúng tôi cũng phải băn khoăn chứ không riêng gì giáo viên đang giảng dạy.

Khi cô chủ nhiệm khuyên phụ huynh cho học sinh ‘ở lại lớp’

Thực tế cho thấy, không phải là thầy cô nào cũng vì căn bệnh thành tích mà cho học trò được lên lớp trong khi học lực của các em quá yếu, chưa đọc và viết thông thạo.

Tôi nhớ, mấy năm trước, đứa cháu (con của người em tôi) học lớp 1 tại Trường tiểu học Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi. Trong kỳ họp phụ huynh cuối năm, cô chủ nhiệm gặp riêng em tôi trò chuyện và bảo cháu tôi có học lực yếu nhất lớp. Dù được cô quan tâm, kèm cặp nhưng cháu vẫn chưa đọc và viết thành thạo.

Cô nói nếu để cháu lên lớp 2 thì cô cảm thấy rất áy náy và lo lắng, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp không cho phép và học sinh sẽ không theo kịp bạn bè, mất đi nền tảng, kiến thức cơ bản. Vì vậy, cô chủ nhiệm khuyên cho cháu ở lại một năm của lớp 1 để cô tiếp tục kèm cặp, giúp cháu nắm rõ mặt chữ, đọc và viết thành thạo.

Trước lời khuyên và góp ý chân tình của cô giáo chủ nhiệm, em tôi quyết định cho con ở lại năm lớp 1. Nhờ sự dìu dắt, kèm cặp của cô, cháu đã đọc, viết rất thành thạo. Hiện nay, cháu học lớp 4 và là một trong những học sinh có sức học khá giỏi nhất trong lớp.

Từ câu chuyện trên, tôi nghĩ nếu nhà trường, thầy cô kiên quyết “nói không” với bệnh thành tích, chia sẻ chân tình với phụ huynh về học lực của học trò, mạnh dạn cho học sinh “ở lại lớp” để học tốt hơn thì sẽ không còn những câu chuyện học đến lớp 5, 6 nhưng không biết đọc; chưa viết thành thạo; không biết làm toán cộng, trừ, nhân, chia cơ bản.

Nguyễn Đước


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.