Học làm ô sin

03/11/2017 00:00 GMT+7

Một số người từng làm ô sin hoặc sắp làm nghề này đã tham gia khóa học đặc biệt Kỹ năng giúp việc nhà, do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên TP.HCM tổ chức gần đây.

Học cách quét dọn, nấu ăn…      

Tôi có dịp tham gia khóa học này cùng với 7 học viên khác, phần lớn là những người đã hoặc đang làm ô sin. Trong đó còn có một chủ nhà tên Nga (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đến lớp đều đặn, với hai mục đích: xem lại bản thân đối xử với người giúp việc đúng chưa; chuẩn bị hành trang để có thể đi làm quản gia ở Singapore.

Nội dung chương trình khá bài bản, công phu diễn ra trong 10 ngày, mỗi ngày mổ xẻ một chủ đề. Học viên không chỉ tiếp cận lý thuyết suông mà còn được thực hành với những thiết bị, vật dụng tại trung tâm và tại nhà dân (gọi là nhà mẫu). Đầu tiên, chúng tôi có dịp tìm hiểu về an toàn lao động, cách ngắt điện và sử dụng những bình chữa cháy phòng khi gặp sự cố. Tiếp đó là học cách ủi – xếp đồ, quy trình quét dọn làm sạch toàn bộ ngôi nhà và cách chăm sóc vật nuôi, sân vườn. “Nguyên tắc cơ bản là quét, lau từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài”, một cô giáo dặn dò.

Sau khi hướng dẫn cách lên thực đơn cả tuần, chế biến món ăn và bảo quản thực phẩm, thầy giáo phụ trách về phần ẩm thực đưa chúng tôi đi siêu thị và chỉ bí quyết lựa chọn thực phẩm an toàn, dinh dưỡng.

Ngoài các giảng viên đứng lớp, còn có một ô sin đang làm việc ở nhà mẫu cũng nhiệt tình chỉ dẫn cho các “đồng nghiệp” cách sử dụng một số đồ gia dụng.

Bên cạnh đó, học viên còn được trang bị kỹ năng giao tiếp- xử lý tình huống trong môi trường làm việc, luật và quyền lợi người lao động...

Hầu hết các học viên đánh giá đều khóa học này bổ ích và cần thiết với họ, chỉ tiếc là còn quá ít người tham gia. Có ý kiến đề nghị đổi tên thành lớp quản gia cho “kêu” đồng thời thu hút nhiều người học hơn.

Một cán bộ trung tâm cho biết đây là năm thứ hai đơn vị này tổ chức miễn phí khóa kỹ năng giúp việc nhà (mỗi năm một lần). Vị này nhận xét: “Hiện nay, nhu cầu thị trường về lao động giúp việc nhà luôn ở mức cao nhưng nguồn cung chưa thể đáp ứng. Rất nhiều người giúp việc nhà không nghĩ đây là một nghề đã được xã hội công nhận, mà chỉ là coi đó là việc tạm bợ, bấp bênh. Mặt khác, họ cho rằng làm ô sin không cần học gì cả”. Sau khóa học, trung tâm còn giới thiệu việc làm cho học viên.  

Cần chuyên nghiệp hóa

Khi đề cập đến nội dung “Cách sử dụng và bảo quản các thiết bị gia dụng”, giảng viên chia sẻ: “Thời bây giờ, nhiều chủ nhà chấp nhận trả lương xứng đáng cho người khóa kỹ năng giúp việc nhà giúp việc, nhưng với điều kiện phải làm được việc. Điều này khác quan niệm ngày trước là những ai không biết làm việc gì khác mới đi làm ô sin”.

Một người giúp việc nhà (thứ hai từ trái sang) hướng dẫn cách sử dụng máy giặt cho học viên Ảnh: Như Lịch
 Như tìm được người đồng điệu, học viên tên Nga (chủ nhà) cho hay bà từng khổ sở khi vớ phải một ô sin “thiếu kiến thức và cứng đầu”. Bà than thở: “Bồn rửa chén nhà mình rất xịn. Mình dặn là khi xài, con không được đổ hóa chất trực tiếp vào đó. Vậy mà nó cầm nguyên chai "Con Vịt" chế lên, làm hư luôn cái bồn do thuốc tẩy mạnh quá. Nhà mình mới xây nên mình muốn khóc, muốn quỳ muốn lạy nó luôn!”.

Một giáo viên khác kể rằng thời gian mới đi làm lại sau sinh, cô có thuê người giúp việc  đến chăm em bé. Người này hễ vui thì cười, buồn thì mặt “một đống”, đá cái này cái kia. Cô tâm tư: “Mình đi làm, kiếm tiền đã mệt để trả lương cho chị ấy, về nhà cần sự thư giãn thì mặt chị hằm hằm. Thương con nên mình phải nhịn. Khi mình có cơ hội mướn được người khác tốt hơn, vui vẻ hơn, mình đổi ngay!”.

Lúc thảo luận về “kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống trong môi trường làm việc”, nhóm ô sin phản ánh: “Chủ nhà bỏ tiền ra thuê mình nên họ thường cho mình cái quyền sai khiến, quát tháo vô cớ, hay áp đặt và coi thường người làm. Nhiều khi họ nghi ngờ tụi em ăn cắp đồ đạc. Em cho họ xét giỏ nhưng họ cũng không tin, dù tất cả sự việc đều đã có camera theo dõi”.

Trong khi đó, phía chủ nhà khẳng định phần lớn ô sin hay mặc cảm, tự ái cao, có  gì phật ý thì đòi nghỉ làm ngay, thay vì có thể ngồi trao đổi lại. “Những người giúp việc từ nước ngoài vào như Philippines rất chuyên nghiệp và không để cảm xúc xen vào công việc”, một giáo viên và cũng là chủ nhà so sánh.

Theo các chủ nhà, điều họ cần ở ô sin là tính cách tốt, siêng năng, có kiến thức và sự chuyên nghiệp. Với những người như vậy, chắc chắn chủ nhà rất tôn trọng và “sợ mất”, đồng thời sẵn sàng trả lương cao.

Giúp việc gia đình là một nghề đã được xã hội thừa nhận

Trong khóa học, luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường cho biết giúp việc gia đình là một nghề đã được xã hội thừa nhận, được pháp luật công nhận và bảo vệ. Theo điều 179 Bộ luật Lao động 2012, lao động giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình (không theo hình thức khoán việc). Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.

Được biết, giúp việc gia đình hiện có mức thu nhập từ 4 – 7 triệu đồng/tháng (bao ăn ở) hoặc 40.000 - 50.000 đồng/giờ (làm theo giờ).


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.