Học... ké

01/10/2015 09:00 GMT+7

Bước vào hội trường thôn Cây Da, xã Phú Văn, H.Bù Gia Mập, Bình Phước, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy mấy chục học sinh mầm non đang... học ké tại đây.

Bước vào hội trường thôn Cây Da, xã Phú Văn, H.Bù Gia Mập, Bình Phước, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy mấy chục học sinh mầm non đang... học ké tại đây. 

Cô - trò trong lớp học tạm bợ ở hội trường thôn Cây Da - Ảnh: Lam NhưCô - trò trong lớp học tạm bợ ở hội trường thôn Cây Da - Ảnh: Lam Như
Rất nhiều thế hệ trẻ em nơi này đã phải chịu cảnh lớp học tạm bợ, với bao thiếu thốn trong suốt 10 năm nay. 
Không đèn, không quạt, không nhà vệ sinh...
Điểm học ở hội trường thôn Cây Da nằm cách trung tâm xã Phú Văn hơn 10 km, với nhiều trẻ không cùng độ tuổi học chung một lớp. Cô Hà Thị Hữu Dung (giáo viên phụ trách lớp học) nhìn nhận: “Trong số 35 bé đang theo học tại đây có 10 cháu 4 tuổi, 25 cháu 5 tuổi. Đúng ra phải tách lớp, dạy chương trình riêng nhưng chúng tôi không có điều kiện, đành chịu”.
Tấm bảng dạy học được đặt trên nền nhà, dựa vào mấy chiếc ghế gỗ tạm bợ. Cô Dung bộc bạch: “10 năm nay, cô trò chúng tôi phải đi học ké khắp nơi. 1 năm học ở nhà dân, 2 năm học ở trường tiểu học và 7 năm nay học tại hội trường thôn”. Mỗi lần chuyển lớp, cô trò lại lịch kịch xách bảng, vác bàn, khuân ghế tới chỗ mới. 10 năm trôi qua, bàn ghế đã hư hỏng gần hết...
Tất cả các điểm lẻ này đều rất khó khăn, không có nhà vệ sinh cũng như không có nước
Bùi Thị Thịnh - Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Bông Sen
Lớp học đặc biệt này hầu như không sử dụng điện. Cô Dung giãi bày: “Đây là điện của thôn, nếu sử dụng bóng điện thì nhà trường phải đóng tiền hằng tháng. Do không có kinh phí, cô trò đành “nhịn” vậy. Các em cũng không được dùng quạt, bởi mấy cái quạt trần của thôn đã hư từ lâu. Nhiều hôm trời nóng quá, thương học trò mồ hôi nhễ nhại mà không biết làm sao”. Khổ nhất là những lúc trời mưa, mái tôn đã cũ nên thủng nhiều chỗ, cô giáo phải cho học trò nghỉ tạm rồi vội vã lấy xô chậu hứng nước dột.
Khi cô Dung đang trò chuyện với chúng tôi thì có mấy học trò chạy tới xin phép “đi ngoài”. Do không có nhà vệ sinh, các bé hồn nhiên ra khoảnh đất sát lớp học để tiểu tiện. Còn khi các bé đi đại tiện, cô Dung phải lót giấy, sau đó mang đi vứt... Ở đây cũng không có nước nên hằng ngày cô Dung đi xin nước của người dân hoặc xách từ nhà đến cho các cháu sinh hoạt.
Thấu hiểu những vất vả của cô giáo và học trò, ông Nguyễn Thanh Dũng, Thôn phó thôn Cây Da, tâm tình: “Chúng tôi cố gắng dời các buổi họp của thôn qua ngày thứ bảy, chủ nhật để lớp học không bị gián đoạn. Tuy nhiên, vào các ngày tiếp xúc cử tri hay đại hội..., lớp học buộc phải nghỉ”. Ông Dũng còn cho biết: “Có những khi thôn họp vào buổi trời mưa, đường làng toàn đất đỏ khiến sàn hội trường lấm lem bùn đất. Những lúc ấy, cô giáo phải còng lưng xách nước để cọ rửa sàn nhà, lấy chỗ cho các cháu học”.
Còn nhiều điểm trường như thế !
Chiều muộn, ông Dương Văn Hảo (cha của bé Dương Thị Tuyết Ngọc) cùng nhiều phụ huynh khác tất tả đến hội trường thôn Cây Da đón con. Ông Hảo cho biết: “Chúng tôi cũng bức xúc lắm. Con mình học ở lớp tạm như vậy rất thiếu thốn, thiệt thòi. Mong nhà nước cấp cho các cháu điểm học đàng hoàng, lớp học thực sự như bao đứa trẻ khác”.
Bà Bùi Thị Thịnh, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Bông Sen (xã Phú Văn), thông tin: Ngoài điểm chính đóng gần UBND xã Phú Văn, trường còn có 5 điểm lẻ nữa, trong đó có điểm học ké tại hội trường thôn Cây Da. “Tất cả các điểm lẻ này đều rất khó khăn, không có nhà vệ sinh cũng như không có nước. Ngay tại điểm chính, chúng tôi cũng phải tận dụng nhà công vụ của trường để làm thêm phòng học cho các cháu”, bà Thịnh nói.
Theo bà Thịnh, hiện nhà trường đang rất bế tắc đối với điểm học ké ở thôn Cây Da, do không có quỹ đất để xây trường lớp. Về phương án giải quyết, bà Thịnh bày tỏ: “Chúng tôi dự định sẽ làm đề án xin tách Trường Bông Sen, lúc đó điểm lẻ ở thôn Cây Da sẽ thuộc trường khác”. Khi được hỏi về thời gian trình đề án, bà Thịnh dự đoán khoảng năm 2018 hoặc 2020!
Thế nhưng, trả lời vấn đề này, ông Lê Văn Quân, quyền Chủ tịch UBND xã Phú Văn, nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng ở đây là kinh phí xây dựng trường, đầu tư cho những điểm lẻ. Nếu tách trường ra mà cơ sở vật chất để dạy và học vẫn tạm bợ thì cũng không đi tới đâu cả!”.
Ông Quân cho hay xã Phú Văn hiện có 7 thôn, nhưng có đến 4 thôn thuộc diện đất lâm nghiệp, trong đó có thôn Cây Da. Chính vì vậy, quỹ đất công ở thôn này hoàn toàn không có. Trong khi đó, thôn Cây Da hiện có đến 302 trẻ em đang trong độ tuổi học mầm non... Ông Quân cho biết thêm sẽ đề nghị đưa việc xin quỹ đất xây dựng trường mầm non vào nghị quyết thực hiện trong 5 năm tới và hy vọng đề nghị này sẽ được chấp thuận.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những dự định, chưa biết bao giờ thành hiện thực. Và biết đến bao giờ, trẻ em thôn Cây Da và nhiều trẻ em khác ở xã Phú Văn mới có trường mầm non đúng nghĩa để học?
Đóng học phí cũng phải đợi tới mùa điều
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng (có con 5 tuổi học ở hội trường thôn Cây Da) cho biết: “Thường thì người ta đóng tiền học vào đầu năm học nhưng người dân thôn Cây Da chúng tôi thì phải đợi tới mùa điều mới có tiền đóng cho con. Tháng 2 điều rộ, tới tháng 3, tháng 4 chúng tôi sẽ đóng tiền”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.