'Học đại học hay ở nhà làm công nhân lương cao hơn?'

Hà Ánh
Hà Ánh
20/03/2023 10:00 GMT+7

Khu vực ĐBSCL có khoảng 48% học sinh tốt nghiệp THPT học đại học (ĐH), tỷ lệ rất thấp so với cả nước. Điều này có thể xuất phát từ quan điểm 'học ĐH làm gì', 'ở nhà làm công nhân lương cao hơn'?

Những quan điểm về học ĐH được chia sẻ trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, Tỉnh đoàn và Đài PTTH tỉnh An Giang tổ chức sáng 19.3.

'Học đại học hay ở nhà làm công nhân lương cao hơn?' - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chia sẻ trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên sáng 19.3

NGỌC LONG

Vì sao ĐBSCL chỉ có 48% học sinh học ĐH?

Trước học sinh tỉnh An Giang tham dự trực tiếp chương trình, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nêu câu hỏi: "Có bao nhiêu học sinh muốn theo học ĐH?". Kết quả là, tất cả học sinh tham dự chương trình đều giơ tay.

Tuy nhiên, tiến sĩ Nhân dẫn lại số liệu khảo sát của Bộ GD-ĐT mới công bố gần đây cho thấy, khu vực ĐBSCL chỉ có khoảng 48% học sinh sau tốt nghiệp THPT tham gia vào các trường ĐH.

"Điều này rất đáng lo ngại vì so với tỷ lệ người học ĐH của cả nước và khu vực là rất thấp. Nguyên nhân là gì? Theo quan sát của tôi khi công tác tại các tỉnh miền Tây, tôi nhận thấy kinh tế phát triển nhiều, thậm chí còn tốt hơn nhiều khu vực khác. Vậy phải chăng có quan điểm nào khác về việc không học ĐH hay không?", ông Nhân nói.

Tiến sĩ Nhân phân tích: "Bản thân tôi nhận thấy rằng chúng ta học ĐH không phải để có bằng ĐH. Các bạn đừng suy nghĩ học ĐH chỉ để có bằng cấp. Tôi cũng từ một vùng quê rất khó khăn và nhận thấy dù cùng trồng cây nuôi cá, nhưng người có học ĐH và người không theo học bậc học này sẽ có cách làm khác nhau".

Do đó, ông Nhân cho rằng học ĐH là để có tầm nhìn phục vụ bản thân, gia đình và xã hội. "Tôi mong muốn chia sẻ quan điểm học tập này: chúng ta học ĐH để giúp chúng ta tầm nhìn khác. Nếu làm ruộng mà không học ĐH thì chúng ta chỉ biết đám ruộng của mình. Còn nếu có học ĐH thì chúng ta làm ruộng nhưng biết được các vùng khác trong cả nước hoặc trên thế giới làm ruộng ra sao để biết cần điều chỉnh gì và có cách làm hiệu quả hơn", ông Nhân ví von.

Về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH, tiến sĩ Nhân nói: "Đôi lúc chúng ta nghĩ rằng học ĐH ra sẽ thất nghiệp nhưng tôi khẳng định không có sinh viên nào tốt nghiệp ĐH bị thất nghiệp. Có thể vào một thời điểm nào đó, họ chưa tìm được việc làm. Nhưng với kiến thức được học ở bậc ĐH, chắc chắn họ sẽ có cơ hội tìm việc". Còn đối với những khó khăn về kinh tế, theo ông Nhân, đó cũng không phải vấn đề lớn vì hiện các trường ĐH đều có những chính sách hỗ trợ sinh viên thực sự khó khăn.

"Sợ nhất vẫn là quan điểm học ĐH làm gì, không cần phải học ĐH vì ở nhà làm công nhân cũng được lương cao hơn. Đó là quan điểm rất sai lầm", tiến sĩ Nhân lưu ý.

"Tôi từng học báo chí, thi ĐH ngành chế biến trước khi học y..."

'Học đại học hay ở nhà làm công nhân lương cao hơn?' - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tấn trong giờ làm việc

NVCC

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Minh Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Y khoa Vạn Phước Cửu Long, cũng cho rằng học ĐH, CĐ là nền tảng cơ bản để người học có cái nhìn tổng quát, tư duy tiếp xúc với ngành nghề, tập tành nghiên cứu. "Còn ra trường thành công hay không, giàu có hay thăng quan tiến chức còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có chủ quan có khách quan, người nào nhanh nhạy thì cơ hội cao hơn", bác sĩ Tấn nói.

Ông Tấn kể: "Bản thân tôi cũng từng loay hoay từ tim mạch, nội tiết gần 10 năm mới biết năng lực mình là chuyên ngành khớp, từng học báo chí, thi ĐH ngành chế biến trước khi học y... Rồi bản thân bỏ cả đề tài tiến sĩ để chọn cái bằng cấp khiêm tốn hơn là bác sĩ chuyên khoa 2".

Từ câu chuyện của chính mình, bác sĩ Tấn nhắn nhủ: "Chọn ngành học là một quyết định khó khăn, là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Các em tuổi mới lớn thường ít suy nghĩ sâu xa, đôi khi chỉ thấy hiện tại ngành đấy hot, kiếm nhiều tiền thì ùn ùn nhào vô, sau mấy năm ra trường thì ngành đó không còn kiếm ra tiền, lúc ấy lại loay hoay tìm ngành khác. Một số em chọn đúng ngành mình yêu thích nhưng khi ra làm được vài năm ít tiền lại bỏ, không phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn…".

Từ đó, bác sĩ Tấn cho rằng ngành nào cũng tốt, nhưng phải chọn cho đúng, phù hợp với năng lực bản thân và phải quyết tâm theo nghề đã chọn, không nên "đứng núi này trông núi nọ".

'Học đại học hay ở nhà làm công nhân lương cao hơn?' - Ảnh 3.

Thạc sĩ Nguyễn Hồ Trúc Mai, Phó trưởng Khoa Tài chính-Kế toán Trường ĐH Cửu Long, chia sẻ trong chương trình

NGỌC LONG

Đồng quan điểm trên, thạc sĩ Nguyễn Hồ Trúc Mai, Phó trưởng Khoa Tài chính-Kế toán Trường ĐH Cửu Long, cũng cho rằng ngành nghề thế mạnh của địa phương có rất nhiều nhưng để chọn được ngành nghề phù hợp thì học sinh cần quan tâm tới sở thích, năng lực bản thân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.