Hoạt náo viên trên chính trường Mỹ

09/08/2015 08:59 GMT+7

Tỉ phú Donald Trump đang là một tên tuổi sáng chói của trào lưu dân túy trên đường đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ.

Tỉ phú Donald Trump đang là một tên tuổi sáng chói của trào lưu dân túy trên đường đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ.

>> Nếu thắng cử, nhiệm kỳ tổng thống của tỉ phú Donald Trump sẽ ra sao?
>> Tỉ phú Donald Trump lại gây 'bão' khi phát ngôn trên truyền hình

Donald Trump (giữa) khẩu chiến với các đối thủ trong cuộc tranh luận giữa các ứng viên đảng Cộng hòa - Ảnh: AFPDonald Trump (giữa) khẩu chiến với các đối thủ trong cuộc tranh luận giữa các ứng viên đảng Cộng hòa - Ảnh: AFP
Donald Trump, trùm bất động sản và ông vua chương trình truyền hình thực tế của Mỹ, còn được biết tới với biệt danh “The Donald”, khó lòng trở thành tổng thống kế tiếp của Mỹ. Ông ta ồn ào, thô lỗ, chẳng thể nào cư xử lịch sự gần như trong mọi tình huống, và trông quái dị không thể tả với kiểu đầu chải ngược. Thậm chí, những thành viên đảng Cộng hòa hăng hái nhất đã vạch rõ giới tuyến với nhân vật này, với lý do ông ta chẳng qua là “một thằng hề”, và chiến dịch vận động hoàn toàn là một “gánh xiếc tạp nham”. Trang tin The Huffington Post đã dứt khoát đăng các tin tức về chiến dịch của Trump trong mục giải trí.
Ian Buruma là giáo sư chuyên ngành dân chủ học và báo chí tại Đại học Bard, bang New York, Mỹ. Năm 2008, Buruma được trao giải thưởng danh giá Eramus của châu Âu, dành cho những cá nhân đóng góp quan trọng cho văn hóa, xã hội hoặc khoa học xã hội ở cựu lục địa. Ông cũng lọt vào nhóm 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới vào năm 2010 do tạp chí uy tín Foreign Policy bình chọn.
Thế nhưng, Trump hiện bỏ xa các đối thủ khác trên đường đua tranh vị trí đại diện cho đảng Cộng hòa. Điều này thậm chí bất thường đối với nền chính trị Mỹ, vốn không thiếu những chuyện kỳ khôi. Đâu là lý do của sự ủng hộ dành cho Trump? Có phải tất cả những người chạy theo ông này đều thuộc dạng “điên rồ”, như thượng nghị sĩ John McCain đã mô tả một cách thiếu khôn khéo?
“Gã hề” chính trị
Những nhà phê bình cho rằng ông Trump đang gãi đúng chỗ ngứa của các cử tri bất mãn, chỉ những người căm ghét dân ngoại lai (đặc biệt là người gốc Mexico), nghi kỵ giới chủ ngân hàng, và vẫn nuốt trôi chuyện một nhân vật có cha là người da màu trở thành tổng thống. Theo lời của danh hài Jon Stewart, Trump chính là “nhân dạng của người Mỹ”, hoặc ít nhất đại diện cho số đông những người da trắng, có tuổi và hầu hết cư ngụ tại các thị trấn nhỏ của nước này.
Hiện nay, có vẻ mọi thứ đều là như vậy. Tuy nhiên, Trump là một phần của hiện tượng phổ biến trong thế giới dân chủ. Các cử tri bất mãn có mặt ở khắp nơi, từ Mỹ, châu Âu đến Ấn Độ. Nhưng họ không chỉ quay lưng lại với các đảng chính thống và chạy theo những nhân vật hứa hẹn quét sạch tầng lớp “ăn trên ngồi trốc” ra khỏi các trung tâm quyền lực, mà còn có chung thị hiếu về hoạt náo viên chính trường, hoặc những “gã hề” nếu bạn thích gọi thế.
Beppe Grillo, một diễn viên hài chuyên nghiệp, giờ đây đang lãnh đạo chính đảng lớn thứ hai tại Ý. Mục tiêu của ông là lật ngược nền tảng chính trị hiện tại của đất nước và chọc giận EU với kế hoạch đưa Ý rời khỏi khối sử dụng đồng tiền chung euro. Tất nhiên, về một khía cạnh nào đó, dân Ý từng 3 lần bỏ phiếu bầu thủ tướng cho một nhân vật bị liệt vào dạng “gã hề”. Đó là Silvio Berlusconi, một tỉ phú bất động sản khác, người đã bắt đầu sự nghiệp bằng cách gảy đàn ca hát mua vui trên một con tàu du lịch. Berlusconi thậm chí còn ác liệt hơn Trump, và nắm trong tay cả hệ thống truyền thông đại chúng ở quốc gia hình chiếc ủng.
Cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi - Ảnh: Reuters
Một diễn viên hài tên Victor Trujillo, mà nhiều người gọi là Brozo - Thằng hề, đã trở thành một nhà bình luận chính trị có ảnh hưởng nhất tại Mexico. Ở Hà Lan, làn sóng chủ nghĩa dân túy (đại diện cho quyền lợi của người dân) đầu tiên được dẫn dắt bởi Pim Fortuyn, một người đồng tính lòe loẹt thường xuất hiện với phong thái quá khích, thiên về khía cạnh gây cười cho cử tri. Một lần nữa, tài năng xuất khẩu cuồng ngôn của ông này thật ra lại là một dạng của quý chứ không phải trở lực. Sau cái chết đầy bi kịch của ông vào năm 2002, đến lượt Geert Wilders, cựu thành viên trong ban nhạc rock với quả đầu nhuộm màu bạch kim, tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời chủ nghĩa dân túy của xứ sở hoa tulip.
Cuộc khởi nghĩa dân túy
Ngoài những kiểu đầu lập dị (cạo trọc và sơn phết như cựu Thủ tướng Ý Berlusconi), những nhà đại diện cho chủ nghĩa dân túy kiểu mới chia sẻ vài điểm tương đồng. Dù là tỉ phú hay không, họ đặc biệt “không đội trời chung” với các tầng lớp tinh hoa, những người khiến họ có cảm giác bị cho ra rìa. Các ông Wilders và Trump cũng tỏ rõ quan điểm chống dân nhập cư. Ông Trump gọi dân gốc Mexico ở Mỹ là “những kẻ cưỡng bức”. Còn Wilders muốn cấm kinh Koran và ngăn chặn làn sóng người Hồi giáo di dân vào Hà Lan.
Ông Trump tỏ rõ quan điểm chống dân nhập cư, gọi dân gốc Mexico ở Mỹ là “những kẻ cưỡng bức” - Ảnh: Reuters
Ở châu Âu, nỗi ác cảm đối với dân nhập cư, hoặc dân Hồi giáo, có thể nhanh chóng chuyển sang thái độ thù địch chống EU, vốn được xem là thành trì khác của tầng lớp tinh hoa. Đó là điểm chung của Wilders và Grillo. Tuy nhiên, tôi cho rằng có một lý do cơ bản hơn cho sự lấn lướt của các hoạt náo viên chính trị.
Nhiều người đã ngán đến tận cổ giới chính khách chuyên nghiệp. Trong quá khứ, các chính trị gia cánh tả đa phần đến từ các công đoàn, trong khi chính khách bảo thủ xuất thân từ giới thương gia giàu có hoặc giới địa chủ. Các giai cấp trong xã hội có mối quan tâm riêng, và được đại diện bằng các đảng phái có lý tưởng và ý thức hệ khác biệt rõ rệt.
Thế nhưng, càng về sau, người dân chẳng còn thấy khác biệt giữa chính khách đảng này với đảng kia. Họ được chất đống bên dưới những cụm từ như “Washington”, “Brussels” hoặc “Phố Wall”.
Thật ra, cách nhìn nhận trên đang được cường điệu hóa, đặc biệt tại Mỹ. Nước này sẽ biến thành một nơi hoàn toàn khác dưới sự dẫn dắt của tổng thống Cộng hòa, nhất là khi đảng Cộng hòa nắm thế đa số tại lưỡng viện quốc hội. Tuy nhiên, điều đó lại là thực tế tại nhiều nơi mà sự khác biệt về ý thức hệ hầu như đã sụp đổ. Những người dân chủ xã hội dẫn đầu các liên minh cầm quyền với những nhà bảo thủ. Chủ nghĩa tự do mới thống trị. Ngày qua ngày, chính trị giống như một hệ thống gian lận, nơi các thành viên của cùng giai cấp chính trị đấu đá lẫn nhau để giành ghế, thay vì chạy đua cho sự lên ngôi của các ý thức hệ, hoặc vì lợi ích của tập thể.
Như thế, “chủ nghĩa Trump”, hoặc “chủ nghĩa Grillo”, đóng vai trò như là cuộc khởi nghĩa chống lại tầng lớp chính khách chuyên nghiệp. Ông Trump không chỉ nỗ lực chạy đua với phe Dân chủ, mà còn cạnh tranh với chính thiết chế của đảng Cộng hòa. Những người ủng hộ ông này phẫn nộ trước sự thỏa hiệp giữa các lãnh đạo Cộng hòa và Dân chủ ở Washington. Đối với họ, sự bắt tay lưỡng đảng là một hình thức tham nhũng. Cũng vì lý do này mà cách đây 5 năm họ đã bỏ phiếu cho các chính khách đảng Trà, những người thà để chính phủ ngưng hoạt động còn hơn thỏa hiệp với đảng Dân chủ. Và đó là lý do tại sao họ đang nhiệt liệt tán thưởng một kẻ phô trương và to mồm như Trump.
Thế nhưng, nếu không có thỏa hiệp, làm sao có thể quản lý một nền dân chủ. Nước Mỹ đang lâm nguy về mặt này. Ngay cả khi Trump không trở thành tổng thống kế tiếp, những tổn thất từ làn sóng dân túy đã được tạo ra. 
Những rắc rối của Donald Trump
Khẩu hiệu tranh cử của Donald Trump là “Vì một nước Mỹ vĩ đại”, nhưng trước khi có thể làm điều đó, nhà tỉ phú này phải đối mặt với các cáo buộc lừa đảo liên quan đến việc thành lập “Đại học Trump”.
Theo CNN, Trump hiện bị các sinh viên khởi kiện tập thể vì không cung cấp các chương trình giảng dạy đúng như quảng cáo. Ngoài ra, bang New York cũng đang kiện Trump về việc mở trường đại học không phép. Trường này đã bị nhà chức trách New York buộc đổi tên thành Sáng kiến Doanh nhân Trump do không đủ tiêu chuẩn của trường đại học trước khi bị giải thể.
Trong khi đó, ứng cử viên này hiện bị nhiều tổ chức tẩy chay vì các phát biểu lăng mạ người Mexico. Trong tuyên bố tranh cử vào tháng 6, Trump lên án những người nhập cư Mexico chỉ mang vào nước Mỹ “ma túy, tội phạm và những kẻ hiếp dâm”. Điều này khiến kênh NBCUniversal tức giận cắt hợp đồng phát sóng cuộc thi Hoa hậu Mỹ và Hoa hậu Hoàn vũ do công ty của Trump tổ chức. Thị trưởng New York Bill de Blasio cũng cho biết thành phố này đang xem xét lại các hợp đồng thuê đất của Trump vì phát ngôn gây sốc trên.
Ian Buruma 
Thụy Miên (lược dịch) © Project Syndicate
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.