Trung tướng Phạm Văn Dỹ: ‘Không thể đánh giặc bằng xuồng ba lá’

02/08/2014 18:00 GMT+7

(TNO) Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7, cho hay chiến tranh trên biển khó khăn và phức tạp hơn đất liền gấp nhiều lần. Trước việc Trung Quốc có ý đồ xâm chiếm biển Đông, ông Dỹ cho hay mọi người dân Việt Nam cùng đồng lòng mới giữ được biển đảo.

 
Trung tướng Phạm Văn Dỹ - Ảnh: Trung Hiếu

Nói chuyện tại lễ ra mắt Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu vào chiều 1.8, trung tướng Phạm Văn Dỹ chia sẻ:

Mỗi khi các thế lực ngoại bang xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, mà ở đây là chủ quyền biển đảo, ngay lập tức đụng chạm tới sợ dây tình cảm dễ rung động nhất và giá trị cốt lõi nhất trong con người Việt Nam.

Điều này không phải bây giờ mới có. Ngay trong chiếc trống đồng Ngọc Lũ từ thời xa xưa của Việt Nam đã in hình một chiếc thuyền đi trên biển. Trong suốt các thời kỳ phát triển, không ít lần Việt Nam phải đương đầu với những thế lực hùng mạnh xâm chiếm biển đảo. Và lần nào giặc ngoại xâm cũng nhận được bài học thích đáng.

Trung Quốc đã sáu lần xâm lược biển đảo Việt Nam. Lần thứ nhất năm 1946, lần thứ hai năm 1956 chiếm một phần Hoàng Sa. Năm 1959, Trung Quốc định “nuốt” luôn phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa.

Lần xâm chiếm thứ tư là năm 1974. Lần này Trung Quốc không dùng binh hùng tướng mạnh mà đây là cuộc đổi chác giữa Trung Quốc và Mỹ vào năm 1969, sau khi lục đục với Liên Xô.

Lần thứ năm là sự kiện Gạc Ma vào năm 1988. Sự kiện giàn khoan Hải Dương-981 chính là lần thứ sáu, Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam.

Chúng ta đang phải đối chọi với kẻ thù luôn có mưu đồ độc chiếm biển Đông. Trung Quốc hiện có trong tay rất nhiều vũ khí tối tân như tàu ngầm, tên lửa, xe tăng. Người ta thường nói đông như Trung Quốc nhưng mạnh thì chưa chắc.

 
Giàn khoan Hải Dương-981 mà Trung Quốc kéo vào vùng biển Việt Nam, nay đã di chuyển ra khỏi vùng biển Việt Nam - Ảnh: Độc Lập

Trung Quốc luôn tuyên truyền Hoàng Sa, Trường Sa là của họ. Trung Quốc luôn rêu rao rằng mọi điều ước quốc tế đều ủng hộ Hoàng Sa, Trường Sa là của họ. Không biết các điều khoản đó ở đâu và trên thực tế không có ở đâu cả.

Tôi xin khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa đã và đang là của Việt Nam. Mọi hành động cưỡng chiếm không bao giờ đem lại chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, dù kẻ cưỡng chiếm đó là ai, mạnh hay yếu, xa hay gần.

Ở đây tôi muốn nói nếu chiến tranh xảy ra ở biển thì đó là điều rất khắc nghiệt. Trong suốt tiến trình giữ biển đảo, hầu như chúng ta thường tự lực cánh sinh đánh giặc mà không thể trông cậy vào bất cứ ai.

Gần đây do kinh tế phát triển nên Việt Nam mới mua được tàu ngầm, máy bay, tên lửa và nhiều vũ khí phương tiện hiện đại khác. Nói thật nếu trong tay mình không có những vũ khí hiện đại này, khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào như vừa qua thì mình chỉ có việc đầu hàng thôi. Bây giờ không thể đánh giặc bằng xuồng ba lá được nữa mà chiến tranh với nhiều vũ khí tối tân, hiện đại.

Đánh giặc trên biển khó vô cùng, khó gấp nhiều lần so với trên đất liền. Ở đất liền chúng ta có “rừng che bộ đội rừng vây quân thù”, còn ở ngoài biển rừng đâu mà che. Chiến tranh nhân dân của Việt Nam trên đất liền có đủ những binh chủng hùng mạnh. Còn ở trên biển chúng ta chỉ có hải quân, lực lượng thực thi luật pháp trên biển, bà con ngư dân và một vài cái đảo.

Ai đã từng đi biển ra đảo rồi sẽ biết. Thuyền ra càng xa, đảo càng nhỏ lại, thuyền ra xa nữa, đảo chỉ còn lại một chấm đen rất nhỏ nhoi trên biển. Trước sự hung dữ của biển cả, của kẻ thù, sinh mạng của các chiến sĩ rất nhỏ nhoi, mong manh.

Vậy bây giờ làm cách nào để chúng ta có được sức mạnh để giữ được biển đảo? Chiến tranh nhân dân trên biển đảo là cái gì vậy? Đó chính là mọi người Việt Nam dù là ai, làm gì, ở đâu đều một lòng hướng và ủng hộ Hoàng Sa, Trường Sa. Có như thế thì các chiến sĩ giữ biển đảo không bao giờ đơn độc trước sự xâm lăng của kẻ thù.

Muốn giữ biển giữ đảo trước hết phải giữ cái bờ. Cái bờ ở đây chính là khối đại đoàn kết toàn dân. Trong cái bờ này, cái quan trọng bậc nhất là nền kinh tế phải phát triển.

Quân khu 7 với vai trò là quân khu quan trọng ở phía Nam. Do đó chúng tôi luôn ý thức phải làm sao giữ chắc đất liền, đồng thời sẽ có chi viện cho Hoàng Sa, Trường Sa khi cần thiết. Tất cả cái này chúng tôi đã tính toán trong thời bình.

Khi cần tất cả sức mạnh như tàu ngầm, máy bay, vũ khí hiện đại, sức mạnh của các chiến sĩ ở biển đảo lẫn sức mạnh của bà con ngư dân góp phần giữ vững Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu.

Trung Hiếu (ghi)

>> Ra mắt CLB Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu
>> Dịch chuyển giàn khoan chưa phải là bước đi cuối cùng của Trung Quốc
>> Giàn khoan Hải Dương-981 đã dịch chuyển khỏi vùng biển của Việt Nam
>> Mỹ hoan nghênh Trung Quốc dời giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam
>> Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan trở lại
>> Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 khỏi vùng biển Việt Nam
>> Tàu cá TQ rút khỏi khu vực giàn khoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.