Bác bỏ yêu sách 'đường lưỡi bò' phi lý của Trung Quốc

20/06/2014 10:55 GMT+7

(TNO) Tại hội thảo quốc tế với chủ đề 'Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử' tổ chức tại Đà Nẵng, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã bác bỏ yêu sách 'đường lưỡi bò' phi lý của Trung Quốc.

(TNO) Sáng 20.6, tại TP.Đà Nẵng, đã khai mạc hội thảo quốc tế với chủ đề 'Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử' do ĐH Đà Nẵng và ĐH Phạm Văn Đồng phối hợp tổ chức.

 Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử”
Quang cảnh hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” tại Đà Nẵng

Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng, cho biết hội thảo quốc tế Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử là sự tiếp nối thành công của hội thảo về hai quần đảo này được tổ chức tại Quảng Ngãi vào tháng 4.2013. Điều này cho thấy chủ đề này vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước; đồng thời cũng cho thấy sự đóng góp của các ý kiến trong cuộc hội thảo đối với xu thế chung của khu vực Đông Nam Á và thế giới, đó là hướng tới sự phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung cho khu vực biển Đông.

Cũng theo ông Phước, hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình biển Đông hết sức phức tạp sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, nhằm hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò”.

Ông Phước nhấn mạnh, hành động này của Trung Quốc là một bước leo thang mới vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, làm thay đổi nguyên trạng ở biển Đông, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông.

Tiến sĩ Renato Cruz De Castro, Trường đại học De La Salle (Philippines), trong tham luận Thách thức sự bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc tại biển Đông, cho rằng: “Mặc dù gây ra căng thẳng trong khu vực, nhưng các quan chức Trung Quốc mô tả đất nước của họ là một nạn nhân khi buộc phải phản ứng, phòng thủ và gia tăng lấn chiếm lãnh thổ trên biển do Việt Nam và Philippines gây ra...”.

Trong khi đó, thạc sĩ Lưu Anh Rô, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, trong bài tham luận của mình nhấn mạnh: “Nhìn lại quá trình lịch sử, Trung Quốc từ chỗ không hề có một yêu sách chủ quyền nào, không hề được chính danh trên trường quốc tế như một quốc gia có chủ quyền tại Hoàng Sa, để rồi sau đó chiếm trọn quần đảo này từ tay của Việt Nam, bất chấp công pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đang tăng tốc từ những gì chiếm đoạt được tại Hoàng Sa, cho thấy thủ đoạn 'vết dầu loang', 'tằm ăn dâu' của họ thực hiện một cách âm thầm, bền bỉ và quyết liệt là vô cùng nguy hiểm”.

Nhà nghiên cứu người Ấn Độ Subhash Kapila, cố vấn các vấn đề chiến lược Nhóm nghiên cứu Đông Nam Á, thẳng thắn chỉ ra tham vọng của Trung Quốc: “Việc dùng vũ lực để giành lấy quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ Việt Nam là những bước đi ban đầu trong nước cờ cuối của Trung Quốc nhằm giành được sự kiểm soát hoàn toàn biển Đông”.

Bài, ảnh: Hữu Trà

>> Bản đồ cổ Trung Quốc chứng minh tính phi lý của yêu sách ''đường lưỡi bò
>> Trung Quốc kẹt cứng vì đường lưỡi bò
>> Mỹ không chấp nhận 'đường lưỡi bò
>> Đến lượt Indonesia ‘bất an’ với đường lưỡi bò Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.