Hoàng Sa, còn nhớ là không thể mất

17/01/2016 18:17 GMT+7

Dự kiến vào ngày 19.1, Hội Khoa học Lịch sử TP.Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học về Hoàng Sa. Đây là lần thứ 2 Hội cùng UBND H.Hoàng Sa chủ trì hội thảo này.

Dự kiến vào ngày 19.1, Hội Khoa học Lịch sử TP.Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học về Hoàng Sa. Đây là lần thứ 2 Hội cùng UBND H.Hoàng Sa chủ trì hội thảo này.

Ông Bùi Văn Tiếng đã khóc tại triển lãm Hoàng Sa ngày 19.1.2014 ở Bảo tàng Đà Nẵng - Ảnh: Nguyễn TúÔng Bùi Văn Tiếng đã khóc tại triển lãm Hoàng Sa ngày 19.1.2014 ở Bảo tàng Đà Nẵng - Ảnh: Nguyễn Tú
Nhân dịp này, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, nguyên Trưởng Ban tổ chức Thành ủy TP.Đà Nẵng dành cho Thanh Niên cuộc trao đổi.
* Cuối năm 2015, đầu năm 2016 chứng kiến 2 sự kiện đặc biệt quan trọng, đó là khởi công Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng và Khu tưởng niệm Hoàng Sa tại Lý Sơn. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa những sự kiện này?
- Ông Bùi Văn Tiếng: Việc xây dựng những công trình vật thể thể hiện một nhận thức về chủ quyền biển đảo có lẽ không chỉ là 2 công trình này. Nếu ở đâu trên đất nước này cần chỉ 1 công trình thôi thì đó là Đà Nẵng vì lâu nay Đà Nẵng được giao nhiệm vụ quản lý về mặt Nhà nước đối với Hoàng Sa, do đó Đà Nẵng xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa rất được ủng hộ.
Đồ án Nhà trưng bày Hoàng Sa được chọn thi công - Ảnh: UBND H.Hoàng Sa
Lý do nữa, chúng ta có chính quyền, UBND H.Hoàng Sa. Lâu nay Bảo tàng Đà Nẵng đã làm nhiệm vụ thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày bằng chứng chủ quyền, Bộ TT-TT cũng đã thường xuyên mang hiện vật bằng chứng về chủ quyền nước ta về Hoàng Sa, Trường Sa đi triển lãm nhiều nơi trên cả nước, nhưng rõ ràng Đà Nẵng cần thêm công trình nhà trưng bày như thế.
Lãng phí trong xây dựng hay những công trình mà không ai đến thì không nên, nhưng với trường hợp này rõ ràng nếu có điều kiện thì nên làm nhiều hơn nữa.
Còn Khu tưởng niệm Hoàng Sa ở Lý Sơn khởi công vào 17.1 rất có ý nghĩa. Thứ nhất về chọn thời điểm hợp lý. Đây là dịp đánh dấu 42 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa. Thứ hai, đảo Lý Sơn là nơi xuất phát đội cai quản Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, thời chúa Nguyễn cũng như thời nhà Nguyễn.
UBND H.Hoàng Sa khởi công Nhà trưng bày Hoàng Sa tháng 12.2015 - Ảnh: Nguyễn Tú
Ngoài 2 địa điểm trên, Thừa Thiên Huế là đơn vị hành chính cũng đã từng quản lý Hoàng Sa trước khi giao lại cho Đà Nẵng. Thậm chí nếu có thể, ở Trường Sa cũng xây dựng công trình hướng về Hoàng Sa. Đảo Trường Sa Lớn hoàn toàn có thể xây khu tưởng niệm. 
* Hội thảo khoa học về Hoàng Sa lần này sẽ bàn những vấn đề gì?
- Ngoài các vấn đề học thuật về chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa, thì hội thảo lần này còn dành phần lớn thời gian tập trung vào việc góp ý, thảo luận về Nhà trưng bày Hoàng Sa. Điều quan trọng nhất là hiện vật trưng bày, cũng không nhất thiết là phiên bản chính, vì vấn đề an ninh cho các hiện vật.
Như đã nêu trên, nếu có nhiều công trình trưng bày, chỗ nào cũng là bản gốc thì từ trang thiết bị cho đến con người bảo vệ bản gốc rất khó. Vấn đề nữa là tổ chức, thuyết minh, nhà trưng bày sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi, chuyên đề thu hút khách tham quan. Bên cạnh đó, các nhân viên, người thuyết minh tại đây cũng rất đặc biệt bởi đây là nơi không thể nói nhầm, nhất là nhầm lẫn kéo dài thì nguy hiểm cho đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Các sự vụ lệnh, danh sách đổi quân, văn bản trình chính quyền về các hoạt động tại Hoàng Sa trong giai đoạn 1960 - 1970 là bằng chứng pháp lý khẳng định Việt Nam đã làm chủ Hoàng Sa liên tục trong thời gian dài trước khi bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép, các tài liệu này sẽ có mặt ở Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: Nguyễn Tú

Lực lượng thuyết minh viên sẽ làm nội dung sống hơn, có hồn hơn, được chọn từ những người ưu tú nhất trong hàng ngũ, kết hợp với số hiện vật đang có hiện nay, đủ để tạo ấn tượng cho người xem về chủ quyền người Việt đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Chưa kể những hiện vật quý mà tự thân nó đã nói lên tất cả. Ví dụ những giấy tờ mang tính hành chính của những người đã công tác, làm việc trên quần đảo Hoàng Sa thập niên 60 - 70 thế kỷ trước, từ sự vụ lệnh, giấy khai sinh, nói lên người Việt từng hiện diện và làm chủ Hoàng Sa; những bản đồ đính liền văn kiện hành chính, có tính pháp lý rất cao. Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng có những hiện vật như thế, là những điểm nhấn trong nhà trưng bày.
* Có Nhà trưng bày Hoàng Sa, Khu tưởng niệm Hoàng Sa rồi, làm thế nào để đối tượng hướng đến không chỉ khách trong nước mà phải khiến công luận quốc tế, khách quốc tế ấn tượng, chú ý?
- Thứ nhất là có sự phối hợp với ngành du lịch, xem đây là những điểm đến trong bản đồ du lịch Việt Nam. Không chỉ các thuyết minh viên phải am hiểu về Hoàng Sa, Trường Sa mà các hướng dẫn viên du lịch cũng phải được tập huấn, để khơi gợi sự hiếu kỳ, ham muốn tìm hiểu một sự thật lịch sử đối với du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt là trường học, phải xem việc tham quan bảo tàng nói chung, Nhà trưng bày Hoàng Sa, Khu tưởng niệm Hoàng Sa nói riêng như một nội dung cần thiết của việc học tập lịch sử.
Các tài liệu, hiện vật quý giá này không chỉ giúp người dân Việt Nam, mà còn nhắm đến du khách, giới học thuật quốc tế, khẳng định sự thật lịch sử Hoàng Sa là của Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Tú

Bên cạnh đội ngũ thuyết minh, chúng ta còn phải nên trang bị phương tiện nghe nhìn hiện đại bằng đủ mọi thứ tiếng, ít nhất là Anh, Trung để phục vụ du khách.
Mở rộng ra, đối với ngành du lịch thì ngoài việc phổ cập những hiểu biết về danh lanh, thắng cảnh, di sản vật thể và phi vật thể đất nước, cũng nên dành một phần phổ cập thường thức về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, không chỉ Hoàng Sa, Trường San, mà Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Cồn Cỏ… Trong đó có nhấn mạnh về Hoàng Sa vì Hoàng Sa có số phận lịch sử đặc biệt.
Đòi lại Hoàng Sa là cuộc chạy tiếp sức nhiều thế hệ
- Thưa ông, các công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa, Khu tưởng niệm Hoàng Sa cũng như nhiều thiết chế văn hóa khác, nếu hoàn thành tốt sứ mệnh là giúp cho mọi người, từ người Việt đến cộng đồng quốc tế nắm rõ sự thật pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, thì chắc chắn sẽ có câu hỏi: Bao giờ Việt Nam giành lại được Hoàng Sa? Theo ông, câu hỏi này được trả lời như thế nào?
- Rõ ràng việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa làm cho Hoàng Sa trong thực tế vẫn chưa đoàn viên được với đất nước, tạo nên cảm xúc rất lớn đối với người Việt. Do vậy bất cứ người Việt nào cũng mong Hoàng Sa trở về đất mẹ. Muốn thế trong thực tế phải làm cho người ta nhớ Hoàng Sa đang ở vị trí nào, bị cưỡng chiếm như thế nào. 
UBND H.Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng hiện đóng tại 132 Yên Bái, là nơi lưu trữ nhiều tài liệu, hiện vật quý giá - Ảnh: Nguyễn Tú
Chính vì thế, đã có nhiều cuộc trưng bày, nhưng đúng là phải đưa Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa, bên cạnh cải tiến nội dung và phương pháp dạy học, mà phải đưa vào sách giáo khoa lịch sử chứ không phải địa lý.
Nhiều người cũng đặt câu hỏi liệu có phải một ngày Việt Nam chúng ta trở thành cường quốc thì đòi lại được Hoàng Sa hay không? Tôi nghĩ thật ra vấn đề không phải cường quốc hay không cường quốc. Một nước có thể không phải cường quốc nhưng họ vẫn có sức mạnh quốc tế. Trong bối cảnh này, giải pháp quan trọng nhất là giáo dục từ trong trường học. Đây là vấn đề khó và lâu dài, nhưng thế hệ người Việt đương đại không thể vin vào việc còn lâu dài và xa xôi đó mà không làm gì cả.
Chúng ta không thể bàng quan với việc này, chúng ta không được nghĩ nếu chúng ta không làm thì con cháu chúng ta sẽ làm. Đây là cuộc chạy tiếp sức, thế hệ trước phải nỗ lực chạy hết sức để trao tín gậy cho con cháu chúng ta. Nếu một đời không làm kịp thì thế hệ sau cũng đã có được di sản để tiếp tục công việc mà bao đời qua người Việt đã và đang tiếp tục làm.
* Trước các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, chúng ta phải có thái độ như thế nào?
- Chúng ta là nước nhỏ nên rất cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đông tay thì vỗ nên kêu, tay ta nhỏ vỗ không kêu hoặc kêu không đáng kể thì biết cách phải tăng âm, tranh thủ sự ủng hộ, gần nhất là cộng đồng ASEAN, tiếp là cộng đồng thế giới.
Vậy thì cần chứng minh cho thế giới thấy đây không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam mà còn vấn đề an ninh hàng hải, tức không chỉ động chạm lợi ích của người Việt mà còn động chạm lợi ích cả thế giới.
Nhà trưng bày Hoàng Sa cùng là nơi sẽ trưng bày tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng, con tàu bị tàu Trung Quốc đâm chìm tháng 5.2014 ngay tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Tú
Xin cảm ơn ông! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.