Hoang phí 'đất vàng': Lấy 'đất vàng' xây ký túc xá nghìn tỉ rồi bỏ không

Lê Quân
Lê Quân
11/11/2022 04:18 GMT+7

Được đầu tư gần 2.000 tỉ đồng trên “đất vàng”, nhưng đến nay nhiều khối nhà cao tầng khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp (Q.Hoàng Mai, Hà Nội ) vẫn bỏ không, xuống cấp nghiêm trọng.

Siêu lãng phí kép

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ký túc xá (KTX) Pháp Vân - Tứ Hiệp là một trong 3 khu KTX tập trung rất lớn tại Hà Nội. Khu đất xây dựng KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp rộng hơn 40.000 m2, nằm gần ngay cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giáp đường Vành đai 3, đường Giải Phóng - là tuyến đường huyết mạch nối khu vực phía nam với nội thành Hà Nội. Đây là một trong những ô đất có vị trí đẹp tại Q.Hoàng Mai.

Phần lớn các tòa nhà vẫn bỏ hoang sau khi xây thô

Dự án này được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách với chi phí đầu tư 1.900 tỉ đồng. Mục đích của dự án là hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên và được kỳ vọng sẽ cung cấp nơi ở cho khoảng 22.000 sinh viên các trường đại học phía nam thủ đô. Theo thiết kế, mỗi phòng rộng hơn 50 m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa… Quy định suất đầu tư dành cho 8 người/phòng, với giá thuê là 205.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm giá điện, nước).

Cách đây hơn 10 năm, nhu cầu nhà ở với sinh viên là vấn đề khá nan giải, việc tập trung sinh viên về các khu KTX được đầu tư hiện đại, đẹp đẽ là ý tưởng rất tốt. Nhưng ít ai ngờ đến nay, công trình vẫn bỏ hoang phần lớn diện tích, lãng phí hàng nghìn tỉ đồng xây dựng trên khu đất có vị trí đẹp, “quý như vàng” tại Q.Hoàng Mai.

Công trình được triển khai năm 2009 gồm 6 khối nhà A1, A2, A3, A4, A5, A6, đến nay mới chỉ có 2 khối nhà được đưa vào sử dụng; 4 khối nhà khác thì đang bị bỏ hoang. Đa số các tòa nhà chỉ mới được xây xong phần thô, chưa hoàn thiện nội thất. Tầng mái của một số tòa nhà bị đọng nước mưa, phơi nắng dẫn đến thấm dột; nhiều tường tại các tòa nhà bị rêu mốc, nứt nẻ, lan can hoen gỉ… Công trình KTX trên đất vàng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều phần đất trong khu KTX này vẫn được người dân tận dụng để trồng rau.

Theo các chuyên gia xây dựng, nếu không sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng, phần công trình được xây thô, chưa lắp cửa sổ, nước mưa đọng dễ gây thấm dột, ảnh hưởng kết cấu công trình. Dưới tác động của mưa, nắng nhiều năm bỏ hoang sẽ gây hại nghiêm trọng cho công trình.

Ký túc xá nghìn tỉ xây dựng dở dang rồi bỏ hoang nhiều năm, xuống cấp

NGUYỄN BẮC

Nghịch lý không tưởng

Trong khi đó, tại khu vực chân công trình, xuất hiện nhiều lều lán tạm bợ của nhóm người lao động tự do được dựng lên giống như khu “ổ chuột” trên các khu đất bên trong dự án, cây dại um tùm, nhếch nhác. “Nhà cao cửa rộng, xây kiên cố thì không hoàn thiện cho dân thuê. Còn người dân lao động tự do lại phải dựng lều lán tạm bợ ở ngay dưới chân công trình nghìn tỉ xây dở dang rồi bỏ hoang. Bức tranh quá nghịch lý, điển hình cho sự lãng phí ngay giữa thủ đô. Tại sao cứ phải là đúng đối tượng sinh viên mới được thuê trong khi người lao động tự do, có nhu cầu thì không được thuê, đều là công trình dành cho người ở cả mà, sao lại phải nguyên tắc này kia, máy móc rồi bỏ hoang?”, bà Trần Thị Thu, 48 tuổi, một người dân ở khu đô thị Pháp Vân, bức xúc.

Về lâu dài, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần phải thay đổi tư duy quản lý, tránh nguyên tắc, máy móc để tránh lãng phí nguồn lực xã hội, ngân sách như tại công trình này.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT

Theo bà Thu, nguyên nhân dự án xây KTX cho sinh viên thuê không phát huy hiệu quả chủ yếu do thiếu hạ tầng giao thông, đặc biệt là xe buýt kết nối với các trường đại học, cao đẳng. Không ít trường hợp sinh viên đến ở đây một thời gian ngắn rồi lại chuyển ra ngoài vì bất tiện. Đồng thời, việc sinh viên ở tại đây không được phép tự nấu ăn và bị hạn chế về thời gian giới nghiêm (sau 23 giờ là không được về) cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên không mấy mặn mà với khu siêu KTX này.

Anh Nguyễn Hoàng Tùng, 28 tuổi, nhân viên trông xe ở KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp, cho biết có nhiều ô đất cận kề KTX cũng được tận dụng làm bãi xe, gara ô tô, quán ăn… Nhìn vào các khối nhà đang bị bỏ hoang trong KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp, anh Tùng cảm thán: “Trong khi bao nhiêu người không có nhà ở thì chình ình dự án bỏ hoang thế này bao nhiêu năm nay. Sinh viên cần ở gần trường học cho tiện đi lại, chứ KTX xây dựng ở vị trí không thuận tiện như thế này cũng khó cho thuê kín được. Biết là bỏ hoang lãng phí nhiều năm nhưng tại sao cơ quan chức năng nhà nước không chuyển đổi chức năng, sớm đưa công trình vào sử dụng?”.

Bao giờ thôi hoang phí?

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tại tờ trình về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở TP.Hà Nội giai đoạn 2021 - 2023, Sở này đã khái quát nhu cầu ở KTX của học sinh, sinh viên hiện nay không cao do tâm lý muốn được tự do, thoải mái như ở nhà trọ, chung cư mini, chung cư bình dân… Đồng thời, KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp nằm ở vị trí có giao thông thiếu thuận tiện đối với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ở phía nam Hà Nội, nên khó thu hút sinh viên.

Năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội từng báo cáo, đề xuất tách hạng mục nhà A4 ra khỏi dự án; chuyển đổi nhà A2, A3 từ công trình KTX thành nhà ở xã hội để bán, cho thuê theo hình thức xã hội hóa. Doanh nghiệp được giao thực hiện có nhiệm vụ hoàn trả phần kinh phí nhà nước đã đầu tư cho hạng mục tòa A2, A3, số tiền khoảng 340 tỉ đồng. Số tiền này sẽ dùng để trả nợ cho khối lượng đã hoàn thành của nhà A1, A5 và A6 khi đó là khoảng gần 234 tỉ đồng. Tuy nhiên, do tắc về cơ chế, vướng mắc pháp lý về đầu tư, quy hoạch, vốn... nên đề xuất phải dừng lại. Hệ lụy là nhiều khối nhà cao chọc trời, mới xây xong phần thô tiếp tục phơi mưa, nắng, xuống cấp.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Do đó, nếu không sử dụng hết công năng sẽ là sự lãng phí lớn về đất đai và tiền của. Cơ chế là do nhà nước đưa ra, để hạn chế lãng phí, cần thay đổi tư duy, cách quản lý, tháo gỡ vướng mắc để làm sao đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả là điều quan trọng nhất.

“Với vị trí tốt như vậy, khu KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp nếu được chuyển đổi thành nhà ở xã hội để bán, cho thuê, thuê mua chắc chắn sẽ đắt hàng. Nhưng trước hết cần bố trí nguồn vốn để khởi động xây dựng hạ tầng, nội thất… làm sống dậy công trình hoang lạnh trên đất vàng này. Về lâu dài, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần phải thay đổi tư duy quản lý, tránh nguyên tắc, máy móc để tránh lãng phí nguồn lực xã hội, ngân sách như tại công trình này”, ông Võ nói.

KTS Phạm Thanh Tùng, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến phần lớn khu KTX nghìn tỉ bỏ hoang trên “đất vàng”: có lỗi về quy hoạch xây dựng, tầm nhìn quy hoạch, triển khai quy hoạch giao thông, cách thức vận hành… Điều đáng trách hơn là suốt nhiều năm qua cũng như đến nay, công trình bỏ hoang nhưng TP.Hà Nội chưa có ý thức sửa sai tại công trình làm chưa chuẩn, gây lãng phí này mà tiếp tục để kéo dài.

Đại diện Bộ Xây dựng bày tỏ rất ủng hộ việc chuyển đổi những công trình xây dựng không đúng chức năng, sớm đưa vào sử dụng để tránh gây lãng phí. Cần rà soát tổng thể hàng loạt những công trình bỏ hoang trên “đất vàng” để có kế hoạch phục hồi, bố trí nguồn lực, cơ chế tháo gỡ. Trong khi đó, UBND TP.Hà Nội chưa có ý kiến về vấn đề này.

Hoang phí 'đất vàng'

Hoang phí 'đất vàng'

'Bánh vẽ' ở nhiều khu đất vàng ven biển

Nản lòng với 3 dự án siêu 'treo'

Ôm hơn 4 ha 'đất vàng' rồi bỏ hoang

Dự án bị bỏ hoang 17 năm

7 năm địa phương nhận lấy bãi cỏ dại

3,2 ha 'đất vàng' ở Ninh Bình bỏ hoang 2 thập niên

Dự án bị chia nhỏ, bỏ dở sau 12 năm được giao đất

Đất đẹp 'độc nhất vô nhị' bỏ hoang giữa thủ đô

Mặt bằng tiền tỉ bỏ trống vì cơ chế

Để hoang hàng trăm ngàn mét vuông 'đất vàng' vì kiện cáo

Bỏ không hàng nghìn căn hộ tái định cư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.