Hoang phí 'đất vàng': Không thể rút mãi sợi dây kinh nghiệm!

Lê Hiệp
Lê Hiệp
27/11/2022 06:37 GMT+7

Theo các đại biểu Quốc hội, đất đai trong các dự án để hoang hóa, chậm đưa vào sử dụng đang gây lãng phí lớn, là thực trạng nhức nhối song việc khắc phục chậm, chưa rõ trách nhiệm.

Thực trạng nhức nhối

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đánh giá đất đai đang bị lãng phí rất lớn và là vấn đề rất dễ nhận diện. Dẫn báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, ông Tạo cho hay có tới hơn 900 công trình dự án sử dụng đất nhưng để hoang hóa hoặc chậm đưa đất vào sử dụng dẫn tới lãng phí, với diện tích lên tới hơn 28.000 ha.

“Tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ đất đai, không đưa đất đai vào sử dụng đúng mục đích, thời gian quy định nhưng không được xử lý một cách kịp thời, chưa tạo ra một động lực để đưa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp vào sử dụng gây lãng phí nguồn lực đất đai”, ông Tạo nói, đồng thời đánh giá chính sách đất đai từ quy hoạch, quản lý quy hoạch, thị trường bất động sản, xác định giá trị quyền sử dụng đất cũng còn nhiều bất cập.

Ông Tạo cũng dẫn chứng ngay tại tỉnh Lâm Đồng có 2 sân bay và một khách sạn liên doanh thuộc đất quốc phòng nằm ngay khu vực trung tâm TP.Đà Lạt và TP.Bảo Lộc nhưng đã bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí. Cụ thể, sân bay Cam Ly ở trung tâm TP.Đà Lạt có 53 ha, bị lấn chiếm khoảng 40 ha. Sân bay ở P.Lộc Phát của TP.Bảo Lộc hơn 35 ha, bị lấn chiếm gần như toàn bộ. Còn khách sạn Babico ngay trung tâm P.1, TP.Đà Lạt với diện tích hơn 7.500 m2 là vị trí “đất vàng” nhưng các vi phạm, tranh chấp, xử lý tài sản gắn với đất quốc phòng chậm được xử lý.

“Những việc trên đã được kiến nghị 5 năm liên tục nhưng chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội và cử tri”, ông Tạo nói.

Lãng phí niềm tin

Đề cập tới các dự án “treo”, quy hoạch “treo” đang gây lãng phí rất lớn về đất đai, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nói những ai có đất, có nhà trong vùng dự án “treo”, quy hoạch “treo” mới thấu hiểu được nỗi khổ của người dân ở đây.

“Đây là những lãng phí vô cùng lớn. Không chỉ lãng phí về nguồn lực đất đai, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của địa phương, làm mất cơ hội phát triển của đất nước. Tuy nhiên, lãng phí lớn hơn đó là làm suy giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền”, ông Thông nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, tháo gỡ để những người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo, giảm bớt những khó khăn. Cụ thể là kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ; đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng; quy định 3 hoặc 5 năm nếu quy hoạch không triển khai thực hiện thì đương nhiên quy hoạch đó không còn giá trị pháp lý, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan.

Trong khi đó, ĐBQH Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cho rằng lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai là vấn đề nóng không chỉ ở một tỉnh, một địa phương nào nói riêng mà ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Hàng chục dự án ngàn tỉ đắp chiếu, hàng loạt các lô “đất vàng” được quy hoạch “treo”, đất rừng, đất nông nghiệp vẫn đang còn có những bất cập trong quản lý và sử dụng.

Cho rằng cùng với việc giám sát thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, Quốc hội cũng đang đưa ra sửa đổi luật Đất đai, bà Minh băn khoăn: “Liệu các bộ, ngành có phối hợp với nhau để sửa đổi những điều bất cập, khắc phục những kẽ hở dẫn đến lãng phí hay không? Hay báo cáo giám sát là việc của báo cáo, sửa luật là việc của sửa luật, còn những bất cập vẫn cứ để vậy, không ai giải quyết?”.

“Sợi dây rút kinh nghiệm vẫn kéo dài, và hạn chế vẫn được nhắc lại theo các báo cáo hằng năm. Lãng phí không phải bây giờ mới có mà xảy ra từ rất lâu, nhưng trách nhiệm thuộc về ai đến nay vẫn chưa chỉ rõ”, bà Minh nhấn mạnh.

Rất cần Chính phủ, bộ ngành vào cuộc

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP.Hà Nội) đánh giá lãng phí đất đai là một trong những thực trạng “đang nhức nhối”. Bà Mai dẫn lại báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, hiện cả nước có hơn 743.786 ha đất đang để hoang hóa, sử dụng sai mục đích. Qua giám sát tại 7 địa phương đã có đến 1.739 dự án được coi là dự án “treo”, tương ứng với hơn 12.000 ha đất. “Đó là một sự thật rất đau lòng và gây bức xúc đối với người dân”, bà Mai nói.

Theo ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai, ngoài nguyên nhân của hệ thống pháp luật, nguyên nhân chính là trách nhiệm quản lý nhà nước. Theo bà Mai, khác với rất nhiều quốc gia trên thế giới có sở hữu tư nhân về đất đai, thì thể chế của VN có đặc thù nhất định. Hiến pháp đã khẳng định rất rõ đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý.

“Như vậy, một quyền lực rất lớn được trao gửi cho bộ máy nhà nước. Làm sao để sử dụng đất đai cho hiệu quả, tăng thu cho ngân sách nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đó là trách nhiệm cao cả Hiến pháp đã trao cho cơ quan công quyền”, bà Mai nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo bà Mai, tư duy nhiệm kỳ trong các cơ quan công quyền đang trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến lãng phí đất đai rất lớn. Qua giám sát, bên cạnh rất nhiều địa phương đang tích cực thu hồi những diện tích đất hoang hóa, vẫn còn những địa phương cứ sau mỗi nhiệm kỳ thì số lượng các dự án “treo” lại tăng thêm. Bên cạnh đó, có tình trạng lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân từ đất đai. Bà Mai dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước khẳng định có biểu hiện lợi ích nhóm ở một số địa phương, vi phạm pháp luật về đấu thầu, giao đất không qua đấu giá…

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai cũng cho rằng việc giải quyết vướng mắc về đất đai không chỉ là trách nhiệm của địa phương mà có trách nhiệm của rất nhiều bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, khi có vướng mắc, các địa phương gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành thì câu trả lời từ phía các bộ, ngành là “cứ thực hiện theo quy định của pháp luật”. Ngay cả khi pháp luật không có quy định hoặc có quy định khác nhau, câu trả lời trong nhiều trường hợp vẫn cứ là “thực hiện theo quy định của pháp luật” thì vướng mắc không thể giải quyết, điều đó cũng gây bức xúc và thất vọng đối với nhiều địa phương.

“Cũng rất dễ hiểu rằng tại sao đến thời điểm hiện nay có những dự án trải qua hàng chục năm vẫn không tháo gỡ được vướng mắc”, bà Mai nhấn mạnh và kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành địa phương cần quyết liệt hơn trong xử lý các vướng mắc về đất đai, tránh lãng phí nguồn lực rất lớn của đất nước. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm đối với lối tư duy nhiệm kỳ; tăng cường giám sát để đảm bảo không lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân trong quản lý, sử dụng đất đai…

Làm rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm 899 dự án lãng phí đất đai

Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đánh giá giai đoạn 2016 - 2021, quy hoạch “treo”, dự án “treo” còn khá phổ biến. Nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất kéo dài, nhưng chậm được khắc phục, xử lý. Diện tích đất chưa sử dụng, để hoang hóa tại nhiều dự án khá lớn.

Bên cạnh đó, công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn nhiều vướng mắc, chưa kịp thời tháo gỡ, dẫn đến chậm triển khai dự án không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, mà còn gây thất thu ngân sách nhà nước và lãng phí trong sử dụng đất.

Từ đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo cơ quan liên quan trong năm 2023, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đối với diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật.

Quốc hội đặc biệt lưu ý yêu cầu phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.