Hoang phí 'đất vàng': Đầy rẫy đô thị hoang

Lê Quân
Lê Quân
20/11/2022 06:38 GMT+7

Cách nội thành Hà Nội chỉ chừng 15 phút lái xe, H.Hoài Đức (Hà Nội) có tốc độ đô thị hóa nhanh, định hướng lên quận trong tương lai gần, nhưng có không ít khu đô thị chiếm đất rồi bỏ hoang nhiều năm.

Bỏ hoang hàng loạt khu đô thị

Nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị nhận định H.Hoài Đức có vị trí “vàng”, đóng vai trò cửa ngõ phía tây vùng trung tâm thủ đô, lại nằm giữa 2 trục đường huyết mạch nối Hà Nội với cả vùng Tây Bắc rộng lớn, là đại lộ Thăng Long và QL32. Những năm qua, H.Hoài Đức được định hướng nâng cấp thành quận nên hạ tầng xã hội được chú trọng đầu tư, tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Dù có vị trí thuận lợi phát triển nhưng địa phương này còn nhiều khu đô thị (KĐT) có tỷ lệ người dân sinh sống thấp, diện tích đất đã có quy hoạch bỏ hoang nhiều, thậm chí là nhà biệt thự, nhà liên kế đã xây dựng xong phần thô rồi phơi mưa nắng, xuống cấp rất lãng phí.

Cả trăm căn biệt thự, nhà liên kế tại khu đô thị Lideco bỏ hoang nhiều năm

LÊ QUÂN

KĐT Lideco ven QL32, đoạn qua TT.Trạm Trôi, là một trong những dự án lớn nhất ở H.Hoài Đức do Công ty CP phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư, có quy mô hơn 38 ha, gồm 600 biệt thự thiết kế theo kiến trúc tân cổ điển. Dự án (DA) được xây dựng từ năm 2008, đến năm 2013 hoàn thiện, song hiện nay có cả trăm căn biệt thự, nhà liên kế vẫn bỏ hoang. Toàn cảnh cả KĐT vẫn hoang vắng, nhiều căn biệt thự mới chỉ được xây xong phần khung, tường chưa được tô. Những căn được hoàn thiện phần thô thì cũng bị bỏ hoang, dầm mưa dãi nắng, chỉ lác đác một số căn có người ở. Ít ai hình dung được đây là KĐT có tổng mức đầu tư cách đây gần 15 năm lên tới gần 800 tỉ đồng, và có giá bán biệt thự trên thị trường hiện lên tới vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng mỗi mét vuông.

Là công nhân một nhà máy tại phố Nhổn (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội), ngày nào chị Trần Thị Thu (H.Phúc Thọ) cũng đi về trên trục QL32, ngang qua KĐT Lideco. Chị Thu thấy rất chua xót khi nhà cao cửa rộng, đô thị đẹp bỏ hoang, còn người dân thì vẫn ở trong các khu nhà lụp xụp, chật chội, xa xôi. “Tôi trộm nghĩ, giá như trong thời gian họ chưa sử dụng, có thể chuyển thành nhà cho thuê, để những người dân có thu nhập thấp như chúng tôi có cơ hội được thuê nhà ở gần nơi làm việc, thay vì phải đi gần 30 km mới về đến nhà. Có lần nhìn nhà đẹp mà bỏ hoang phí, tôi đi vào bên trong KĐT thấy còn một số ô đất trống, giá như chỗ ấy xây nhà công nhân thì hay biết mấy”, chị Thu nói.

Nhà bỏ hoang tại khu đô thị HUD Vân Canh xuống cấp nghiêm trọng

LÊ QUÂN

Ngoài KĐT Lideco, tại H.Hoài Đức cũng còn không ít các KĐT bỏ hoang khác, lãng phí đất đai. Điểm chung của các DA này là dù bị bỏ hoang, hạ tầng nhếch nhác và hầu như chưa có gì nhưng giá rao bán nhà, biệt thự tại đây đều rất cao, người dân có thu nhập bình dân không thể với tới. Trong đó, nhiều DA từng được quảng cáo bằng những mỹ từ như “biểu tượng của cuộc sống thời thượng” hay “KĐT kiểu mẫu mang lại không gian sống trong lành”…; nhưng trên thực tế vẫn chỉ là những DA chưa được hoàn thiện với những sản phẩm bị bỏ hoang cả chục năm.

KĐT Vân Canh tại xã Vân Canh (H.Hoài Đức) do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư cũng có rất nhiều căn biệt thự, nhà liên kế đã xây xong phần thô nhưng bị bỏ hoang, bên ngoài cỏ mọc um tùm. Xen kẽ trong số đó có những căn được cho thuê làm nhà hàng kinh doanh hoặc có người ở. Anh Nguyễn Văn Tùng cho biết, anh đã ở đây nhiều năm và thấy DA bị bỏ hoang rất lãng phí.

Theo lời anh Tùng, KĐT hầu như chẳng có người ở nên đường sá, cảnh quan không được đầu tư, thậm chí nhếch nhác, hạ tầng xuống cấp vì các khu có người ở lại xen lẫn khu bỏ hoang, đôi khi trở thành tụ điểm chích hút, tệ nạn xã hội… “Không hiểu cơ quan thẩm quyền có chiến lược phát triển thế nào mà để lãng phí như vậy”, anh Tùng bức xúc.

Theo khảo sát, không khó để tìm thấy các KĐT với những cái tên mỹ miều, quy mô hàng chục héc ta với những căn biệt thự, nhà liên kế được xây dựng lên rồi bỏ hoang như khu biệt thự Hoa Phượng, KĐT Thiên Đường Bảo Sơn, khu biệt thự Vườn Cam… Hay như KĐT Hinode Royal Park, trước đây là có tên gọi là KĐT Kim Chung Di Trạch nổi tiếng với danh xưng “nghĩa địa bất động sản”. Gần đây, chủ đầu tư mới cho khởi động, xây dựng lại dự án, mở bán hàng nhưng chưa biết khi nào có dân về ở.

Bỏ hoang nhà, khu đô thị là vấn đề tồn tại trong xã hội nhiều năm qua

T.L

Mạnh tay với các dự án bỏ hoang, được không ?

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng tình trạng bỏ hoang nhà biệt thự, nhà liên kế, đất trong các KĐT là hệ quả của giai đoạn phát triển nóng của thị trường bất động sản. Việc quy hoạch, đầu tư vội vàng, liên tục xây dựng các dự án vượt quá nhu cầu của thị trường, không phù hợp với quy hoạch, nhu cầu người tiêu dùng… tạo ra nhiều sản phẩm không có khả năng thanh khoản là nguyên nhân cơ bản của thực trạng lãng phí.

Cùng quan điểm, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, bỏ hoang nhà, KĐT là vấn đề tồn tại trong xã hội nhiều năm qua, khó giải quyết. Trong khi người có nhu cầu thực về chỗ ở không thể nào tiếp cận được các DA giá rẻ, vừa túi tiền thì chủ đầu tư lại chỉ thích xây nhà trung, cao cấp. Nên nghịch lý diễn ra là chỗ thiếu cứ thiếu, chỗ thừa vẫn cứ thừa kéo dài nhiều năm không khắc phục được.

Theo ông Thịnh, cần có các phương án xử lý dứt điểm đối với những DA bỏ hoang, chậm triển khai và theo Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng có đưa ra điểm mới về đánh thuế cao đối với DA, công trình chậm tiến độ, bỏ hoang. “Cần triệt để triển khai biện pháp này để các dự án bỏ hoang biến mất”, ông Thịnh đề nghị.

Cần nhìn rõ trách nhiệm

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN, cho biết chỉ một huyện mà có quá nhiều KĐT bỏ hoang là vấn đề nghiêm trọng, cần đánh giá lại. Việc thu hồi quá nhiều đất để làm KĐT nhưng rồi để hoang nhiều năm là lãng phí tài nguyên, thậm chí tạo điều kiện cho việc đầu cơ, lướt sóng, gây nhiễu loạn giá thị trường, tạo bong bóng, thị trường thiếu bền vững.

Theo ông Đính, trong dài hạn, để khắc phục tình trạng trên thì việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương cần khảo sát kỹ nhu cầu, định hướng phát triển đô thị và có những kế hoạch, chiến lược sao cho thích ứng với nhu cầu thực của thị trường. Thậm chí, cần có chế tài phạt nặng các chủ đầu tư được giao đất nhưng không đưa vào sử dụng đúng tiến độ, xây nhà rồi bỏ hoang, lãng phí đất đai, nguồn lực phát triển kinh tế. Đồng thời, lãnh đạo TP.Hà Nội cũng cần nhìn rõ trách nhiệm khi trên địa bàn có rất nhiều diện tích đất bị bỏ hoang như vậy, gây lãng phí tiềm lực phát triển kinh tế.

Hoang phí 'đất vàng'

Hoang phí 'đất vàng'

'Bánh vẽ' ở nhiều khu đất vàng ven biển

Nản lòng với 3 dự án siêu 'treo'

Ôm hơn 4 ha 'đất vàng' rồi bỏ hoang

Dự án bị bỏ hoang 17 năm

7 năm địa phương nhận lấy bãi cỏ dại

3,2 ha 'đất vàng' ở Ninh Bình bỏ hoang 2 thập niên

Dự án bị chia nhỏ, bỏ dở sau 12 năm được giao đất

Đất đẹp 'độc nhất vô nhị' bỏ hoang giữa thủ đô

Mặt bằng tiền tỉ bỏ trống vì cơ chế

Để hoang hàng trăm ngàn mét vuông 'đất vàng' vì kiện cáo

Bỏ không hàng nghìn căn hộ tái định cư

Lấy 'đất vàng' xây ký túc xá nghìn tỉ rồi bỏ không

Đất vàng 'treo' giữa thủ phủ phố núi

Dự án 33 triệu USD thành điểm tiêm chích ma túy

Dự án chung cư nghìn tỉ 'ôm đất vàng' rồi bỏ hoang

Hàng trăm héc ta đất mặt biển hoang phí từng ngày

'Chết yểu' trên đất vàng nội đô Hà Nội

Mất tiền tỉ để giữ 'đất vàng' bỏ hoang

Định hướng sử dụng 'đất vàng'... trên giấy

Treo cả dự án trên đất trúng đấu giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.