Hoang mang vì tự xét nghiệm tinh dịch tại nhà

Lê Cầm
Lê Cầm
09/04/2024 14:24 GMT+7

Anh N.M.T (33 tuổi, ở TP.HCM) lập gia đình được 2 năm và đang mong con nên đã tự mua bộ test tinh dịch đồ tại nhà được rao bán trên sàn thương mại điện tử và cho ra kết quả rất tốt.

Anh T. cho biết đã tự mua thử mỗi 3 tháng để đánh giá xem khả năng sinh sản của mình và yên tâm chờ đợi có tin vui. Nhưng chờ mãi đến gần 2 năm vẫn chưa có kết quả gì nên anh quyết định đi kiểm tra lại sức khỏe sinh sản tại Trung tâm sức khỏe nam giới Men’s Health.

Ngày 9.4, tiến sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Trà Anh Duy, Trung tâm sức khỏe nam giới Men’s Health cho biết, qua thăm khám và chỉ định xét nghiệm kiểm tra tổng thể về sức khỏe sinh sản của anh T. thì phát hiện tinh trùng của anh bị thiểu nhược tinh nặng, cần được tư vấn và điều trị.

Quá trình đọc mẫu tinh dịch đồ chuẩn phải bao gồm khảo sát nhiều thông số

Quá trình đọc mẫu tinh dịch đồ chuẩn phải bao gồm khảo sát nhiều thông số

Minh họa: Pexels

Trong khi đó, vợ chồng anh T.T.D. (29 tuổi, ở Tây Ninh) thì gặp tình trạng ngược lại. Vợ chồng anh D. đi kiểm tra sức khỏe sinh sản ở một phòng khám và được cho thử tinh dịch đồ cũng bằng dụng cụ thử nhanh tinh trùng, được báo là kết quả tinh dịch đồ rất kém. Sau khi xem kết quả, bác sĩ Duy nhận thấy rằng kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ từ dụng cụ test nhanh cung cấp ít thông số, không đủ để đưa ra kết luận về tình trạng sinh sản của anh T.T.D. Điều này gây hoang mang cho đôi vợ chồng. Sau đó, bác sĩ Duy đã cho kiểm tra lại tinh dịch đồ của anh D. theo tiêu chuẩn WHO 2021, kết hợp tư vấn thay đổi thói quen và dùng ít thuốc hỗ trợ. Sau 3 tháng đôi vợ chồng này có tin vui.

Cần có bác sĩ chuyên sâu đánh giá toàn diện

Theo bác sĩ Duy, hiện nay trên thị trường xuất hiện quảng cáo về các bộ xét nghiệm cho kết quả nhanh chóng được xử lý bằng phần mềm ứng dụng trên điện thoại với lời "đồn thổi" là kết quả chính xác rất cao và được các tổ chức chứng nhận. Cũng xuất phát từ tâm lý ngại đến cơ sở y tế để được xét nghiệm nên các cặp vợ chồng mua về tự kiểm tra dù giá các bộ test này khá cao và khả năng thao tác không đúng hướng dẫn. Bên cạnh đó, việc phân tích kết quả cần bác sĩ có chuyên môn và kết hợp nhiều yếu tố.

Bác sĩ Duy cho biết, quá trình đọc mẫu tinh dịch đồ chuẩn phải mất tối thiểu 2 giờ và kết quả chuẩn theo tiêu chuẩn WHO 2021 phải bao gồm khảo sát nhiều thông số như:

  • Tiền sử: Điều trị viêm nhiễm nặng 6 tháng qua, bệnh lý mạn tính, bệnh lý cấp tính trước lấy mẫu...
  • Tình trạng mẫu: Kiêng xuất tinh mấy ngày, lấy mẫu hoàn toàn hay rơi vãi, lấy mẫu dễ hay khó, nơi lấy mẫu…
  • Đại thể: Thể tích, màu sắc, độ nhớt…
  • Vi thể: Kết đám, kết dính, mật độ, tỷ lệ tinh trùng di động, bất động, tỷ lệ sống, hình dạng thường, bất thường đầu, đuôi, tế bào lạ…

"Ngoài ra, theo khuyến cáo của WHO 2021 là không nên dùng máy xét nghiệm tinh trùng tự động trong lâm sàng. Đã có nhiều phiên bản khác nhau về máy xét nghiệm tinh trùng tự động gần 30 năm qua. Tuy nhiên, các loại thiết bị đắt tiền này dù cho kết quả nhanh, tiện lợi nhưng ít có giá trị trên lâm sàng vì cho ra ít thông số và có rất nhiều sai số", bác sĩ Duy chia sẻ,

Cũng theo bác sĩ Duy, các cặp vợ chồng thường hiểu và diễn giải sai kết quả tinh dịch đồ do không hiểu giá trị ngưỡng tham khảo. Ngưỡng tham khảo này thật ra không phải là giá trị để chẩn đoán bình thường hay bất thường. Do đó, kết quả dưới các con số này cũng không nói được là người nam giới đó bị hiếm muộn hay khả năng sinh sản bình thường. Cần có bác sĩ chuyên sâu đánh giá toàn diện về khả năng sinh sản của nam giới mới có thể kết luận, tư vấn và định hướng điều trị đúng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.