Hoàng đế Hàm Nghi và cuộc triển lãm thú vị của vua khai mạc tại nước Pháp

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
18/03/2022 15:45 GMT+7

Từ ngày 19.3 đến 26.6.2022, lần đầu tiên sẽ diễn ra cuộc triển lãm Nghệ thuật lưu vong ( L'art en exil ), giới thiệu 150 tác phẩm của hoàng đế Hàm Nghi tại Nice, nước Pháp.

Hàm Nghi (1871 - 1944) tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn, trị vì chỉ được một năm (1884 – 1885). Năm 18 tuổi, do chống lại việc thành lập chính quyền bảo hộ của Pháp ở Đông Dương, ông bị đày đến Alger (thủ đô xứ Algérie).

Năm 1904, vua Hàm Nghi kết hôn với Marcelle Laloe (1884 - 1974), con gái của Chánh án tòa Thượng phẩm tại Alger. Hai người có với nhau 3 người con: công chúa Như Mai (1905 - 1999), công chúa Như Lý (1908 -2005) và hoàng tử Minh Đức (1910 - 1990).

T.L

Trong thời gian lưu đày, vốn là một người yêu nghệ thuật, vua Hàm Nghi nghiên cứu văn chương, học nhiếp ảnh, hội họa và điêu khắc. Ông là học trò của họa sĩ Marius Reynaud và điêu khắc gia Auguste Rodin, chịu ảnh hưởng từ Paul Gauguin, họa sĩ hàng đầu hậu ấn tượng Pháp.

Trong thời kỳ đầu vẽ tranh, ông lấy nghệ danh là Xuân Tử và Tử Xuân, chủ yếu vẽ tranh phong cảnh và chân dung bằng phấn màu cũng như sơn dầu. Vua Hàm Nghi áp dụng thành thục các kỹ thuật của trường phái Ấn tượng và Hậu ấn tượng để rồi trở thành một nghệ sĩ thị giác qua những tác phẩm điêu khắc bằng đồng, gỗ và thạch cao.

Không phải đây là lần đầu tiên những tác phẩm của vua Hàm Nghi được triển lãm tại nước Pháp. Ông đã có 3 cuộc triển lãm khá thành công tại Paris, thứ nhất tại Bảo tàng Guimet (1904), thứ hai tại một phòng tranh năm 1909 và thứ ba là cuộc triển lãm Mantelet-Colette (1926). Riêng cuộc triển lãm này do cô Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi tổ chức.

Bức tranh có tên Cây ô liu cổ của vua Hàm Nghi

Vua Hàm Nghi

Wikipedia

Amandine Dabat là tiến sĩ Lịch sử Nghệ thuật (Đại học Sorbonne), thạc sĩ Việt Nam học (Đại học Paris-Diderot) và là thành viên của Trung tâm Đông Nam Á tại EHESS. Năm 2015, Amandine Dabat bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia (Paris) cũng với đề tài liên quan đến vua Hàm Nghi: Hàm Nghi (1871-1944), Empereur en exil, artiste à Alger. Và thời gian gần đây, quyển sách của cô về Hàm Nghi là Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Algiers đã nhận được Giải thưởng Hỗ trợ Sáng tác Văn học từ Quỹ Del Duca.

Cuộc triển lãm Hàm Nghi, nghệ thuật lưu vong lần này cũng do cô tổ chức, tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á ở Nice, với hơn 150 tác phẩm của nhà vua, bao gồm đồ vật và tài liệu từ các bộ sưu tập tư nhân và bảo tàng Paris, những trang liên quan đến lịch sử và lịch sử nghệ thuật mà công chúng Pháp và thế giới chưa biết đến, đặc biệt là trên 90 công trình lưu trữ về hình vẽ, tranh sơn dầu và điêu khắc, góp phần khắc họa diện mạo nghệ thuật của Hàm Nghi.

Vua Hàm Nghi vẽ những bức tranh chủ yếu về phong cảnh thiên nhiên

T.L

Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi, tác giả của quyển sách Empereur en exil, artiste à Alger (Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger) đã nhận được Giải thưởng Hỗ trợ Sáng tác Văn học từ Quỹ Del Duca.

sup.sorbonne-universite.fr

Không chỉ nghệ thuật, Hàm Nghi được đánh giá là một trong ba vị vua Việt Nam yêu nước thời Pháp thuộc (cùng với vua Thành Thái và Duy Tân). Điều này đã được khẳng định trên trang web của NXB Đại học Sorbonne: “Đối với người Việt Nam ngày nay, Hàm Nghi là một anh hùng dân tộc, một biểu tượng của cuộc kháng chiến chống thực dân”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.