Hoàn thuế TNCN, khổ cả người nộp và cơ quan thuế

Thanh Xuân
Thanh Xuân
30/06/2023 06:35 GMT+7

Những quy định lỗi thời trong luật Thuế thu nhập cán hân gây ra những bất cập cho cả người nộp thuế lẫn cơ quan thuế.

Cán bộ thuế cũng ngại làm hoàn thuế

Sau gần 3 tháng thực hiện hồ sơ xin hoàn thuế thu nhập cá nhân (TNCN), chị T.T (tạm trú tại Hà Nội) mới đây đã nhận được số tiền gần 75 triệu đồng. Sở dĩ hồ sơ xin hoàn thuế của chị T.T kéo dài thời gian là do ngoài bố và em gái (mất khả năng lao động) đưa vào diện giảm trừ gia cảnh, thì còn 3 cháu (gọi bằng cô) cũng được chị T.T khai vào người phụ thuộc. Nhưng hồi tháng 3, sau khi nộp hồ sơ khoảng 2 tuần, cơ quan thuế yêu cầu lên bổ sung giấy tờ chứng minh người phụ thuộc. Nếu làm theo, tốn rất nhiều thời gian chạy đi chạy lại nên chị rút hồ sơ về cơ quan thuế địa phương, nơi nắm rõ hoàn cảnh gia đình để mọi việc thuận lợi hơn. Thế nhưng, mọi việc cũng kéo dài do chuyển hồ sơ từ cơ quan này sang cơ quan khác. "Năm nào cũng phải chứng minh như vậy, rất mệt mỏi!", chị T.T nói.

Hoàn thuế TNCN, khổ cả người nộp và cơ quan thuế - Ảnh 1.

Nhiều cá nhân bỏ hoàn thuế thu nhập

NGỌC THẠCH

Ngay cả với các luật sư, để đáp ứng yêu cầu của một hồ sơ hoàn thuế cũng không dễ. Đó là trường hợp ông H.Đ (ngụ Q.8, TP.HCM) - một luật sư được người bạn tên Th. nhờ kê khai, quyết toán thuế TNCN để nhận lại số tiền hoàn thuế hơn 6 triệu đồng. Bạn ông là cộng tác viên cho một đơn vị trên địa bàn TP.HCM, hưởng thu nhập theo công việc, công ty trừ thuế 10% trên số tiền chi trả. Cứ tưởng mã số thuế của ông Th. mở ở Cục Thuế TP.HCM thì tờ khai nộp ở đây. Nhưng không phải! Cục thuế ra một văn bản hướng dẫn mà theo ông H.Đ đọc xong "không hiểu gì". Họ cứ trích quy định, thông tư này kia mà không hướng dẫn phải làm cái gì cụ thể. Thấy phức tạp quá, ông H.Đ "nộp đại" cho Chi cục Thuế H.Bình Chánh (TP.HCM) qua hệ thống trực tuyến thì được chấp nhận. Nhưng để lấy được tiền hoàn thuế hơn 6 triệu đồng, ông H.Đ cũng phải giúp ông Th. bổ sung hồ sơ đến 3 lần.

Theo ông H.Đ, từ ngữ trên tờ khai quá khó hiểu, người bình thường không thể nào hiểu được thì làm sao khai cho đúng. Trên tờ khai điện tử còn quá phức tạp, rối, các thao tác thì rườm rà khiến cho nhiều người mệt mỏi. Đến khi muốn tra cứu thông tin tờ khai thì cũng không biết phải làm như thế nào mới xem được, đành phải điện lên cơ quan thuế nhờ hỗ trợ. Chính vì quá phức tạp như vậy, nên nhiều người không muốn kê khai và nhận lại tiền hoàn thuế nếu có. Còn nếu số tiền hoàn nhiều thì đành chấp nhận bỏ ra vài triệu đồng để thuê đại lý thuế kê khai.

Thậm chí, là người từng làm trong ngành thuế nhưng ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cũng bỏ luôn số tiền thuế nộp dư vì ngại thủ tục hoàn thuế. Ông Tú cho biết năm qua, mỗi lần đi dạy hay tham gia các buổi tư vấn tuyển sinh của một số trường, học viện, các nơi này sẽ tạm khấu trừ tiền thuế 10% trên số tiền chi trả cho ông. "Nếu đi quyết toán thuế sẽ nhận lại được số tiền vài triệu đồng, nhưng mất thời gian nên tôi bỏ luôn, không thực hiện", ông Tú nói.

Quy định lỗi thời

Theo ông Tú, năm 2017, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức chi trả 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng mới khấu trừ 10%, nhưng 6 năm qua vẫn không thấy thay đổi. Chính vì vậy, nhiều trường hợp chưa đến mức phải chịu thuế TNCN nhưng vẫn phải đóng, rồi cuối năm đi quyết toán và hoàn lại. Mất hết thời gian của người nộp và áp lực cho cơ quan thuế.

"Tại sao mức này không tăng lên 5 hay 10 triệu đồng cho người nộp thuế đỡ phiền hà. Đó là chưa kể cơ quan thuế đỡ phải chi phí cho việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế ngày càng tăng. Cán bộ thuế quá tải vì hồ sơ hoàn thuế gia tăng, quy trình hoàn 100.000 đồng cũng như vài chục triệu đồng đều như nhau. Một bộ hồ sơ phải qua nhiều khâu, sau khi có lệnh hoàn chuyển qua kho bạc nhà nước", ông Tú bức xúc. Đơn cử trong năm 2022, Cục Thuế TP.HCM đã nhận 23.545 hồ sơ quyết toán thuế TNCN, tăng 21% số hồ sơ so với cùng kỳ 2021.

Ông Tú cho rằng đối với phần trợ cấp thôi việc cho người lao động, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế không nên tính thuế toàn bộ. Chẳng hạn như hàng ngàn công nhân thời gian qua bị thất nghiệp, công ty có hỗ trợ cho công nhân. Vậy mà một phần thu nhập này cũng bị tính thuế là trái đạo lý. Dù rằng quy định có hướng dẫn người nộp thuế thực hiện quyết toán và hoàn thuế, nhưng tiền trợ cấp này trả 1 lần cho 10 năm, nếu tính quyết toán thuế cho một năm thì công nhân sao hưởng được phần hỗ trợ này một cách trọn vẹn.

Chị Nguyễn Linh (kế toán trưởng một công ty ở Q.3, TP.HCM) cho biết vừa qua công ty ngừng ký hợp đồng với 33 người, hỗ trợ bình quân mỗi người khoảng 75 triệu đồng, cơ quan tạm thu tiền thuế 7,5 triệu đồng. Nếu những lao động này đi quyết toán thuế sẽ nhận lại số tiền 7,5 triệu đồng, nhưng chắc phải chờ qua đến năm sau mới có thể thực hiện xin hoàn.

"Việc hoàn thuế TNCN cần phải tính toán lại sao cho đơn giản đối với người nộp thuế. Cơ quan thuế hiện nay đang đẩy mạnh công nghệ thông tin nên hóa đơn gần như được lưu trữ trên hệ thống. Các dữ liệu cá nhân được cập nhật thì khâu quyết toán, hoàn thuế sẽ đơn giản hơn", ông Tú kiến nghị.

So với cách đây 10 năm (năm 2013), lương cơ sở đã tăng 650.000 đồng, tương ứng mức tăng 56,5%. Thế nhưng, mức giảm trừ gia cảnh chỉ tăng 22%, lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc. Đó là chưa kể mức tăng này tương ứng với mức tăng lạm phát lên hơn 20% nên mức giảm trừ gia cảnh mới được điều chỉnh tăng lên. Cần sớm điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế càng sớm càng tốt.

Ông Nguyễn Ngọc Tú

Lương tăng, nộp thuế tăng

Từ ngày 1.7, Chính phủ chính thức tăng lương cơ sở 20,8%, từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, đồng nghĩa mức thuế mà người lao động phải đóng cũng sẽ tăng thêm. Sau 4 năm duy trì liên tục, lương cơ sở đã được điều chỉnh. Đây là lần tăng lương thứ 13 trong vòng 19 năm trở lại đây và cũng là năm tăng lương cơ sở cao nhất.

Thế nhưng, chưa kịp mừng vì tăng lương, nhiều người đối diện với nỗi lo số thuế phải nộp tăng. Chị Phạm Nga (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết: "Nghe mọi người trong công ty đồn chuẩn bị tăng lương, mừng hết lớn nhưng tính lại thì "hụt hẫng" vì thuế". Theo tính toán, với mức lương cơ sở tăng lần này, lương ngạch bậc của chị Phạm Nga tăng thêm 1,34 triệu đồng/tháng, lên 7,776 triệu đồng. Với thu nhập theo hệ số năng suất thêm 13 triệu đồng, thu nhập trong tháng của chị Nga lên gần 20,8 triệu đồng. Trừ đi mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng, tiền thuế hằng tháng chị Nga phải đóng là 730.000 đồng, tăng thêm 130.000 đồng mỗi tháng so với trước đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.