Hoàn thiện pháp lý để ngăn chặn tội phạm mua bán người

Ngân Nga
Ngân Nga
07/07/2023 06:24 GMT+7

Ngày 6.7, tại TP.HCM, Ủy ban Tư pháp Quốc hội phối hợp Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo 'Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người tại một số địa phương và định hướng sửa đổi luật Phòng, chống mua bán người'.

Theo Ủy ban Tư pháp, công tác phòng, chống mua bán người còn có một số khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh vấn nạn này diễn ra phức tạp. Thứ nhất, nạn nhân của tội phạm mua bán người không chỉ tập trung vào phụ nữ, trẻ em như trước đây mà đã có nhiều nam giới trong độ tuổi lao động, do hoàn cảnh khó khăn, nhận thức pháp luật còn thấp, bị các đối tượng phạm tội lợi dụng đưa sang nước ngoài bóc lột lao động.

Hoàn thiện pháp lý để ngăn chặn tội phạm mua bán người - Ảnh 1.

Bà Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, phát biểu tại hội thảo

NGÂN NGA

Thứ hai, nhu cầu thị trường lao động giữa các quốc gia rất lớn, trong khi nhu cầu có việc làm, mong muốn đổi đời, có thu nhập cao của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ cũng cao, nên dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc. Đây là yếu tố quan trọng để tội phạm mua bán người gia tăng hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, thường núp dưới các hình thức vỏ bọc hợp pháp như xuất cảnh du lịch, xuất khẩu lao động, kết hôn có yếu tố nước ngoài... nên rất khó ngăn chặn, phát hiện.

Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cho hay hành vi mua bán người chủ yếu dưới hình thức đưa nạn nhân ra nước ngoài. Do đó cần có sự phối hợp với lực lượng chức năng các nước nhằm thu thập thông tin, xác minh, điều tra.

Tuy nhiên, hiện nay luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và các văn bản hướng dẫn chưa quy định thời hạn thực hiện, nên việc trả lời ủy thác điều tra của phía nước bạn thường chậm, kéo dài, gây ảnh hưởng tới tiến độ điều tra các vụ án mua bán người và công tác giải cứu nạn nhân.

Bên cạnh đó, tiêu chí để xác định hành vi mua bán người của VN với các nước chưa đồng nhất. Do đó có nhiều vụ án bị kéo dài hoặc bị tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra, dẫn đến việc xác minh, giải cứu nạn nhân chậm trễ.

Căn cứ vào diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Đồng Tháp, đề nghị sửa đổi luật Phòng, chống mua bán người, cần xác định rõ các hành vi cấu thành tội mua bán người cho phù hợp với yêu cầu mới, nhất là các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chuyển, chuyển giao... Cần tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân nhận biết các loại "bẫy" thông qua hình thức tuyển dụng có nhiều ưu đãi, việc nhẹ lương cao, bao chi phí đi đến nơi làm việc khi có lương mới hoàn trả…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng hệ thống pháp luật của VN liên quan đến phòng, chống mua bán người còn có sự đan xen, mâu thuẫn, chưa có sự thống nhất. Một số quy định về hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng đối với nạn nhân bị mua bán đến nay không còn phù hợp với thực tế, thiếu khả thi... Đồng thời, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện bộ luật Hình sự về tội mua bán người, tội mua bán trẻ em. Theo đó, cần nâng độ tuổi nạn nhân bị mua bán tại điều 151 bộ luật Hình sự là người dưới 18 tuổi (hiện nay là người dưới 16 tuổi) và sửa tên tội danh cho phù hợp. Bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi là pháp nhân thương mại…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.