Hoàn thành sớm chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo

18/04/2015 12:41 GMT+7

Ngày 15.4, kết thúc đợt triển khai Quyết định số 241 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo vụ đông xuân 2014 - 2015 trong 45 ngày, hầu hết các địa phương tại ĐBSCL đã hoàn thành chỉ tiêu được phân bổ, giúp giá lúa ổn định suốt thời gian thu mua.

Ngày 15.4, kết thúc đợt triển khai Quyết định số 241 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo vụ đông xuân 2014 - 2015 trong 45 ngày, hầu hết các địa phương tại ĐBSCL đã hoàn thành chỉ tiêu được phân bổ, giúp giá lúa ổn định suốt thời gian thu mua.

Hoàn thành sớm chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạoNông dân ĐBSCL bán được lúa với giá ổn định trong đợt triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo - Ảnh: Công Hân 
Chỉ tiêu chưa tương xứng với sản lượng
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực VN (VFA), đến hết ngày 12.4, các thương nhân (TN) trong khu vực đã thu mua được 981.728 tấn quy gạo, đạt 98,17%. “Với khối lượng này, đợt thu mua tạm trữ lần thứ 6 xem như đã hoàn thành kế hoạch”, ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch VFA, cho biết. Trong đó, nhiều tỉnh thành tại ĐBSCL đã hoàn thành kế hoạch thu mua tạm trữ lúa gạo rất sớm như: Trà Vinh sớm hơn kế hoạch 10 ngày với 14.000 tấn, Long An hoàn thành trước 2 ngày với 127.000 tấn, Tiền Giang hoàn thành chỉ tiêu trước 1 tuần với 91.000 tấn.
Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, trong đợt thu mua tạm trữ năm nay, toàn tỉnh có 31 TN (18 TN ngoài tỉnh) tham gia. Tính đến thời điểm hiện tại, 13 TN trong tỉnh đã thu mua hơn 140.000 tấn, đạt chỉ tiêu khoảng 98%. Trong khi đó, các TN ngoài tỉnh chỉ đạt xấp xỉ 90%, với sản lượng gần 110.000 tấn. “Hiện lượng lúa tồn đọng trong dân không lớn nhờ tiến độ mua vào và bán ra giữa các doanh nghiệp có sự điều hòa tốt với những hợp đồng xuất khẩu nhỏ. Vừa qua, chúng tôi cũng yêu cầu các TN niêm yết giá và công khai các điểm mua lúa trên địa bàn để giúp nông dân nắm bắt những thông tin kịp thời có liên quan”, bà Tuyết nói.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đợt thu mua tạm trữ lần này diễn ra từ ngày 1.3 đến hết ngày 15.4. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa gạo tạm trữ với thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày 1.3 đến hết ngày 30.6. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước VN chỉ đạo 18 ngân hàng thương mại cho vay mua tạm trữ lúa gạo trong thời gian tối đa 6 tháng (từ 1.3 đến hết ngày 31.8).
Theo ông Phan Kim Sa, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, 33 TN trong và ngoài tỉnh được phân bổ chỉ tiêu hơn 169.000 tấn, trong khi tổng sản lượng lúa vụ đông xuân năm nay của tỉnh đạt khoảng 1,2 triệu tấn nhưng hiện lượng lúa trong dân còn tồn đọng ít vì phần lớn các doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với nông dân. “Nếu doanh nghiệp không thực hiện liên kết thì chắc chắn lúa của nông dân khó được tiêu thụ hết. Bởi chỉ tiêu được phân bổ nhỏ đã không tương xứng với tổng sản lượng lúa của tỉnh. Chúng tôi cũng đã có đề xuất với các bộ ngành về việc nâng chỉ tiêu phân bổ nhiều năm nay rồi mà vẫn chưa được”, ông Sa khẳng định.
Vẫn còn tình trạng trả chỉ tiêu
Tại cuộc họp triển khai đợt thu mua tạm trữ tổ chức tại TP.Cần Thơ vào ngày 1.3 vừa qua, lãnh đạo VFA và đại diên các tỉnh, thành ĐBSCL tỏ ra băn khoăn trước việc liệu có TN nào sau khi nhận chỉ tiêu đã không thực hiện hoặc trả lại cho VFA như đợt triển khai lần trước. Thế nhưng, nỗi lo đó lại tái hiện trong đợt thu mua tạm trữ lần này. Ông Năng cho biết trong đợt thu mua tạm trữ lần này, có 7 TN trả chỉ tiêu 36.500 tấn (5 TN không vay được tiền ngân hàng do tài chính khó khăn và 2 TN không muốn tham gia mua tạm trữ). Ngoài ra, 6 TN bị rút toàn bộ chỉ tiêu 32.000 tấn do không vay được tiền ngân hàng và 5 TN bị rút chỉ tiêu 25.500 tấn. Chính vì thế, VFA buộc lòng phải tiến hành 93 lần điều chỉnh chỉ tiêu cho các địa phương.
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng sản xuất và kinh doanh lúa gạo là ngành hàng rất khó khăn về hoạch định chính sách vì không chỉ có những mục tiêu sản xuất và kinh doanh thông thường, mà còn liên quan đến hàng triệu nông dân trồng lúa, xã hội, môi trường, sử dụng tài nguyên cũng như tham gia các dịch vụ khác và mục tiêu của Chính phủ. Việc thu mua tạm trữ được xem như hệ đệm kinh tế. Trước đây, khi thu hoạch lúa xong, nông dân đem về nhà trữ trong bồ, đến lúc giá lên thì từ từ bán ra. Cách ứng xử như thế gọi là hệ đệm kinh tế theo quy luật cung - cầu. Chính sách tạm trữ hiện nay cũng không nằm ngoài quy luật đó để nhằm giúp tăng giá lúa khi bước vào thu hoạch rộ. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa đối với vựa lúa ĐBSCL.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.