Hoàn thành cuộc đời

11/05/2022 11:17 GMT+7

Hiện tượng tự tử, bỏ nhà đi, sống không mục đích mà của người trẻ mà chúng ta đang chứng kiến khiến cho việc khẳng định tương lai cuộc đời trở nên cấp thiết hơn.

Giáo sư Olivier Bonnewijn (UCO - Pháp) khẳng định rằng: Từ 6 tuổi. Giúp người trẻ trả lời những câu hỏi như học sinh lớp 3 của Phần Lan chính là để các em có thể hoàn thành cuộc đời cách đẹp đẽ nhất. Đó là: Tôi là ai? Điều gì tạo nên nhân tính? Thế giới sẽ ra sao nếu mọi người đều giống nhau? Động vật biết suy nghĩ hay không? Làm sao con người biết về khả năng suy nghĩ của động vật?...

Một lý tưởng

Hình ảnh một bà mẹ trong giây phút cuối đời - khi không còn nói được nữa - cầm lấy tay đứa con, áp lên ngực mình với khuôn mặt rạng rỡ và nụ cười hạnh phúc trên môi cho chúng ta thấy rằng bà đã hoàn thành cuộc đời cách mãn nguyện.

Con người ta ai rồi cũng chết! Đó là quy luật khắc nghiệt của cuộc sống mà mọi người đều sẽ đón nhận, nhưng phát biểu như thế có phải là tích cực? Phát biểu như thế liệu có thích hợp với những người trẻ đang căng tràn sức sống, nhiều hoài bão, ước mơ, hay cho dù đang bế tắc nhưng vẫn rất muốn vượt lên phía trước?

Hiện tượng tự tử, bỏ nhà đi, sống không mục đích của người trẻ mà chúng ta đang chứng kiến khiến cho việc khẳng định tương lai cuộc đời trở nên cấp thiết hơn. “Con người, ai rồi cũng chết!” hay “Con người, ai cũng cần hoàn thành đời mình!”.

Khắp trên thế giới, nhiều nơi rõ ràng là có những người trẻ bề ngoài vẫn giống những người khác: vẫn đến trường, vẫn học một nghề, vẫn làm việc, giải trí… nhưng bên trong, họ đã chết. Những bạn trẻ ấy chẳng còn biết tại sao mình sống nữa, họ tự hỏi: Liệu cuộc sống còn có ý nghĩa gì chăng? Họ không thể tự trả lời và họ đang cần được trợ giúp để trả lời.

Cần có một lý tưởng, một quan niệm nền tảng về con người, một nhân sinh quan, một sự thật về con người để quy chiếu cuộc sống, nếu như muốn trả lời câu hỏi: Thế nào là hoàn thành đời ta?

Giằng kéo

Trong đời mình, người trẻ luôn phải đối mặt với nhiều thách đố, luôn phải sống trong sự giằng kéo giữa những sức mạnh trái ngược nhau đến từ khát vọng sống và từ thế giới xung quanh.

Sự đối lập trong nhiều khía cạnh của đời sống hằng ngày đặt người trẻ trước những xung đột nội tâm.

Hình ảnh bố mẹ lam lũ trong bộ đồ lao động đối lập hoàn toàn với những bộ đồ thời trang đắt tiền bắt gặp ngoài xã hội. Những bữa cơm đơn sơ mẹ nấu nhiều khi không hấp dẫn bằng các món ăn được quảng cáo rất nhiều và dễ dàng đặt mua trên mạng. Nếp sống trật tự, kỷ luật trong gia đình hay lớp học làm sao có thể cạnh tranh với sự tự do thoải mái trong các quán cà phê hay phòng trà, vũ trường.

Trách nhiệm xã hội và bổn phận gia đình (nhất là những đòi hỏi của lòng hiếu thảo) dường như luôn trái ngược với mong muốn tạo sự khác biệt cá nhân. Những gì mà một hệ thống công nghệ quảng cáo tinh vi đang đổ xuống mỗi ngày dường như lung linh, hấp dẫn hơn vẻ đẹp ẩn giấu trong gia đình, nhà trường, trong bác ái xã hội và ngay cả trong ý thức giá trị bản thân. Trong bối cảnh như thế, câu hỏi “Thế nào là thực sự hoàn thành đời ta?” là câu hỏi căn bản không thể sống mà không đặt ra.

Để trả lời câu hỏi này, có lẽ mỗi người cần biết nhìn vào sâu thẳm lòng mình hầu có thể suy tư và biết chính mình. Một thực tiễn đáng buồn là những “kiểu mẫu sống” đang được xã hội tiêu thụ quảng bá đều rất xa những giá trị đích thực.

Cần phải nói như thế, không thể quên điều đó, vì đây là cám dỗ nguy hiểm và bất kỳ nhượng bộ nào cũng đưa đến những hậu quả chết người. Đó có thể là, một cuộc chạy đua vô độ hướng tới những của cải vật chất, đang khi đó, có những của cải hữu ích, có những của cải dư thừa, lại còn có những của cải có hại, có thể đi đến chỗ biến thành sự gây hấn đối với kẻ khác và đối với chính mình. Đó là những “kiểu mẫu sống”, nhưng cũng có thể nói là “kiểu mẫu chết”. Khắp nơi trên thế giới, có những nơi rõ ràng nhiều người trẻ đang chết như vậy.

Điều đánh động nhất, là nhiều khi những người trẻ “đang chết” như thế lại là những người đang có nhiều nếu không phải là có mọi sự trên bình diện của cải vật chất. Nhưng chính từ cái kinh nghiệm no thỏa đầy dư đó, đã nảy sinh một nỗi chán chường khó xác định, gây khó chịu và làm ô nhiễm ý chí muốn sống của họ. Vậy đây không phải là chiều hướng chúng ta được theo để hoàn thành bản thân. Không thể hoàn thành cuộc đời theo cách như vậy.

Rất nhiều người đã nỗ lực giúp đỡ các em đi tìm câu trả lời “làm sao để hoàn thành cuộc đời”, tìm con đường phát triển độc đáo riêng của bản thân. Nhu cầu được trợ giúp của các em đặt ra câu hỏi cho người lớn, cho các nhà giáo dục: Làm sao để khơi lên nơi mỗi người trẻ: phẩm giá và hành trình độc đáo cá nhân?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.