Hoàn Cầu thời báo lại xảo biện về 'hung thần' ở Biển Đông

18/03/2021 13:53 GMT+7

Mới đây, tờ Hoàn Cầu thời báo , trực thuộc Nhân dân nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc , lại đăng bài để xảo biện về dự luật cho phép lực lượng hải cảnh nước này dùng vũ khí nhằm vào tàu nước ngoài ở Biển Đông.

Tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 15.3 vừa qua đăng bài viết: “China’s law enforcement in S.China Sea totally legal” (tạm dịch: Việc thực thi pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn hợp pháp).
Bài viết lên án việc các nước chỉ trích về luật hải cảnh mới của Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc dùng vũ lực nhằm vào tàu nước ngoài ở các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Bài báo cho rằng đó là luật do Trung Quốc ban hành để kiểm soát vùng biển chủ quyền và phù hợp thông lệ quốc tế. Theo Hoàn Cầu thời báo, tại sao các nước khác được quyền thực thi các luật tương tự trong khu vực chủ quyền, nhưng Trung Quốc thì bị chỉ trích.

Bài viết xảo biện của tờ Hoàn Cầu thời báo.

Chụp lại màn hình bài báo

Bài báo trích dẫn luật rằng việc sử dụng vũ lực trong thực thi pháp luật đã được các luật quốc tế liên quan chấp thuận từ lâu. Ví dụ, Hiệp định của LHQ về việc thực hiện các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 liên quan việc bảo tồn và quản lý nguồn thủy sản cho phép “sử dụng vũ lực nhưng không vượt quá mức yêu cầu hợp lý". Bài viết cho rằng điều đó cho thấy sự cần thiết của việc thực thi pháp luật bằng vũ lực trong những trường hợp cụ thể.
Bên cạnh đó, tờ Hoàn Cầu thời báo cho rằng Trung Quốc có chủ quyền ở Biển Đông nên việc thực thi pháp lý theo luật hải cảnh mới ở vùng biển này là hoàn toàn phù hợp.
Sự xảo biện nằm ở chỗ bài viết đã đánh tráo khái niệm khi nói rằng quyền được sử dụng vũ lực trong vùng biển chủ quyền cho phép Trung Quốc hành xử như vậy tại Biển Đông. Xảo biện ở chỗ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông là phi pháp. Tuyên bố chủ quyền này đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ.
Cụ thể là Tòa trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 đã đưa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. PCA đưa ra phán quyết dựa trên một số viện dẫn từ UNCLOS 1982. Chính vì thế, Trung Quốc không thể sử dụng các quyền mà UNCLOS 1982 cho phép để áp dụng cho vùng biển mà Trung Quốc không được công nhận chủ quyền theo UNCLOS 1982.
Liên quan luật hải cảnh trên, giới chuyên gia quốc tế lẫn chính quyền nhiều nước đã đặt ra nhiều quan ngại, nhất là khi Trung Quốc liên tục có nhiều hành vi gây rối ở Biển Đông từ nhiều năm qua.
Cũng trong bài viết trên, tờ Hoàn Cầu thời báo còn “đổi trắng thay đen” khi viết rằng: “Từ lâu, lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc không có bất kỳ hành động nào đối với ngư dân nước ngoài trong hoạt động bình thường, chưa nói đến các biện pháp gây nguy hiểm đến tính mạng của họ”.
Bởi thực tế, hải cảnh Trung Quốc bị xem là “hung thần” ở Biển Đông suốt nhiều năm qua. Cụ thể, bất chấp phán quyết của PCA, từ năm 2016 đến nay, Bắc Kinh thường xuyên điều động tàu hải cảnh tiến hành các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Điển hình, đầu tháng 4.2020, 1 tàu hải cảnh của Trung Quốc đã vô cớ đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam đang hoạt động hợp pháp ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. Hành động này của hải cảnh Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.
Đây không phải là lần đầu tiên tờ Hoàn Cầu thời báo đăng bài ngụy biện về luật hải cảnh mới của Trung Quốc. Hồi tháng 11.2020, tờ báo này đăng bài “Foreign media stir trouble by hyping China's draft coast guard law” (tạm dịch: Truyền thông nước ngoài gây rắc rối bằng cách thổi phồng dự thảo luật hải cảnh Trung Quốc) cũng có giọng điệu tương tự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.