Hỏa tốc lấy ý kiến để ổn định thị trường xăng dầu

Nguyên Nga
Nguyên Nga
17/11/2022 06:30 GMT+7

Sau khi gửi kinh doanh xăng dầu" style="background-color: rgb(255, 255, 255);">“hỏa tốc” 2 công văn đến các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh thành phố, Bộ Công thương tiếp tục có công văn gửi các thương nhân đầu mối, phân phối về việc rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu.

Đối với doanh nghiệp, Bộ yêu cầu mọi đề xuất cần nêu rõ lý do, phương án sửa đổi thế nào. Với công văn hỏi ý các bộ ngành, địa phương, Bộ nhấn mạnh các cơ quan cho ý kiến cụ thể về chu kỳ điều hành giá xăng dầu, mức chiết khấu, đại lý bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn, quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối và thương nhân đầu mối, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu…

Theo các chuyên gia, thị trường xăng dầu cần cuộc “đại phẫu” càng sớm càng tốt

Ngọc Dương

Giảm ngày trong chu kỳ tính giá, quy định thêm về điều chỉnh giá

Như vậy, được đưa vào áp dụng mới 1 năm, Nghị định 95/2021 sửa đổi Nghị định 83/2014 (áp dụng từ ngày 1.11.2021) về kinh doanh xăng dầu đã lộ nhiều bất cập cần sửa đổi. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, cho rằng do biến động của thị trường xăng dầu quá lớn, quá nhanh nên việc sửa đổi các quy định này lẽ ra phải làm sớm hơn và điều chỉnh liên tục. Như vậy thì có thể thị trường xăng dầu không bị rơi vào tình cảnh có lúc hỗn loạn, bế tắc như vậy. Tuy nhiên, thà chậm còn hơn không. Trước hết là điều chỉnh chu kỳ tính giá theo Nghị định 95. Nên rút ngắn thời gian cho một chu kỳ từ 10 ngày xuống 5 ngày, tuyệt đối không hoãn ngày điều chỉnh vì rơi vào dịp lễ, tết… để đưa giá trong nước gần sát với giá thế giới hơn.

Thứ hai là phải sắp xếp lại hệ thống phân phối xăng dầu làm sao để chặt chẽ hơn, tránh tình trạng nhiều cây xăng bị “bỏ rơi” trong thời gian qua. Muốn vậy, phải bỏ ngay quy định các thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều đầu mối. Bởi quy định này luôn xảy ra tình trạng là khi thị trường khan hiếm, các đầu mối sẽ ưu tiên cho hệ thống bán lẻ của mình, có thể “bỏ rơi” ngay thương nhân phân phối, tổng đại lý. Nên quy định một thương nhân phân phối chỉ được mua hàng của hai doanh nghiệp đầu mối. Ngược lại, mở rộng quy định cho đại lý bán lẻ được mua xăng dầu từ nhiều đầu mối, thương nhân phân phối để có thị trường mua bán cạnh tranh hơn.

Ngay trong ngày 16.11, Công ty CP dầu khí Sơn Hải đã có phản hồi và góp ý kiến sửa đổi hai nghị định kinh doanh xăng dầu gửi Bộ Công thương. Cụ thể, tại điều 24, khoản a Nghị định 95, theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Công ty Sơn Hải, quy định về thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ còn bất cập, không thực hiện được do sức chứa quá nhỏ, các đơn vị muốn cấp hàng vào cũng không thể và tạo khó cho việc quản lý của các cơ quan nhà nước khi kiểm tra.

Ngoài ra, doanh nghiệp (DN) cũng kiến nghị nên quy định chi phí lưu thông từ kho đầu nguồn đến bán lẻ đối với các mặt hàng xăng là 7% trên giá bán lẻ thực tế, với dầu là 6,5%. Bên cạnh đó, giá thành vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài về cảng dầu VN và các chi phí vận tải từ các nhà máy lọc dầu trong nước về tới kho đầu nguồn nên được tính một tháng 1 lần. Giá thành nhập khẩu tham khảo từ các DN có thị phần lớn như Petrolimex, PVN, Saigon Petro, Hải Hà, Tổng công ty xăng dầu quân đội…

Sở Công thương TP.HCM cũng vừa có dự thảo gửi UBND TP.HCM, kiến nghị thành phố xem xét trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn và đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn. Theo dự thảo này, trung bình mỗi ngày có từ 9 - 20% trên tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM tạm thời thiếu hụt mặt hàng xăng.

Vì vậy, sở đã đề xuất cần rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu. Cụ thể, cần thực hiện thời gian điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định vào các ngày 1, 11, 21 hằng tháng và không áp dụng lùi sang ngày làm việc tiếp theo đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ.

Không áp mức chiết khấu, giảm trung gian, tiến đến bỏ áp giá

Về chiết khấu, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng nhà nước không nên can thiệp vì đây là quan hệ dân sự giữa các DN với nhau. Trong quá trình vận hành kinh doanh, đôi bên thấy hợp lý thì cùng thỏa thuận về mức chiết khấu. Trong bối cảnh thị trường khó khăn thì phải cùng chia sẻ trong toàn hệ thống phân phối xăng dầu. Ông Long cũng kiến nghị giảm số ngày tại một kỳ điều chỉnh giá xăng dầu được quy định trong Nghị định 95, từ 10 ngày xuống 5 - 7 ngày.

Tình hình xăng dầu chưa thể giải quyết dứt điểm ngày một ngày hai

Trong khuôn khổ hoạt động của “Hội nghị ngành công thương 5 thành phố trực thuộc trung ương” diễn ra tại TP.HCM chiều 16.11, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết tình hình xăng dầu trên thế giới đang không bình thường, từ Mỹ, EU, Nhật Bản cho tới tất cả các nước xung quanh VN đều trong tình trạng tương tự. Bối cảnh cung ứng nhiên liệu là bất bình thường. Thế nên, các cơ quan quản lý phải có giải pháp khác thường. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các vấn đề liên quan đến xăng dầu rất quyết liệt, nên tình hình cung ứng xăng dầu đã có chuyển biến tích cực nhưng nguồn cung trên thế giới còn hết sức khó khăn. Xăng dầu liên quan nhiều vấn đề, từ thế giới cho tới trong nước. Không phải chỉ một hai ngày mà có thể giải quyết dứt điểm.

Góp ý về việc sửa đổi Nghị định 95 về quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, nhấn mạnh “chi phí kinh doanh là điểm nghẽn mấu chốt” của thị trường trong thời gian qua. Nên muốn ổn định phải tính đúng, tính đủ. Trong Nghị định 95, công thức giá cơ sở có 2 phần, gồm công thức nhập trong nước và công thức nhập nước ngoài. Trong đó, nhập từ nước ngoài được cộng thêm phụ phí 2 - 3 USD, trong khi mua hàng trong nước lại không được. Đáng nói, nhập khẩu chỉ chiếm 20 - 25%, phần còn lại là mua trong nước. Tương tự, chi phí lưu thông được áp từ năm 2014 là 1.350 đồng/lít, nay vẫn vậy là bị “lạc hậu” so với thực tế.

“Cách áp giá xăng dầu “cứng” như Nghị định 83 khiến DN không có quyền quyết định. Từ đó đẩy đến phát sinh chiết khấu 0 đồng, lỗ lã kéo dài. Nên rà soát tất cả chi phí, để đặt ra giá trần, trên cơ sở đó, DN tự điều chỉnh mức giá dưới giá trần”, ông Bảo đề xuất.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú góp ý: Phải đổi mới vận hành trong chuỗi cung ứng từ nhập khẩu, sản xuất trong nước đến bán buôn, bán lẻ là để các đối tượng trên tự chủ, tự hạch toán, lời ăn lỗ chịu.

“Phải trao quyền quyết định giá, chiết khấu cho hai bên thỏa thuận, nhà nước chắc chắn không can thiệp cho một mức chiết khấu, nhưng muốn cạnh tranh sòng phẳng, cũng không nên áp giá cho nhà bán buôn. Giá bán lẻ sẽ được điều chỉnh theo thị trường, không quy định và do DN quyết định, người tiêu dùng có quyền lựa chọn cửa hàng nào để mua xăng dầu. Quy về một mối quản lý là Bộ Công thương thì chính bộ này có trách nhiệm quản lý luôn chất lượng, hàng hóa lưu thông, chống buôn lậu và cho mức trần giá khi có biến động. Ngoài ra, bỏ hẳn quỹ bình ổn bằng tiền, sử dụng tiền của quỹ này cho vay mua dự trữ xăng dầu quốc gia, có thể mua vào bán ra và hạch toán lỗ lãi như một công ty quản lý vốn nhà nước. Từ đó, sẽ không còn chi phí định mức”, ông Phú nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.