Hóa thạch thực vật cổ xưa nhất vừa được phát hiện

Khánh An
Khánh An
25/02/2020 19:36 GMT+7

Giới khoa học vừa phát hiện hóa thạch thực vật cổ xưa nhất từ trước đến nay là hóa thạch của loài tảo biển từng tồn tại cách đây 1 tỉ năm.

Hãng Reuters ngày 25.2 đưa tin các nhà khoa học vừa phát hiện hóa thạch tảo biển khoảng 1 tỉ năm ở khu vực đáy biển ngoài khơi tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), hóa thạch thực vật cổ xưa nhất từng được phát hiện.
Hóa thạch của tảo Proterocladus antiquus có kích thước chỉ bằng hạt gạo với nhiều cành nhỏ, từng phát triển ở vùng nước nông và mọc bám xuống đáy biển.
Dù có kích thước nhỏ nhưng dạng tảo xanh này là một trong những sinh vật lớn nhất trên trái đất cách đây 1 tỉ năm khi tồn tại ở biển cùng với các vi khuẩn. Tảo này quang hợp, biến đổi năng lượng mặt trời thành hóa năng và sản xuất ô xy.
Proterocladus antiquus là họ hàng gần với tổ tiên của tất cả các loài thực vật xanh ngày nay”, theo nhà nghiên cứu cổ sinh Đường Khanh tại Đại học Bách khoa Virginia (Mỹ), người phát hiện hóa thạch và là người dẫn đầu trong nghiên cứu đăng trên chuyên san Nature Ecology & Evolution.

Hình ảnh mô phỏng tảo biển từng tồn tại cách đây 1 tỉ năm

Ảnh: Reuters

Sinh quyển trái đất lệ thuộc rất nhiều vào thực vật, nguồn thức ăn và ô xy. Loài thực vật trên cạn đầu tiên, được cho là hậu duệ của tảo biển xanh, xuất hiện cách đây khoảng 450 triệu năm.
Cách đây 2 tỉ năm, bước tiến hóa lớn diễn ra trên trái đất khi sinh vật từ dạng đơn giản như vi khuẩn tiến hóa thành dạng đầu tiên của sinh vật nhân thực (eukaryota) – tức các sinh vật có tế bào phức tạp gồm động vật, thực vật và nấm.
Những thực vật đầu tiên là sinh vật đơn bào. Sự chuyển tiếp thành thực vật đa bào như tảo Proterocladus là bước phát triển then chốt, đặt nền tảng cho sự phát triển thực vật trên thế giới. Proterocladus có nguồn gốc xưa hơn tảo biển xanh từng được biết đến trước đó đến 200 triệu năm. Một trong những họ hàng của nó là loài rau diếp biển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.