Họa sĩ vẽ tranh mùa Covid-19

Lucy Nguyễn
Lucy Nguyễn
17/08/2020 14:24 GMT+7

Nhiều họa sĩ Việt đã sáng tác các tác phẩm với chủ đề Covid-19 nhằm ca ngợi các y bác sĩ, những nhà lãnh đạo đang hết lòng chỉ đạo chống dịch.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống dịch được xác định là "cuộc chiến" của toàn dân. Nhiều họa sĩ đã đồng lòng chống dịch cùng xã hội, thực hiện đầy đủ các công tác phòng dịch. Trước công việc vất vả của các cơ quan chức năng, các bác sĩ tuyến đầu chống dịch... họ thực sự rất xúc động và lấy đó làm nguồn cảm hứng sáng tác.

Tranh vẽ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đang chỉ đạo chống dịch

Tranh: Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát

Với chuyên môn tốc họa chân dung diễn tả cảm xúc, động viên, khích lệ tinh thần chống dịch của toàn dân, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã vẽ nhiều bức chân dung ý nghĩa của những người đang phòng chống Covid-19 như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các bác sĩ… Những tác phẩm của anh bước đầu đã có những tác động rất tốt đến cộng đồng, được đón nhận cổ vũ tiếp tục những bức vẽ mang tinh thần: ở nhà và làm điều tích cực.
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát cho biết trong số các tác phẩm mà anh vẽ với đề tài chống dịch Covid-19, anh yêu thích nhất hai tác phẩm là vẽ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (vẽ hồi tháng 3) và một bức vẽ bác sĩ (tháng 4) với mỗi bức vẽ thông thường mất từ 10-12 giờ.

Tranh vẽ bác sĩ đang chống dịch Covid-19

Tranh: Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát

Chia sẻ về quá trình vẽ, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát cho biết: “Khi vẽ bác Đam khó nhất là về thần thái nhân vật và ý nghĩa chuyển tải đến cộng đồng. Thông thường để người xem nhận ra nhân vật, người vẽ sẽ phải vẽ cả khuôn mặt vậy sẽ dễ nhận ra hơn. Nhưng tôi đã vẽ bác đeo khẩu trang, vậy sẽ truyền tải khẩu hiệu toàn dân đeo khẩu trang chống dịch, tôi sẽ phải khó khăn hơn khi tập trung vào diễn tả đôi mắt làm sao để người xem nhận ra bác, nhận ra tinh thần của bác”.
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát cũng cho biết anh đã vẽ bằng tất cả sự trân trọng: “Ngày đầu cách ly, tôi ở nhà dùng bút thể hiện tâm sự, cầu chúc cho các cơ quan chức năng đẩy lùi dịch Covid-19 cho nhân dân bình an. Dù vất vả, trang bị kín mít vẫn không giấu được vẻ đẹp của tâm hồn, những việc làm của những con người ấy, xã hội sẽ luôn thấu hiểu và sát cánh…”
Tác phẩm về Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được nhiều người nhận xét rằng: “Vẽ giống lắm, rất có hồn. Đẹp quá họa sĩ ơi!”

Tranh sơn mài 'Sự trỗi dậy của niềm tin' biểu tượng những điều tốt đẹp sẽ đến

Tranh: Đào Thủy

Bức tranh sơn mài Sự trỗi dậy của niềm tin (họa sĩ Đào Thủy, 100cm x 80cm) miêu tả một nữ y tá mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang xông pha nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 với tinh thần quyết thắng. Trên tay nữ y tá cầm một nhành hoa biểu tượng cho những điều tốt đẹp sẽ đến. Tác phẩm đã đấu giá trực tuyến thành công 10,6 triệu đồng.

Họa sĩ vẽ về ước mơ cuộc sống thanh bình sau khi khống chế được Covid-19

Họa sĩ Nguyễn Minh (Hà Nội) chia sẻ về ý tưởng của tác phẩm Giấc mơ xanh (chất liệu: tổng hợp, khổ: 100cm x 200cm): "Là một nghệ sĩ đang sống và đối mặt với đại dịch Covid-19, tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà các nghệ sĩ khác đều nghĩ đến hoặc sẽ làm gì với đại dịch. Chỉ là bằng cách nào thôi. Cá nhân tôi cũng tham gia ủng hộ tranh để chung tay và hướng về các bác sĩ nơi tuyến đầu, đặc biệt tôi mong muốn thể hiện một bức tranh để "ghi dấu" cho đại dịch Covid-19. Nhưng vẽ cái gì, vẽ như thế nào thì thật là khó. Chúng ta đã thấy nhiều bức tranh vẽ về đề tài này, những hình ảnh bác sĩ, phố phường vắng tanh, hình ảnh mọi người đeo khẩu trang… tất cả đều khá thực tại và rất đẹp đã được nhiều nghệ sĩ thể hiện. Đó là một bài toán khó cho tôi, bởi tôi vẫn luôn muốn tìm sự khác biệt trong đề tài chung ấy. Và trong một lần tình cờ tôi thấy con gái tôi đang chơi đồ chơi (trong đợt nghỉ dịch bệnh Covid-19 lần đầu). Con bé chơi đồ hàng và đeo khẩu trang cho các bạn búp bê, gấu bông... một ý tưởng lóe lên trong tôi, và con bé là niềm cảm hứng để tôi xây dựng tác phẩm Giấc mơ xanh này”.

Tranh 'Giấc mơ xanh' đề cao tính nhân văn và tinh thần lạc quan

Tranh: Nguyễn Minh

Anh cũng trăn trở: “Tôi nghĩ, trong thời đại biến động không ngừng của thời đại kỹ thuật số, chúng ta cần sống chậm lại để "chạm" vào những giá trị truyền thống, chạm vào những miền ký ức của tuổi thơ. Tôi đề cao tính nhân văn giữa con người với con người (thể hiện qua hành động em bé đeo khẩu trang cho gấu bông - là hình ảnh đại diện của những người bạn ở thế giới tuổi thơ). Tại sao em bé lại không đeo khẩu trang cho mình? Đó là câu hỏi mở để mọi người xem tranh sẽ tự vấn và tự trả lời.
Trên hết tôi muốn thể hiện một tác phẩm mà ở đó sẽ đề cao không chỉ tính nhân văn mà còn có sự lãng mạn, tinh thần lạc quan, để người xem sẽ thấy bóng dáng của mình ở nhiều mặt trong đời sống. Một tác phẩm về Covid-19 nhưng được nhìn ở góc độ khác, lạc quan và nhiều hy vọng".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.