'Họa sĩ' khuyết tật tự cứu vãn đời mình bằng tranh gạo

Bá Cường
Bá Cường
07/08/2022 17:37 GMT+7

Trở thành người khuyết tật sau một vụ nổ bom, mọi thứ đã như kết thúc nhưng niềm đam mê mãnh liệt đã giúp anh nông dân nghèo trở thành 'họa sĩ', thỏa nguyện ước và tự cứu vãn đời mình bằng những bức tranh gạo đặc sắc.

Nạn nhân của bom mìn sau chiến tranh

Căn phòng nhỏ hẹp đặt giá vẽ cùng vài ba chiếc hộp chứa đầy gạo, ít ai nghĩ rằng đây lại là nơi sáng tác của một người khuyết tật đang kiếm sống bằng những bức tranh gạo độc đáo.

Lê Tường Giang, 40 tuổi, ở thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, H.Quảng Ninh (Quảng Bình) chính là 'họa sĩ' khuyết tật vừa được nhắc tên.

Anh Giang là nạn nhân của của bom đạn còn sót lại sau chiến tranh

bá Cường

Anh Giang, nạn nhân của bom mìn sau chiến tranh, đang chịu đựng một nghịch lý của số phận: từ một cậu bé khỏe mạnh, bất thần gặp nạn để rồi giờ phải sớm mắc phải nhiều căn bệnh.

"Trong một ngày đi chăn bò, không may giẫm phải bom. Quả bom phát nổ, nhiều mảnh bom đạn găm vào người. Lúc đó tôi nghĩ cuộc sống đến đây là hết, may thay vẫn cứu chữa được. Nhưng bây giờ lại trở thành một "ông cụ" khi còn trẻ", anh Giang kể lại.

Anh Giang mất khoảng 3-5 ngày để hoàn thành một tác phẩm như trên.

bá Cường

Vì gia đình khó khăn, không đủ điều kiện để chữa chạy sau biến cố, di chứng kéo dài cùng việc điều trị không dứt điểm nên bệnh tình của anh Giang ngày một nặng. Anh bị thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống khi chỉ là một đứa trẻ.

"Xương sống của tôi giờ bị kết thành một khối, cứng và không thể vặn người được. Tôi không thể ngồi, cũng không cử động được nhiều. Thỉnh thoảng bệnh tái phát phải cần đến sự giúp đỡ của bố mẹ trong việc sinh hoạt", anh Giang nói.

Quyết tâm sống với nghề vẽ

Cũng vì căn bệnh đó mà đến nay anh Tường Giang vẫn phải vẽ tranh trong tư thế đứng, không di chuyển được nhiều. Đổi lại, đôi bàn tay anh vô cùng uyển chuyển...

Mắc bệnh từ nhỏ nhưng anh Giang vẫn quyết tâm kiếm sống với nghề làm tranh

bá cường

Từ nhỏ, anh đã có đam mê nghệ thuật, đi chăn bò thường cầm theo con dao để đục đẽo các khúc cây thành hình người, hình con vật...

"Sau khi mắc căn bệnh này, hầu như tôi không làm gì được. Ở nhà chán quá nên lại nhớ nghề, quyết tâm kiếm tiền, sống cho được với nghề vẽ tranh. Tôi đi làm tranh gạo chỉ trong vòng 1 tháng", anh Giang nói.

Những hạt gạo - vật liệu để anh Giang sáng tác

Bá Cường

Thời điểm đầu, anh Giang nghiên cứu tranh bẹ chuối của họa sĩ Văn Đắc, một họa sĩ lão làng về tranh bẹ chuối tại Quảng Bình. Anh thử làm tranh bẹ chuối rồi gửi vào nhờ họa sĩ Văn Đắc bán. Trong thời gian chờ bán, anh nói dối gia đình đã bán được tranh để được ủng hộ cho theo nghề, cho đi học cách vẽ tranh gạo ở tỉnh Kon Tum.

"Năm 2014, tôi nói dối đã bán được tranh để bố mẹ tin tưởng, rồi vay mượn bạn bè 2,5 triệu đồng tự bắt xe vào Kon Tum học làm tranh gạo. Sau 1 tháng, hết tiền, tôi trở về tự mày mò từ những lý thuyết cơ bản đã học được", anh nhớ lại.

Đôi bàn tay uyển chuyển trên cơ thể cứng ngắc

Trong căn phòng nhỏ, hàng chục bức tranh đang được anh hoàn chỉnh để kịp gửi đi cho những đơn hàng từ xa. Nội dung tranh của anh Giang giản dị, chủ yếu về đời sống, cảnh quan, con người Quảng Bình.

Cơ thể cứng ngắc, nhưng đổi lại anh Giang có đôi bàn tay cực kỳ khéo léo

Bá Cường

"Sau 7 năm làm nghề, tôi đã bán được hơn 500 bức tranh gạo. Chủ yếu là các đơn đặt hàng từ xa, thỉnh thoảng có vài cá nhân đến đặt làm tranh chân dung. Tranh của tôi cũng đã được trưng bày tại các triển lãm ở Hồng Kông, Nhật Bản...", anh Giang cười nói.

Để tạo nên một bức tranh gạo, anh phác thảo lên tấm gỗ, sau đó đổ keo lên bề mặt rồi sắp xếp các hạt gạo thành đường nét.

Tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh làm bằng gạo của anh Giang

Bá Cường

Màu cánh gián là tông màu chủ đạo của tranh gạo, bởi gạo khi mua về sẽ được rang tùy theo nhiệt độ, thời gian mà tạo ra màu như họa sĩ mong muốn. Gạo để làm được tranh cũng phải chọn lọc, không phải loại gạo nào cũng có thể làm thành tranh.

"Làm tranh gạo đòi hỏi kiên trì, không chỉ có đầu óc sáng tạo, hoa tay khéo léo mà còn phải nhẫn nại xếp từng hạt gạo cho đến khi hoàn tất bức tranh. Đây là thời điểm rất dễ nản lòng với những người mới học", anh Giang nói.

Đến nay, anh Giang đã đạt được ước mơ, kiếm sống bằng chính đam mê của mình

Bá Cường

Với giá thành từ 400.000 - 500.000 đồng/tranh tùy kích cỡ, công sức bỏ ra, trung bình mỗi tháng anh Giang có thể thu về từ 3 - 6 triệu đồng bán tranh. Với khoản thu nhập này, có thể xem là thành công đối với "họa sĩ khuyết tật".

Anh Ngô Lê Duy, Bí thư Huyện đoàn Quảng Ninh, đánh giá cao ý chí vượt khó vươn lên bằng đam mê của anh Tường Giang.

"Anh Giang hiện đang là thành viên trong CLB người khuyết tật, trực thuộc Huyện đoàn. Dù cơ thể như vậy, nhưng ngoài những việc phi thường đã làm anh Giang còn là một thành viên tích cực, thường xuyên tham gia tình nguyện, giúp đỡ bà con nghèo khó", anh Duy nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.