Họa sĩ Hoàng Võ bùng nổ với các 'Vũ điệu hoang dã' hấp dẫn người xem

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
29/11/2022 10:30 GMT+7

Tên triển lãm Vũ điệu hoang dã lần này giống như cách mà tranh của họa sĩ Hoàng Võ thể hiện, đó là những điệu múa của thiên nhiên, sắc màu và năng lượng bùng nổ, truyền tải mạnh mẽ nguồn năng lượng tích cực đến người xem.

Triển lãm Vũ điệu hoang dã (Wild Dance) của họa sĩ Hoàng Võ - kéo dài đến hết ngày 1.12 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - bày hơn 70 tác phẩm, hầu hết là tranh trừu tượng tuyển chọn được sáng tác trong khoảng 3 năm gần đây. Với chất liệu acrylic, tổng hợp, màu nước và giấy dó, nhiều tác phẩm được tác giả giấu rất kỹ, chưa hề được công bố ở đâu, nên hy vọng sẽ gây bất ngờ, thú vị cho người xem.

Tác phẩm Chạm (tổng hợp, 120x180cm, 2022)

Tác phẩm Chân dung đô thị 3 (tổng hợp, 120x80 cm, 2019)

Tác phẩm Chân dung đô thị 4 (tổng hợp, 120x80 cm, 2019)

Được biết, Hoàng Võ thực sự bắt đầu sáng tác tranh từ năm 2011, nhưng với sức làm việc mạnh mẽ, dồi dào, nên đã có hàng trăm tác phẩm, nhiều chủ đề, thể loại, chất liệu... Đây là triển lãm cá nhân lần thứ hai của anh, sau Những góc đời (Pieces of Life) tại TP.HCM năm 2016.

Xem các tranh trong Vũ điệu hoang dã, họa sĩ Lê Thị Kim Bạch nhận xét: “74 tranh là 74 vẻ đẹp khác nhau, từ những ấn tượng thị giác cuốn hút, từ tương quan (đậm-nhạt; sáng-tối; nóng-lạnh…) đến bút pháp linh hoạt và mạnh mẽ, mang lại những rung động đẹp trong cảm xúc. Hoàng Võ đã mang đến sự bất ngờ lớn cho người xem khi đột ngột bày loạt tranh trừu tượng trong lần triển lãm này, vì trước đó, năm 2016, anh từng triển lãm cá nhân với cả trăm bức chân dung và luôn thể hiện thế mạnh về vẽ người theo phong cách thực”.

Còn họa sĩ Lê Hải Triều cho rằng: “Chơi với nhau lâu rồi nên tôi thấy được ngôn ngữ vẽ của anh ít phần. Trái với bên ngoài mạnh về lý trí, hiểu về tâm lý cũng như quan sát cuộc sống phải nói hàng giỏi lắm, nhưng, tác phẩm của anh hoàn toàn khác với phần kinh nghiệm lọc lõi trải đời, rất tinh đời như anh. Trong tranh anh không có phần ngoa ngữ. Có lần nhìn anh vẽ, tôi thấy vài nét cọ vụng thô, tôi cũng nói với anh chỗ này không ổn, anh nói: 'Kệ, cứ để nó tự nhiên, kệ, tôn trọng cảm nhận lúc đó đi ', mặc dù anh dạy môn hình họa, kỹ năng nghề khỏi bàn. 'Kệ nó' là trở về với tự nhiên, không can thiệp, không so sánh,không thành kiến, định kiến (cái cũ). Lúc đó, tôi biết là anh đang trở về ngôi nhà của mình (bên trong), không biểu diễn, không che đậy… chỉ vẽ bằng cảm nhận - trực giác - vẽ cái không nhìn thấy… vẽ tự nhiên như chơi".

Khi ở tuổi 32 họa sĩ Hoàng Võ mới bắt đầu theo đuổi niềm đam mê trải nghiệm nghệ thuật của mình. Cọ, giấy, toan và màu vẽ đã trở thành những vật bất ly thân với anh từ đấy

nvcc

74 tranh là 74 vẻ đẹp khác nhau, từ những ấn tượng thị giác cuốn hút, từ tương quan (đậm-nhạt; sáng-tối; nóng-lạnh…) đến bút pháp linh hoạt và mạnh mẽ

Hoàng Võ đã mang đến sự bất ngờ lớn cho người xem khi đột ngột bày loạt tranh trừu tượng trong lần triển lãm này

Họa sĩ Hoàng Võ tâm sự: “Hội họa, bản thân của nó đã là sự dẫn dắt con người hướng đến những gì đẹp đẽ nhất, lương thiện nhất; có thể hướng đến tột cùng vương giả hoặc rất đỗi bình thường"

nvcc

Năm 2001, khi ở tuổi 32 họa sĩ Hoàng Võ mới bắt đầu theo đuổi niềm đam mê trải nghiệm nghệ thuật của mình. Cọ, giấy, toan và màu vẽ đã trở thành những vật bất ly thân với anh từ đấy. Càng dấn thân vào hội hoạ, họa sĩ phát hiện ra mình có thể vẽ hằng ngày, hằng giờ không chán, cứ như thể trong tiềm thức, anh luôn hối hả níu giữ những trải nghiệm, mơ ước, những điều tốt đẹp đang dần trôi khỏi cuộc đời vốn hữu hạn. Anh thể nghiệm trên nhiều chất liệu như màu nước, sơn dầu, acrylic, than, chì, phấn màu…

Họa sĩ Hoàng Võ tâm sự: “Hội họa, bản thân của nó đã là sự dẫn dắt con người hướng đến những gì đẹp đẽ nhất, lương thiện nhất; có thể hướng đến tột cùng vương giả hoặc rất đỗi bình thường. Hội họa, với tôi, không chỉ là nghề, là đam mê, mà còn là nơi trú ẩn an toàn nhất. Nơi đó, tôi tha hồ bộc lộ những góc cạnh khác nhau của bản ngã. Tôi không rõ là “cái đẹp/nghệ thuật/hội họa có cứu rỗi thế giới” hay không; riêng cá nhân mình, tôi mang ơn hội họa. Đó không chỉ là đam mê, là nghề, là nghiệp, mà còn là thói quen, là hơi thở, là cuộc sống của tôi”.

Cũng theo họa sĩ Hoàng Võ cho biết: “Nếu lần trước tôi bày đa số tranh vẽ người, thì lần này tôi bày nhiều thứ, trừ… người! Thiên nhiên, với lòng bao dung vô hạn, luôn bên cạnh, bao bọc, nuôi nấng và tha thứ cho loài người chúng ta. Thiên nhiên, không chỉ hùng vĩ, kỳ bí, còn quyến rũ, kiêu sa, huyền ảo đầy mê hoặc. Thiên nhiên, không chỉ hoang sơ, thơ mộng, còn giàu có vô cùng... Nhưng, với sự tham lam vô độ và tàn bạo vô lương, với những tranh đoạt tàn khốc trên thân thể thiên nhiên, thì chừng như, đường về tương lai của loài người, xem ra, còn mờ mịt lắm. Bao giờ loài người chúng ta mới thôi giày xéo thiên nhiên?. Mới thôi thản nhiên trước những cơn co giật quằn quại của rừng sâu, núi thẳm, biển xanh?. Bao giờ, loài người chúng ta mới tử tế với thiên nhiên?. Bao giờ mới được trở lại cùng các vũ điệu hoang dã?”.

Thiên nhiên, không chỉ hùng vĩ, kỳ bí, còn quyến rũ, kiêu sa, huyền ảo đầy mê hoặc

Họa sĩ Hoàng Võ cho biết: “Nếu lần trước tôi bày đa số tranh vẽ người, thì lần này tôi bày nhiều thứ, trừ… người!"

Càng dấn thân vào hội họa, họa sĩ phát hiện ra mình có thể vẽ hàng ngày, hàng giờ không chán, cứ như thể trong tiềm thức, anh luôn hối hả níu giữ những trải nghiệm, mơ ước, những điều tốt đẹp đang dần trôi khỏi cuộc đời vốn hữu hạn

NVCC

Tràn ngập những cảm xúc và năng lượng chực chờ bùng nổ, những vệt cọ, những mảng màu của Hoàng Võ phóng khoáng và tung tẩy, giúp người xem đồng cảm với những hàng liễu rủ bên cạnh dòng sông, với những đàn cá, những cơn sóng biển gầm gào và núi đồi xa thẳm… bao la.

Vài nét về họa sĩ Hoàng Võ (Võ Hoàng Nhựt)

- Sinh năm 1969 tại Long An

- Học mỹ thuật công nghiệp tại Đại học Kiến trúc TP.HCM (2001-2006)

- Giảng viên thỉnh giảng tại khoa Mỹ thuật, Đại học Kiến trúc TP.HCM

Triển lãm chung:

- Bắt đầu vẽ từ năm 2011.

- Triển lãm khu vực VIII hàng năm

- Triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM năm 2015, 2016

- Triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM năm 2016

- Triển lãm khu vực VI hàng năm

- Triển lãm màu nước quốc tế tại Việt Nam năm 2016

- Triển lãm màu nước quốc tế tại Bangkok (Thailand) tháng 4/2016

- Triển lãm mỹ thuật ASEAN tại Hatyai (Thailand) tháng 8/2016

- Triển lãm màu nước quốc tế tại Bangkok (Thailand) tháng 10/2016

- Triển lãm nghệ thuật quốc tế tại Trung Quốc The Third Silk Road International Festival năm 2016

Triển lãm cá nhân:

- Những góc đời (Pieces of Life) tại TP.HCM (2016)

- Vũ điệu hoang dã (Wild Dance) tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (2022).

"Tôi thực sự khâm phục sức làm việc của người đàn ông này. Anh sáng tác tranh bằng nhiều chất liệu, chủ đề phong phú và kích thước tranh cũng đa dạng, từ những bức màu nước nho nhỏ cho đến những tác phẩm sơn dầu, chất liệu tổng hợp rộng dài vài ba mét…

Trong kho tàng hàng trăm tác phẩm ấy thì mảng trừu tượng của anh thực sự đã hoàn toàn chinh phục được tôi! Ngắm tranh anh sẽ thấy rất nhiều cảm xúc: Những trào dâng mãnh liệt bên cạnh sự cô đọng sâu lắng nồng nàn”, Họa sĩ Thái Vĩnh Thành.

"Trong bối cảnh chung của mỹ thuật VN hiện tại, bầu không khí mang tinh thần “chiết trung” (eclecticism), pha trộn, hội nhập dường như là xu hướng đang có ưu thế lan toả trong một thế giới nghệ thuật đầy ắp hình ảnh, ngập tràn thông tin. Khuynh hướng mà Hoàng Võ thể hiện được hiểu là một cách tiếp cận linh hoạt, phóng khoáng, thể nghiệm đa dạng nhiều phong cách, khuyến khích người nghệ sĩ sử dụng mọi phương tiện mà họ yêu thích, đề cao tính cá nhân, tự do trong xử lý chất liệu tạo hình, kết hợp nhiều yếu tố để tạo nên tác phẩm”, Tiến sĩ nghệ thuật Nguyễn Hồng Ngọc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.