Họa sĩ hẹn nhau chống nạn tranh giả

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
17/03/2018 06:57 GMT+7

Theo họa sĩ Phạm An Hải, trong tháng 4 tới, các họa sĩ sẽ có các hoạt động pháp lý để chống lại nạn tranh giả. Dự kiến sẽ sớm có “án điểm” để nâng cao nhận thức về việc này.

Bị đạo, nhái thường xuyên
Họa sĩ Đào Hải Phong đưa bạn bè xem hình chụp một bức tranh trong điện thoại. Một bức tranh giả ký tên chính ông. “Nếu bảo tôi chép lại chính tranh của tôi, tôi còn không chép được chính xác như bức này”, ông Phong nói.
Theo ông Phong, thị trường tranh chép ở VN và nhái tranh Việt khá đa dạng. Có tranh chép nguyên xi, chép cả chữ ký. Có tranh chỉ chép nửa vời, chép độ 70% rồi sau đó ký tên nhận mình tự vẽ. Có tranh vẽ nhái phong cách, rồi ký thẳng tên họa sĩ mình nhái. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long cũng cho rằng: “Các nghi án tranh giả càng ngày càng nhiều, mức độ càng trầm trọng trên các sàn đấu giá và cũng có yếu tố liên đới nước ngoài, trong đó có cả những người được coi là chuyên gia tranh Việt”.
Họa sĩ Thành Chương thì cay đắng với vụ những bức tranh trở về từ châu Âu, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Trong đó, một bức tranh của ông bị ký tên Tạ Tỵ. Ông Chương cho biết khi đó đã phải ngồi viết đơn tố cáo ngay trong đêm. Hội đồng nghệ thuật cũng đã thẩm định, đưa ra kết luận là tranh rởm, trong đó có 2 bức mạo danh. Tuy nhiên, vật chứng đã không được giữ lại do bảo tàng không có chức năng đó. Vụ việc sau đó đi vào ngõ cụt.
Cần mạnh dạn khởi kiện
Họa sĩ Lê Đình Nguyên cho biết hiện đã có những người mua yêu cầu kèm theo tranh là văn bản xác nhận bản quyền. “Họ bắt viết xác nhận, đó mới là người chơi bài bản”, ông Nguyên nói.
Tuy nhiên, điều khiến cuộc gặp nhằm minh bạch thị trường tranh Việt của các họa sĩ sáng 16.3 tại Hà Nội không đi vào ngõ cụt là họ đã mời tới một luật sư. “Họa sĩ chỉ biết nghệ thuật và không biết nhiều đến luật về bản quyền. Nhưng bây giờ phải thay đổi. Chúng ta phải học cách tự bảo vệ mình”, họa sĩ Phạm An Hải nói.
Tại cuộc gặp, luật sư Đinh Anh Tuấn giải thích cho các họa sĩ biết cách để bảo vệ quyền lợi. Chẳng hạn họ nên đăng ký bản quyền cho sáng tác của mình. Sau đó, khi gặp trường hợp tác quyền bị xâm hại, họ có thể chọn những chế định khác nhau như tòa án, thanh tra ngành văn hóa hay các UBND. “Họa sĩ có thể cử đại diện để thay mặt mình yêu cầu và chấm dứt vi phạm. Hoặc có thể mạnh dạn khởi kiện một số vụ xâm hại”, ông Tuấn nói và cho biết sẵn sàng tư vấn cho họa sĩ hoặc trực tiếp tham gia tố tụng.
Cũng theo ông Tuấn, nếu có thể, các họa sĩ nên lập nhóm hay trung tâm bảo vệ bản quyền giới họa sĩ, tương tự Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trực thuộc Hội Nhạc sĩ. Hiện tại, Hội Mỹ thuật chưa có một trung tâm như vậy. Ông Tuấn cho biết: “Nghị định số 22 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Sở hữu trí tuệ sẽ có hiệu lực vào ngày 4.4. Trong đó có quy định cụ thể hướng dẫn cá nhân bảo vệ quyền tác giả”.
Ông Phạm An Hải cũng cho biết, khi nghị định này có hiệu lực, các họa sĩ cũng sẽ gửi một số văn bản vụ việc đến cơ quan chức năng để giải quyết. Họa sĩ Đoàn Thị Thu Hương, nguyên Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật (Bộ VH-TT-DL), cũng cho hay bà đang chuẩn bị một hồ sơ khởi kiện theo đường hành chính lên Thanh tra Bộ VH-TT-DL vì vi phạm bản quyền tranh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.