Họa sĩ Lý Trực Dũng còn hơn cả vui mừng khi thấy họa sĩ Ca Lê Thắng cuối cùng đã làm triển lãm cá nhân đầu tiên của mình tại Hà Nội tháng 12.2021. Các ông đã làm bạn trong hội họa với nhau nhiều năm, cùng nhìn thấy nhau trưởng thành trong đời vẽ. Ông Dũng còn đánh giá rất cao “chất” của ông Thắng. Với ông Dũng: “Cùng với Nguyễn Sáng, Nguyễn Hải và Nguyễn Trung, Ca Lê Thắng là một nghệ sĩ tạo hình xuất sắc. Họ rất Nam bộ và rất VN”. Ông Thắng, trong câu chuyện của mình, cho thấy ông đã chạm vào điều đó rất tự nhiên. Ông nhắc lại nhiều về việc cứ vẽ, cứ vẽ “không sợ ma” và cứ học liên tục.

Sinh ở Bến Tre, học ở Hà Nội, rồi lại quay lại TP.HCM làm việc, ông chọn Hà Nội là nơi tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên. Hà Nội đã ảnh hưởng tới ông thế nào, tới đời vẽ của ông ra sao, thưa ông?

Lúc bắt đầu học vẽ, tôi trẻ con mà, khi vào trường Mỹ thuật tôi mới có 13 tuổi thôi, còn chưa thích vẽ nữa. Trẻ con ai cũng vẽ nguệch ngoạc ở nhà ấy, ông già (ba - PV) tôi nghĩ tôi có năng khiếu. Cụ thân với ông Diệp Minh Châu. Ông cụ hỏi ông Châu trường Mỹ thuật có ký túc xá không, ông Châu bảo có, thế là ông cụ gửi tôi vào trường. Thầy giáo đầu tiên của tôi là họa sĩ Diệp Minh Châu. Lúc thi tôi cũng không giỏi lắm nhưng có tiêu chuẩn cộng điểm học sinh miền Nam thì đỗ vào. Tôi được cộng điểm mới thi đỗ chứ có biết vẽ gì đâu. Tôi đi học vẽ, ở ký túc xá. Nhưng 13 tuổi tôi thích vẽ gì đâu, đến khi học năm 3 mới bắt đầu thích.

Tôi vào trường học được hơn 1 năm thì trường sơ tán ở Quất Động, Chương Mỹ (Hà Tây trước đây, nay là Hà Nội). Sau đó, chúng tôi lại chuyển đi Hiệp Hòa, Hà Bắc. Nếu hỏi Hà Nội có ảnh hưởng tôi không thì tới đại học mới có. Lúc đó, tôi bắt đầu yêu nghề, có ý thức nghề, phấn đấu. Phấn đấu từ gương các thầy, khi đó trong trường nhiều thầy lắm: Thầy Đỗ Hữu Huề, thầy Trần Huy Oánh, thầy Phạm Công Thành, cô Giáng Hương…

Họa sĩ Lý Trực Sơn có nói bài sơn mài tốt nghiệp của ông là tác phẩm “trình độ tạo hình cao, kỹ thuật điêu luyện”. Hồi đó ông vẫn chỉ vẽ hiện thực thôi chứ, vì thời kỳ đó mọi người hay vẽ hiện thực?

Hồi đấy đúng là toàn vẽ hiện thực không thôi. Tôi đi thực tế ở nông trường dứa miền Bắc, làm bài tốt nghiệp. Các cô gái cuối năm mặc áo len, quấn xà cạp vì quả dứa có gai, thu hoạch dứa, tạo hình ảnh khỏe khoắn. Quả dứa rất tạo hình, hình đẹp. Cái giỏ cô gánh hai bên tạo cái nhịp tôi thấy rất giống nhịp điệu tranh Đông Hồ. Mảng đen của quần và vàng của dứa xen kẽ, tạo nhịp điệu, nó động.

Thế còn đề tài, lúc đó ông thích vẽ gì, vẽ phụ nữ hay công nhân, nông dân?

Thì nhà trường bảo vẽ cái gì tôi vẽ cái nấy. Đề tài tôi chả thích gì cả, đề tài công nông binh tôi không thích. Chứ nếu mà thích thì tôi thích tĩnh vật, phong cảnh.

Hòn Nam Du, sáng tác 2014 - Ảnh: NVCC

Cánh diều, sáng tác năm 2009 - Ảnh: NVCC

Thế mà ông không bị sao, người ta không “cạo” cho ông một trận?

Sau này tôi mới bị cạo, mà cũng cạo sơ sơ thôi. Lúc đó, lên đại học tôi bóp hình. Mình bắt đầu vẽ tinh giản hình đi. Các thầy cũng chả kỷ luật gì. Các thầy bảo thế này hình như nó hơi khác với giáo án ở trường. Tôi với các bạn khi ấy cứ xông vào nhà các ông nổi tiếng. Chúng tôi xông vào nhà mấy ông Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái... Các ông ấy nói vài câu mình vỡ ra nhiều hơn học ở trường. Đó là cách học của tôi hồi đó.

Hồi năm thứ tư, thầy Trần Lưu Hậu vào lớp hình họa, thấy tôi bóp hình, vẽ không có đúng đối tượng người mẫu, thầy bảo cái này không đơn giản đâu. Thầy nói cái này trò muốn học cũng phải tìm tòi đúng cách. Thầy nói vậy thôi mình cũng vỡ ra và phải học theo các xu hướng này kia. Tôi học bác Phái (Bùi Xuân Phái), bác Nhân (Lưu Công Nhân), bác Nghiêm (Nguyễn Tư Nghiêm), bác Sáng (Nguyễn Sáng) đều là bóp hình cả. Vẫn hàng tuần tôi vẽ hiện thực đấy mà vẫn bóp hình khác trong trường đi.

Việc tiếp cận sách vở, tư liệu thế giới đến giờ vẫn là vấn đề với trường mỹ thuật. Thời kỳ của ông chuyện đó thế nào?

Sách vở thời đó quý lắm, ít lắm. Nhưng tôi là con ông giám đốc thư viện, ba tôi là Giám đốc Thư viện Khoa học xã hội ở 26 Lý Thường Kiệt, thành ra tôi tiếp xúc hơi nhiều. Lúc đó, Hà Nội có 2 thư viện: Thư viện T.Ư ở phố Tràng Thi và Thư viện Khoa học xã hội, hồi xưa là Viện Viễn Đông Bác cổ. Rồi cũng có báo chí miền Nam đưa ra là cập nhật tại đó, tôi biết Trịnh Công Sơn từ hồi đó luôn, từ những năm 1970.

Tôi cũng lục tạp chí Indochine, xem tranh của nhiều họa sĩ. Có hàng chục tờ có chuyên đề về Mỹ thuật Đông Dương, có tranh cụ Vân, cụ Cẩn (họa sĩ Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn). Các cụ cũng học từ các thầy Pháp, tôi lại rút ra bài học đó. Các cụ vẽ rất hay nhưng vẫn phải đi học và tôi cố gắng học.

Chuyện vẽ trừu tượng của ông thế nào, thưa ông? Có chuyện “xé rào” gì không?

Năm 1975 tôi đã vẽ trừu tượng rồi, chả bị sao cả. Tôi và ông Nguyễn Quân cũng tổ chức triển lãm trừu tượng toàn quốc đầu tiên ở TP.HCM. Ông Diệp Minh Châu cắt băng khai mạc. Ông anh ruột tôi, Ca Lê Thuần cũng cắt băng. Có sao đâu. Nhiều khi nhiều người cứ nghĩ “sợ ma”, ám ảnh. Tất nhiên, nó không được thoải mái như bây giờ.

Triển lãm ấy hồi đó cũng là sự kiện, vì mới Đổi mới, nên mình cũng muốn đổi mới thật. Lúc đó, triển lãm cũng đâu có mua bán được gì. Nó hoàn toàn là nhu cầu của họa sĩ thôi. Lúc đó, cả nước Đổi mới nhưng tại TP.HCM anh em vẽ trừu tượng nhiều hơn ngoài Bắc.

Nói thực, tranh trừu tượng VN cũng chưa có gì hay lắm, đến bây giờ. Cũng chưa có trừu tượng phong cách VN. Hoặc là cái tạng người VN chưa chắc vẽ trừu tượng đã hay. Tôi vẽ bán trừu tượng thôi, chất biểu hiện nhiều hơn trừu tượng. Tất nhiên bây giờ có từ trừu tượng biểu hiện đấy.

Mùa nước nổi 48 - Ảnh: NVCC

Triển lãm cá nhân đầu tiên, ông bày toàn tranh trừu tượng, lại chỉ một đề tài Mùa nước nổi. Vì sao vậy, thưa ông?

Tôi thích vẽ Đồng Tháp Mười mùa nước nổi. Mình đi thực tế chụp ảnh ký họa, rồi lúc vẽ mình nhớ theo ký ức. Ký ức về những cánh đồng hoang mùa nước nổi, ấn tượng khi xem sách của ông Đoàn Giỏi về đất rừng phương Nam. Mình vào gặp lại Đồng Tháp Mười thì ấn tượng rất mạnh mẽ và mình thích vẽ. Tôi 6 tuổi mới ra Bắc, nên vẫn nhớ mùa nước nổi trong Nam. Buổi tối đi ngủ không thấy nước, nhưng sáng hôm sau ngủ dậy nước mấp mé dưới giường. Cái nhớ thứ hai là mùi hương. Người ta nói mùi hương nhớ lâu hơn cả âm nhạc và vẽ. Tôi cứ đạp chân lên cỏ lại nhớ hồi nhỏ mình giẫm lên có mùi cỏ xông lên thế nào.

Mùa nước nổi 45 - Ảnh: NVCC

Thực ra mà nói thì phong cảnh miền Nam không dễ vẽ như phong cảnh ngoài Bắc. Ở ngoài Bắc đồi núi tạo ra nhịp, nhưng miền Nam cứ phẳng lì như cái sa bàn. Để tạo cao thấp và chiều sâu không phải dễ dàng. Tôi cũng phải thử nghiệm nhiều.

Mùa nước nổi như biển ấy, biển nước không. Bờ bao ruộng nước tràn vào hết, con kênh nước cũng tràn vào hết. Vẽ mùa nước như thế có cái khó nhưng nó lại dễ tạo cảm sự phẳng lặng, hoang dại. Hồi sinh viên tôi cũng thích những mảng phẳng. Tôi tạo ra không gian cho nó bằng cách biểu hiện và trừu tượng hóa. Tôi vẽ mùa nước nổi như một ký ức mờ mờ của mình chứ không phải tả thực đối tượng này.

Xin cảm ơn ông!

Báo Thanh Niên
03.04.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.