Hoa 'nở' từ những đôi tay đặc biệt

25/11/2021 14:01 GMT+7

Cơ thể có nhiều khiếm khuyết, suốt 3 năm qua các em học sinh tại Trường trẻ em khuyết tật vẫn cố gắng vừa học vừa làm những bông hoa đầy màu sắc bán đến các cơ quan, trường lớp khắp tỉnh Quảng Trị.

Lớp học nghề làm hoa với những học viên đặc biệt

Các em học sinh khuyết tật say sưa làm hoa

Bá Cường

Chăm chú nhìn cô giáo chỉ dẫn, cặm cụi vào mặt bàn tỉ mỉ hoàn thiện từng bông hoa, cười đùa khoe nhau thành quả mình vừa làm ra... Đó chính là những gì diễn ra trong giờ học làm hoa của các em học sinh Trường trẻ em khuyết tật (Khu phố 7, P.3, TP. Đông Hà, Quảng Trị).

50 em học sinh được chia ra nhiều lớp nhỏ để học làm hoa giấy, hoa xốp tại Trường trẻ em khuyết tật.

Bá cường

Lớp học làm hoa có 12 em học sinh khuyết tật, từ khiếm thính, khiếm thị cho đến chậm phát triển trí tuệ nhưng luôn chăm chỉ cắt xén, làm cành, lắp cánh cho những bông hoa được chế tạo từ giấy, xốp.

Những bông hoa tuyệt đẹp “nở” từ những đôi tay đặc biệt

Năm 2018, nghề làm hoa và hương được đưa vào chương trình giảng dạy tại Trường trẻ em khuyết tật Quảng Trị. Nghề làm hoa phù hợp với các bạn khiếm thính, khiếm thị, trí tuệ chậm phát triển. Chỉ cần những hành động đơn giản như cho giấy, xốp vào dụng cụ tạo hình bông hoa, gắn cành, gắn lá, nụ hoa, các em theo dõi giáo viên hướng dẫn rồi lặp lại là đã có thể hoàn thành. Những hành động này đơn giản hơn rất nhiều so với nghề tin học, nghề may, những nghề mà đòi hỏi các em phải có sự sáng tạo.

Những công việc khó đã có giáo viên, máy móc hỗ trợ. Công việc của các em chỉ cần lắp cánh, gắn cành, lá, nụ là đã hoàn thành xong một bông hoa.

Bá Cường

Lớp học làm hoa được giáo viên Trương Vân (42 tuổi, Trường trẻ em khuyết tật Quảng Trị) phụ trách. Cô Vân cho biết: “Môn học làm hoa đã được đưa vào chương trình dạy suốt 3 năm qua. Dù các em khó tiếp thu nhưng làm hoa giấy, hoa xốp vẫn tương đối dễ làm. Mất không nhiều thời gian để có được những sản phẩm từ chính bàn tay các em làm ra bán đến các cơ quan, trường lớp trên địa bàn tỉnh”.

Theo cô Vân, mỗi tuần các em sẽ có 2 tiết học làm hoa. Cứ đến giờ học, các em lại hăng say, chăm chỉ, tiết học lúc nào cũng vui nhộn tiếng cười. Đây cũng là giờ học để tạo cho các em biết cách hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Thành là một học sinh gắn bó với trường khá lâu, mang trong mình đa tật nhưng Thành vẫn luôn xuất sắc trong giờ học làm hoa

Bá Cường

Trong lớp học nhỏ này, Nguyễn Sinh Thành (18 tuổi, xã Vĩnh Trường, H.Gio Linh, Quảng Trị) dù đã ở tuổi trưởng thành, hoàn thành xong chương trình học, nhưng vẫn được thầy cô gọi ở lại trường, học tập cùng các bạn nhỏ tuổi hơn. Thành sinh ra đã mắc đa tật, gồm trí tuệ chậm phát triển và chứng bại não. Tuy nhiên, trong giờ học làm hoa, Thành luôn là học sinh chăm chỉ nhất, làm được nhiều hoa nhất trong cả tiết học.

Hy vọng từ những bông hoa

Trong số 131 học sinh đang học tại Trường trẻ em khuyết tật, có 50 em đang được đào tạo dạy nghề làm hoa. Bên cạnh các em đang trong lứa tuổi học sinh, có những em đã hoàn thành xong chương trình học nhưng vẫn tiếp tục ở lại trường do mắc đa tật, khó khăn trong việc tìm một nghề kiếm sống. Đến trường làm những bông hoa chính là công việc phù hợp nhất mà các em có thể làm được.

Những cánh hoa do các em khuyết tật làm ra

Bá Cường

Sau khi các em làm thành một cành hoa đơn lẻ, các cô giáo sẽ cắm hoa vào bình, trang trí bắt mắt và bán cho các trường mầm non, trường tiểu học… trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và xuất đi các tỉnh, thành phố khác khi có đơn đặt hàng.

Những bông hoa nhỏ lại chính là hy vọng lớn đối với các em học sinh tại đây

Bá Cường

Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ cho các em học tập từ các nhà hảo tâm, Sở Lao động..., những bông hoa do các em tạo ra bán với giá 150.000-200.000đ cho 1 sản phẩm tùy kích cỡ cũng là một nguồn thu nhỏ góp vào số quỹ để mua thêm dụng cụ học tập, dụng cụ làm nghề…

Những nụ hoa mang lại niềm vui cho các em nhỏ

Bá Cường

Sau 3 năm đưa vào chương trình giảng dạy, nghề làm hoa nói riêng và các nghề khác nói chung đã phần nhiều giúp đỡ cho các em học sinh khuyết tật có thêm động lực tinh thần, trang bị kỹ năng cho bản thân. Mỗi bông hoa chính là một hy vọng, một cơ hội để các em vươn mình, sống hòa nhập với xã hội sau khi rời trường.

“Với các em học sinh khuyết tật, việc học văn hóa là điều rất khó . Để các em sau này ra xã hội có cho mình một ngón nghề, kiếm sống bằng nghề đó thì những bông hoa, cây hương… chính là động lực cho các em cố gắng và là hy vọng giúp các em không bị bỏ lại trong xã hội này”, cô Lê Thị Thúy Hoa, Hiệu trưởng Trường trẻ em khuyết tật, cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.