Hoa kiểng dè dặt đón tết

26/12/2021 06:25 GMT+7

Các làng hoa kiểng trên cả nước đang vào mùa đón Tết Nguyên đán, nhưng khác với mọi năm, dịch Covid-19 khiến nông dân vào vụ sản xuất với tâm lý đầy âu lo, dè dặt.

Mùa hoa tết năm nay ở làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) đìu hiu hơn hẳn năm trước. Phó Thọ - Bà Bộ là khu vực trồng hoa tết lớn nhất của Cần Thơ với khoảng 30 ha của 500 hộ dân. Năm nay, dịch Covid-19 dai dẳng, khó lường, làng hoa chỉ còn 17 ha sản xuất của khoảng 300 hộ dân. Số lượng hoa cũng chỉ còn khoảng 269.000 giỏ hoa các loại, chưa bằng một nửa năm trước. Đường vào làng hoa không chỉ trống trải vườn hoa mà còn thiếu cả không khí nhộn nhịp mỗi độ xuân về.

Nhà vườn Trần Trung Dũng (P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) chăm sóc cây mai kiểng trị giá cả trăm triệu đồng chuẩn bị bán tết

Đình Tuyển

Thủ phủ hoa hồi hộp

Vừa kéo ống nước tưới những chậu cúc Đài Loan đang ra nụ, ông Trần Tuấn Quang, 51 tuổi, một hộ trồng hoa có thâm niên ở làng hoa Bà Bộ, cho biết mùa tết năm nay người dân trong làng hoa bỏ nghề rất nhiều. “Đợt dịch Covid-19 cả thành phố áp dụng Chỉ thị 16, người dân lỡ xuống giống hoa, tới khi cây bị sâu bệnh, không ra đường mua thuốc được rồi bỏ luôn, mất trắng. Đến nay nhiều gia đình không tái sản xuất được nữa. Những hộ ráng bám nghề thì cũng không dám bung ra làm như mọi năm”, ông Quang nói.

Theo nhà vườn này, nỗi lo lớn nhất của người dân chẳng phải là không có người mua mà là sợ các hoạt động vui xuân, đón tết bị hạn chế, các chợ hoa không được hoạt động vì dịch. Mùa hoa tết năm nay ông Quang chỉ xuống giống khoảng 1.500 chậu hoa các loại, bằng một nửa so với mùa hoa tết năm 2020, với các loại hoa như mâm xôi, cúc Đà Lạt, cúc pha lê, vạn thọ… Cách vườn hoa của ông Quang không xa, bà Bùi Thị Duyên cũng đang chăm sóc vườn hoa mười giờ, vạn thọ, cúc pha lê, cho biết năm nay bà chỉ trồng khoảng 1.000 chậu hoa các loại, giảm hơn một nửa so với tết năm ngoái. “Dịch không biết đường nào mà tính nên tôi cứ trồng lẻ tẻ mỗi thứ một ít có khi dễ bán hơn”, bà Duyên nói.

Các nhà vườn ở làng hoa Bà Bộ ngoài mối lo đầu ra còn gặp một khó khăn lớn là chi phí đầu vào tăng, nhiều nhất là tiền phân thuốc, khiến giá thành các sản phẩm hoa đều đội lên. “Năm ngoái mâm xôi giá từ 450.000 - 500.000 đồng/cặp, cúc Đà Lạt cũng khoảng 200.000 đồng/cặp. Nếu năm nay mà giữ giá này thì lời rất ít, còn nhích giá lên thì chưa thể nói được, tới tết mới tính”, ông Quang nói.

Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 cũng bao trùm lên các xứ sở hoa kiểng khác như Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) - nơi được xem là “thủ phủ” hoa kiểng miền Tây, có diện tích gần 700 ha, nhưng năm nay diện tích trồng hoa tết giảm hơn một nửa.

Người dân làng hoa Ninh Giang, TX.Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa chăm sóc hoa cúc phục vụ Tết Nguyên đán

Hiền Lương

Ông Huỳnh Quang Tĩnh (ấp Tân Lợi, xã Tân Quy Tây, TP.Sa Đéc) kể ông chỉ trồng hơn 700 chậu cúc Đài Loan, vạn thọ, hướng dương… giảm hơn 800 chậu hoa các loại so với tết năm rồi. “Không chỉ khó khăn vì dịch bệnh, thời tiết năm nay mưa nhiều cũng khiến chi phí phân thuốc xử lý hoa tăng gấp đôi. Nhưng bà con ai cũng hồi hộp là đến thời điểm này chưa có thương lái hỏi mua hoa, trong khi tầm này năm ngoái họ đến hỏi mua rất nhiều”, ông Tĩnh lo lắng.

Hiện tại, một số hộ dân trồng hoa Sa Đéc đã thay đổi phương thức bán hàng online, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm hoa tết, nhưng không đáng kể; đa số hộ trồng hoa vẫn phải mua bán hoa tại ruộng, thông qua thương lái. Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế TP.Sa Đéc, cho biết: “Ngay từ đầu vụ, dự báo tình hình tiêu thụ hoa tết có thể bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 nên địa phương đã khuyến cáo các hộ dân giảm lượng hoa tết; chú trọng trồng các loại kiểng công trình phục vụ nhu cầu thị trường quanh năm nhằm giảm bớt rủi ro, nên diện tích hoa tết năm nay chỉ khoảng 50 ha, so với năm rồi là 110 ha”. Cũng theo bà Ngọc, may mắn là mới đây Công ty cây xanh Sa Đéc đã ký kết với các đơn vị trong và ngoài tỉnh cung cấp 2 triệu giỏ hoa, cây kiểng các loại phục vụ cho các công trình, đường hoa dịp tết. Qua đó cũng góp phần giúp người dân giải quyết đầu ra.

Phường Ninh Giang (TX.Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) được xem là “thủ phủ hoa cúc” khu vực nam Trung bộ, nơi cung cấp hàng trăm ngàn chậu cúc cho các tỉnh thành khu vực phía nam vào dịp tết hằng năm. Làng nghề trồng hoa cúc Ninh Giang có 147 hộ trồng với 250 lao động và một tổ hợp tác - liên kết sản xuất kinh doanh hoa cúc giống thành lập năm 2015. Trước năm 2020, mỗi năm các hộ sản xuất khoảng 150.000 chậu hoa các loại, chủ yếu là cúc đại đóa và cúc pha lê. Đại diện Hội Nông dân P.Ninh Giang cho biết năm nay người dân trồng hoa ngại xuống giống vì sợ bán không được. Vì thế, làng hoa cúc Ninh Giang nay chỉ còn 90 hộ bám nghề; số lượng hoa cũng giảm còn khoảng 25.000 chậu.

Chậu quất bon sai gỗ lũa khủng của nhà vườn Xuân Lộc (P.Tứ Liên, Q.Tây Hồ, Hà Nội) có giá bán 100 triệu đồng

Phan Hậu

Mai kiểng cũng lo âu

Ông Trương Văn Phúc Em, ở làng mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước, H.Long Hồ, Vĩnh Long) nổi tiếng ở miền Tây, cho biết ông chuẩn bị 50 chậu mai vàng bán tết nhưng vẫn vừa chăm sóc vừa chờ đợi. “Dịch bệnh thế này, nhà vườn trồng mai khó khăn dữ lắm. Tết chuẩn bị đi chợ khoảng 40 - 50 cây, nhưng không biết chợ có cho bán không…”, ông Phúc Em nói.

Ông Lê Văn Tý, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã làng nghề mai vàng Phước Định, cho biết: “Bà con trong hợp tác xã không dám chuẩn bị nhiều vì vô chậu cây sẽ mất sức, chỉ chuẩn bị khoảng 300 chậu thôi, có gì bán trong tỉnh chứ không dám đi xa”, ông Tý cho biết thêm.

Tuy nhiên, nếu như các loại hoa tết rủi ro cao thì những người trồng kiểng, trồng mai, dù sao vẫn có đường lùi. Ông Trần Trung Dũng (64 tuổi), nhà vườn chuyên trồng mai và kiểng ở P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, cho biết những loại bon sai, kiểng như mai vàng tết này không bán được thì dưỡng lại cho tết năm sau. Nhà vườn chỉ hơi tốn công chăm sóc, nhưng bù lại cây càng lâu năm thì giá trị cũng tăng theo. Ông Dũng hiện sở hữu hàng trăm cây kiểng các loại, trong đó có khoảng chục cây mai vàng giá trị từ vài chục triệu đồng đến khoảng 500 triệu đồng, cũng đã sẵn sàng bán tết. Nhìn tình hình với vẻ lạc quan hơn, ông Dũng nói: “Tôi vẫn nghĩ rằng tới tết dịch bệnh ổn, người dân vui bình thường, nhiều khả năng cả hoa và kiểng sẽ hút hàng, nhà vườn sẽ được bù đắp xứng đáng những khó khăn, vất vả cả năm”.

Bà Bùi Thị Duyên chăm sóc vườn hoa cúc của mình ở làng hoa Bà Bộ (TP.Cần Thơ)

Đình Tuyển

Cây cảnh độc, lạ vẫn hút khách, giá giảm

Khảo sát tại Hà Nội, nhiều nhà vườn cây cảnh đã giao dịch “chốt” cây khá nhộn nhịp. Theo ông Lê Đức Giáp, chủ vườn cây cảnh ở thôn Bãi (xã Cao Viên, H.Thanh Oai, Hà Nội), dịch Covid-19 khiến ông phải chuyển hướng tiếp cận thị trường. Không chạy theo số lượng, ông Giáp đầu tư công sức tạo dáng, uốn thế cho cây để có mẫu mã đẹp nhất. Dòng cây cảnh được ông Giáp đầu tư là cây ngũ quả, ghép nhiều loại quả trên một thân cây; bưởi Diễn bon sai có dáng, thế độc lạ và năm nay ông còn làm thêm những loại quả ép chữ Tài, Lộc.

Ông Giáp cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều người nên cây làm cho vụ tết năm nay chủ yếu là nhỏ. Giá bán cây nhỏ nhất từ 2 - 5 triệu đồng, cao hơn là dòng tầm trung giá từ 5 - 10 triệu đồng và cao cấp nhất từ 10 - 16 triệu đồng, giúp người chơi có nhiều lựa chọn. “Nhiều khách ở xa không thể đến vườn, tôi chủ động đưa cây lên Zalo cho khách chọn và chốt cây. Dự kiến bán ra khoảng 100 cây thì đến giờ đã có khách đặt một nửa”, ông Giáp cho biết.

Do dịch, hội chợ quất cảnh Tứ Liên (Q.Tây Hồ, Hà Nội) có được tổ chức vào đầu tháng 12 âm lịch hằng năm hay không vẫn còn là ẩn số. Nhưng từ lúc này, các nhà vườn trồng quất xoay xở mọi cách để bán hàng. Khoảng gần 1 tháng trở lại đây, Facebook của chị Ngô Thu Trang, chủ vườn quất Xuân Lộc ở P.Tứ Liên (Q.Tây Hồ, Hà Nội) liên tục cập nhật mẫu quất mới. Nhiều chậu quất đưa lên đã chốt được đơn hàng.

Theo chị Trang, năm nay quất trồng trong ang kết hợp trang trí với gỗ lũa là một xu hướng. Các chậu cây được thiết kế với bố cục chặt chẽ, các cành quất đan cài, cuốn chặt vào thân gỗ lũa thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó. Quả quất rủ xuống thành chùm là ước vọng về một năm mới sung túc, bình an. Dòng quất này có nhiều mức giá dao động từ 5 triệu đồng đến vài chục triệu đồng cho một ang quất, tùy kích thước, dáng thế từng cây. Đặc biệt trong dòng quất này, nhà vườn Xuân Lộc năm nay ra mắt 2 tác phẩm nghệ thuật quất bon sai song hành cùng gỗ lũa có giá 100 triệu đồng/chậu. Điểm độc đáo là chậu quất này chỉ có một thân cây nhưng có tán trải rộng và cao đến vài mét, ôm trọn phần gỗ lũa để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Chị Trang cũng cho biết dịch Covid-19 khiến thị trường quất sẽ kém hơn mọi năm nhưng đối với dòng sản phẩm mới, có dáng thế đẹp, phong cách độc đáo luôn có rất nhiều khách hàng đặt mua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.