Hỗ trợ thiệt hại mưa bão chỉ 2.000 đồng: Có người bọc kỹ số tiền để... làm kỷ niệm

Mạnh Cường
Mạnh Cường
30/11/2021 18:14 GMT+7

Sau vụ hỗ trợ thiệt hại chỉ với mức 2.000 đồng ở Quảng Nam, chính quyền địa phương đã họp kiểm điểm và nhìn nhận 'phải sửa sai'. Tại địa phương này, còn có người bọc kỹ món tiền hỗ trợ 3.000 đồng để... làm kỷ niệm.

Liên quan đến vụ việc người dân nhận 2.000 đồng tiền hỗ trợ mưa bão, chiều 30.11 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết ông đã yêu cầu Chủ tịch UBND H.Phú Ninh chỉ đạo rút kinh nghiệm “trên tinh thần vì nhân dân phục vụ, không được nguyên tắc, máy móc”. Đồng thời, xem đây cũng là bài học cho các địa phương khác của tỉnh.

Bọc kỹ 3.000 đồng để "làm kỷ niệm"

Điều đáng nói, không chỉ có bà Nguyễn Thị Kim Truyện (51 tuổi, trú xã Tam Vinh, H.Phú Ninh) nhận vỏn vẹn 2.000 đồng tiền hỗ trợ thiệt hại mưa bão gây xôn xao dư luận (Thanh Niên đã thông tin), mà có thêm trường hợp khác nhận mức hỗ trợ tối thiểu.

Đó là bà Nguyễn Thị Lưu (64 tuổi, trú thôn Bình Thạnh, xã Tam Vinh) nhận tổng cộng 3.000 đồng, gồm 3 tờ tiền mệnh giá 1.000 đồng.

3.000 đồng bà Nguyễn Thị Lưu nhận được từ việc chính quyền xã Tam Vinh hỗ trợ mưa bão, được cất kỹ để... làm kỷ niệm

c.x

Chia sẻ về câu chuyện “dở khóc dở cười” này, bà Lưu cho biết sau 2 cơn bão số 6 và số 9 năm 2020, bà nhận được thông báo của chính quyền địa phương về việc kê khai thiệt hại tài sản.

Ngày 23.11 vừa qua, cũng như hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn xã, bà Lưu nhận được giấy mời của UBND xã Tam Vinh đến nhận tiền hỗ trợ. Chiều 25.11, bà đạp xe đến hội trường nhà văn hóa thôn để nhận tiền.

Bà Lưu có mặt tại hội trường lúc 13 giờ chiều và thấy rất đông người dân cũng đang ở đó. Theo danh sách, bà ở số thứ tự 234 nên phải chờ mãi đến 16 giờ chiều mới tới lượt.

“Thấy đọc đến tên, tôi lên nhận thì một cán bộ xã đưa cho tôi 3 tờ tiền mệnh giá 1.000 đồng. Tôi cứ nghĩ cán bộ nhầm lẫn nhưng khi đối chiếu thì mới biết số tiền hỗ trợ mình nhận được chỉ là 3.000 đồng, khiến tôi hụt hẫng”, bà Lưu ngao ngán.

Bà Lưu tỏ ý hụt hẫng sau khi tốn một buổi đi kê khai, thêm một buổi ngồi chờ nhận tiền, kết quả chỉ được hỗ trợ 3.000 đồng. Thấy số tiền quá ít, cầm về cũng không mua được gì đáng giá, bà trả lại. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ "động viên", bà mang về và cất kỹ để... làm kỷ niệm.

“Tôi đã bọc kỹ trong túi ni lông cất giữ làm kỷ niệm, vì đây là lần đầu tiên trong đời tôi được hỗ trợ số tiền như vậy”, bà Lưu chia sẻ.

"Phải sửa sai!"

Liên quan đến vụ hỗ trợ 2.000 đồng cho hộ bà Nguyễn Thị Kim Truyện mà Thanh Niên đã thông tin trước đó, ông Huỳnh Xuân Chính, Chủ tịch UBND H.Phú Ninh, cho biết chiều 29.11 huyện đã tổ chức cuộc họp với tất cả các phòng, ban cùng các xã, thị trấn trên địa bàn để phân tích công tác thống kê, hỗ trợ mưa bão thời gian qua.

Nội dung kèm hình ảnh phản ánh việc nhận hỗ trợ cây cối ngã đổ do bão chỉ với 2.000 đồng được đăng tải lên mạng xã hội Facebook

c.x

Tại cuộc họp, UBND huyện đã yêu cầu chấn chỉnh nghiêm túc việc liên quan đến hỗ trợ cho người dân. “Chúng tôi cũng yêu cầu lãnh đạo UBND huyện trực tiếp phụ trách, Phòng NN-PTNT cùng lãnh đạo các xã liên quan nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong việc hướng dẫn các xã về công tác thống kê, hỗ trợ trong thời gian tới”, ông Chính nói.

Theo ông Chính, đối với trường hợp xảy ra tại xã Tam Vinh, sau khi báo chí phản ánh, UBND H.Phú Ninh đã chỉ đạo kịp thời, yêu cầu dừng ngay việc chi trả. “Việc hỗ trợ là vì dân, làm cho dân. Nhưng chính quyền đã gây phiền phức cho dân thì phải sửa sai!”, ông Chính nói.

Trước đó, trả lời Thanh Niên, ông Vũ Văn Thẩm, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, cho rằng việc thống kê thiệt hại như vậy là đúng, nhưng người phê duyệt danh sách hỗ trợ phải chỉ đạo, yêu cầu lấy mức hỗ trợ cụ thể và có giá trị phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Theo ông Thẩm, có nhiều cách chi hỗ trợ nhưng cách làm của xã Tam Vinh có vẻ chưa được sát dân và mọi chuyện cần phải tham vấn người dân. Với vụ việc hỗ trợ 2.000 đồng vừa rồi, địa phương có thể họp tổ đoàn kết, thông tin cho người dân, nói bà con về số tiền vậy, xin ý kiến họ có cần thiết phải lấy không; nếu không thì sung vào công quỹ, hoặc trả lại cho nhà nước.

Ông Thẩm cho rằng chính quyền phải sâu sát với dân, chứ cách làm việc còn máy móc quá. Có 2.000 đồng hỗ trợ mưa bão mà bắt người dân lên ngồi cả buổi chờ nhận là cách làm quan liêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.