Hộ kinh doanh chưa chạm được gói hỗ trợ

29/04/2020 06:18 GMT+7

Nhiều hộ kinh doanh chưa được giảm thuế trong thời gian giãn cách xã hội , chưa được hỗ trợ về vốn... khiến họ gặp nhiều khó khăn, chịu thiệt thòi.

Gánh nặng thuế, phí

Chị Nguyễn Linh, kinh doanh tại chợ An Đông (Q.5, TP.HCM), cho biết trong 3 tuần đầu tháng 4, tiểu thương chợ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Chính phủ về cách ly toàn xã hội, nên đóng sạp nghỉ ở nhà. Doanh thu không có nhưng vẫn phải trả lương cho nhân viên nên khó chồng khó. Vừa mở quầy mua bán, chị liền nhận được bảng kê nộp thuế vào Kho bạc Nhà nước Q.5 với số tiền 3,42 triệu đồng.

Ngưỡng nộp thuế lạc hậu

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận định với cá nhân, HKD vốn ít nên lúc ngừng hoạt động, không có doanh thu mà phải trả nhiều chi phí như điện, nước, lương người phụ việc, mặt bằng... sẽ rất khó khăn. “Đây là những đối tượng rất nhạy cảm với các biến động và dễ dàng chết ngay, không thể cầm cự lâu như các doanh nghiệp có vốn lớn hơn. Không lẽ khi chết rồi mới cần thuốc chữa? Vì vậy các chính sách miễn giảm thuế cho HKD cần được thực hiện ngay mà không chần chừ nữa. Chưa kể các HKD còn giải quyết lượng việc làm rất lớn cho xã hội. Nếu họ ngưng hoạt động sẽ khiến hàng chục triệu lao động bị thất nghiệp... Nếu nhìn ở góc độ như vậy, các chính sách miễn giảm thuế cho HKD trong giai đoạn dịch
Covid-19 vẫn còn quá ít nên Chính phủ cần xem xét đưa ra thêm gói hỗ trợ phù hợp cho đối tượng này”, luật sư Trần Xoa nói.
Ông cũng cho rằng ngưỡng nộp thuế của HKD quá lạc hậu với tình hình thị trường, thu nhập và chi tiêu của nhiều gia đình nên cần phải nhanh chóng sửa đổi trong luật để tạo sự công bằng trong quản lý và nộp thuế của người dân.
“22 ngày không đến chợ, không kinh doanh nhưng thuế y chang mức thu như khi không có dịch. Đó là chưa kể, ngay cả khi không nghỉ thì giờ này ai đi chợ mà mua bán? Việc đóng hàng gửi về tỉnh cũng không một ai hỏi thăm. Ngày nào đến chợ cũng mở quầy ngồi nhìn nhau, ban quản lý chợ liên tục yêu cầu giữ khoảng cách 2 m và tránh tập trung đông người. Sau cách ly toàn xã hội quay lại chợ càng ế hơn nữa nên nghe tin phải đóng thuế càng ngao ngán”, chị Linh nói. Một số hộ thì phản ánh, trong 22 ngày không kinh doanh nhưng Ban Quản lý chợ An Đông vẫn thu 50% các khoản phí trong chợ, tiền điện máy lạnh (dù máy lạnh không bật), tiền vệ sinh quét dọn, tiền chất thải rắn, tiền điện lối đi chung... Phí sử dụng diện tích bán hàng thu đủ 100% là 200.000 đồng/sạp. Diện tích mỗi sạp rất nhỏ nên đa số một tiểu thương đều thuê từ 2 - 4 sạp mới đủ không gian để bán hàng nên số tiền đóng càng nặng.
Tương tự, dù nghỉ kinh doanh từ đầu tháng 3 và kéo sang tháng 4 nhưng gia đình anh Lê Việt (Q.Tân Phú, TP.HCM) vẫn phải đóng đủ thuế tháng 3. Đáng nói là do không kịp làm đơn, dù nghỉ kinh doanh cả tháng, ông cũng vẫn phải đóng thuế. “Cán bộ thuế cho biết, muốn làm đơn xin nghỉ kinh doanh để khỏi đóng thuế phải nộp trước ngày đầu tiên của tháng đó 2 tuần làm việc. Tháng 3 hàng hóa ở các chợ ế ẩm, tôi nghỉ nhưng không kịp làm đơn nên vẫn phải đóng. Rút kinh nghiệm nên tháng 4 làm đơn xin nghỉ nên được miễn thuế, không ngờ lại trùng luôn với lịch cách ly của Chính phủ mà phía thuế cũng không thông báo gì. Bây giờ sang tháng 5 cũng tiếp tục nghỉ nhưng làm đơn không được duyệt vì không đủ thời gian quy định nên tôi lại xin nghỉ trong tháng 6. Ngồi nhà không làm gì, chi tiêu đã khó khăn, nếu được miễn giảm nộp thuế cũng đỡ”, ông Việt chia sẻ.
Chị Thanh Huỳnh bán thức ăn, cà phê ngay tại nhà (Q.7, TP.HCM) cho biết có nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc gia hạn nộp thuế các tháng nhưng không nghe đề cập đến việc có điều chỉnh mức thuế khoán hay không. Từ đầu tháng 2, lượt khách đến quán ngày càng vắng do lo ngại dịch Covid-19 nên chị Huỳnh đã dừng hoạt động từ giữa tháng 3 và sau đó cả xã hội thực hiện giãn cách chống dịch nên đến giờ vẫn chưa hoạt động lại. Vì vậy việc hộ kinh doanh (HKD) được gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, chị không quan tâm vì đóng cửa không hoạt động thì làm gì có doanh thu mà gia hạn thuế.

Thuế vẫn đang hướng dẫn ?

Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết theo quy định của luật Thuế, HKD thuế khoán có doanh thu giảm 50% trong năm là thực hiện điều chỉnh giảm thuế ngay, còn dưới mức này thì chờ sang năm sau mới điều chỉnh. Hiện UBND thành phố đang có kiến nghị lên Bộ Tài chính, Chính phủ về việc cho điều chỉnh luôn đối với các HKD có doanh thu bị giảm dưới 50%. Các HKD phải gửi giấy đề nghị được giảm thuế, sau đó cơ quan thuế sẽ thực hiện khảo sát tình hình doanh thu trước khi ra quyết định điều chỉnh. Vì vậy ông Lê Duy Minh thừa nhận, khó thực hiện nhanh trong giai đoạn dịch khi số lượng HKD trên địa bàn lớn; và tính hiệu quả không cao và phải hạn chế đi lại, tụ tập đông người. Hiện TP.HCM có khoảng 200.000 hộ kê khai, trong đó có 40.000 hộ có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, trên 150.000 hộ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thực hiện đóng thuế. Chính vì vậy, cơ quan thuế cũng đề nghị những hồ sơ được điều chỉnh mức thuế sẽ căn cứ từ ban quản lý chợ, UBND xác nhận mức độ giảm doanh thu HKD chứ không cần cơ quan thuế đi khảo sát từng hộ. Cơ quan thuế cũng vừa nhận được hướng dẫn mới thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, trong đó HKD có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm được hỗ trợ 1 triệu đồng. Cơ quan thuế hiện đang phối hợp với UBND phường xác nhận hộ ngưng kinh doanh để thực hiện việc hỗ trợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.