Hô biến vảy cá thành hoa

27/09/2022 17:38 GMT+7

Với đôi bàn tay khéo léo, anh Lê Ngọc Biết (30 tuổi) tại TP.HCM hô biến những chiếc vảy cá tanh hôi thành những đóa hoa rực rỡ, sống động như thật.

Suốt 6 năm không ngừng nỗ lực, đến nay, anh Biết theo đuổi mô hình khởi nghiệp từ phế phẩm của đại dương, tức vảy cá.

Anh Lê Ngọc Biết

Thượng Hải

“Đãi” vảy cá làm hoa

Là người con của vùng biển thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên), anh Lê Ngọc Biết sớm nhận ra những tác hại của những phế phẩm hải sản đến môi trường, đặc biệt là vảy cá. "Trong một lần chế biến cá và thấy vảy cá rơi ra óng ánh dưới nắng rất đẹp nên tôi suy nghĩ nếu lấy chúng làm tranh thì sẽ tuyệt lắm”, anh Biết kể.

Tranh cá rồng được làm từ vảy cá thật

Thượng Hải

Vào tháng 10.2017, anh Biết bắt đầu làm tranh cá chép từ vảy cá thật, sau đó đem đến cuộc thi “Tôi khởi nghiệp” do Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM tổ chức và được đánh giá rất cao. Từ đó, anh Biết đào sâu nghiên cứu và mở rộng mô hình khởi nghiệp làm tranh và hoa từ vảy cá.

Theo anh Biết, tùy vào hình ảnh và độ dài của tranh mà số lượng vảy cá dùng nhiều hay ít, nếu một bức tranh có kích thước 50 cm thì sẽ đính khoảng… 10.000 cái vảy. "Hoa làm từ vảy cá gồm có hồng, tulip, địa lan, cúc đồng tiền và mai đào dịp tết được kết hợp với các sản vật từ biển như san hô, vỏ ốc xà cừ, nan mực, râu vỏ tôm hùm, tảo rong biển… Và giá sẽ dao động từ 100.000 đến 120 triệu đồng tùy vào độ thẩm mỹ và công sức làm ra sản phẩm.

Những sản phẩm tranh và hoa vảy cá được làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường

Thượng Hải

“Đến nay dự án đã giải quyết được hơn 10 tấn vảy cá, xương cá… bỏ đi được lấy từ quê hoặc được tôi thu mua lại từ những khu du lịch biển, chợ, nhà hàng... Sản phẩm từ vảy cá đều rất thân thiện với môi trường”, anh Biết cho hay.

Hiện tại, các sản phẩm hoa và tranh vảy cá của anh được nhiều người đón nhận và xuất khẩu tiểu ngạch sang Nhật Bản, Bỉ, Hà Lan, Mỹ, Úc… có giám định chất lượng an toàn.

“Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách cần vượt qua”

Lúc mới khởi nghiệp, anh Biết kể nhiều người cho rằng anh sẽ thất bại vì mùi tanh của vảy cá bám rất dai và lại trơn, không thể nhuộm màu.

Trước những ý kiến khuyên mình từ bỏ, anh Biết lại càng quyết tâm khởi nghiệp vì với anh “không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách cần vượt qua”.

“Tôi có cơ sở khoa học và nghiên cứu rất nhiều cho dự án này nên rất tin tưởng vào con đường mà mình đã chọn, những ý kiến trái chiều chính là động lực để tôi có cơ hội chinh phục những điều bất khả thi đó”, anh Biết nói.

Để xử lý mùi tanh và nhuộm màu cho vảy cá, anh Biết đã lui tới phòng thí nghiệm của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM để thử nghiệm.

Những “bông hoa” làm bằng vảy cá rực rỡ có đường vân khác nhau và có hiệu ứng “nở” tùy theo nhiệt độ, độ ẩm

Thượng Hải

Hiện tại, anh Biết dùng vảy của nhiều loại cá với kích thuốc khác nhau nên đôi khi để hoàn thành xong một sản phẩm phải mất từ một tháng hoặc thậm chí đến cả năm.

“Vảy khó làm nhất là vảy cá chẽm rất cứng, dày và bén như dao lam nên chế tác thì đứt tay rất nhiều lần, bóp nhiều thì đầu ngón tay sẽ sưng nên khi làm hoa, làm tranh thì vô cùng khó và rủi ro”, anh Biết cho hay.

Chị Tường Vy làm hoa vảy cá tại cơ sở của anh Ngọc Biết

Thượng Hải

Điều đặc biệt ở những sản phẩm này chính là được làm từ bàn tay của những người khuyết tật. Anh Biết cho biết anh muốn tạo điều kiện để những hoàn cảnh kém may mắn có cơ hội làm việc.

Chẳng hạn, chị Đặng Thị Tường Vy (25 tuổi, ngụ tại Q.12, TP.HCM): “Anh Biết đã hướng dẫn tôi cách làm hoa vảy cá rất cặn kẽ. Anh là người chịu khó, cách nói chuyện của anh rất thoải mái, không có khoảng cách nên tôi cũng xem anh như người nhà”.

Đến nay, anh Biết đã hỗ trợ cho hơn 50 hoàn cảnh và anh luôn trích 3% doanh thu bỏ vào nguồn quỹ “Đời đẹp” để giúp đỡ người khó khăn hoặc trường hợp đặc biệt. Trong tương lai, anh sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm làm bằng vảy cá và dự kiến sẽ làm hoa từ nan mực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.