Hình ảnh TP.HCM sẽ được 'nâng hạng'

03/10/2020 06:29 GMT+7

Một chiến dịch quảng bá bài bản chưa từng có, hàng loạt hoạt động kích cầu, xây dựng sản phẩm mới ..., ngành du lịch TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng nhiều “đồ chơi” để hồi phục và bứt phá sau đại dịch.

Hình ảnh TP.HCM sẽ được 'nâng hạng'1

ẢNH: H.MAI

Một ngày sau khi chính thức công bố chiến dịch “Thành phố Hồ Chí Minh Xin chào - Hello Ho Chi Minh City” với mục tiêu quảng bá hình ảnh TP.HCM - điểm đến du lịch an toàn, sống động và luôn thân thiện, tươi mới, tất cả nhân viên các phòng, ban của Sở Du lịch TP.HCM túi bụi trong hàng tá đầu việc, cấp tập triển khai kế hoạch.
Tranh thủ chút thời gian ngắn ngủi giữa 2 cuộc họp, bà Võ Thị Ngọc Thúy (ảnh), Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đã chia sẻ với Thanh Niên về những dự định phục hồi ngành du lịch sau đại dịch.
Ngành du lịch cả nước đang rục rịch vực dậy sau cú đánh bồi của Covid-19. Chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh lần này có phải khởi nguồn cho một cuộc kích cầu lần 2 của du lịch TP.HCM?
Đúng vậy. Với quan điểm muốn thành công thì truyền thông phải đi trước. Để bắt đầu đợt kích cầu lần thứ 2, Sở cùng các doanh nghiệp (DN) du lịch trên địa bàn xác định không đánh vào yếu tố giá. Kích cầu không phải “tung” loạt tour giá rẻ mà là giá tốt và sản phẩm hấp dẫn. Sắp tới, TP.HCM sẽ tổ chức một cuộc hội nghị kích cầu riêng về sản phẩm, trong đó sẽ nghiên cứu, giới thiệu những sản phẩm mới đi vào từng phân khúc. Tuy nhiên, để những sản phẩm kích cầu đến được tay người tiêu dùng, đầu tiên phải làm sao để họ chọn TP.HCM là điểm đến. Như vậy truyền thông rất quan trọng, phải đi trước. “Hello Ho Chi Minh City” là bước khởi động để TP chính thức trở lại kế hoạch kích cầu.
Cụ thể thì “Thành phố Hồ Chí Minh Xin chào - Hello Ho Chi Minh City” sẽ khởi động như thế nào, thưa bà?
Có thể nói đây là chiến dịch truyền thông bài bản đầu tiên nằm trong kế hoạch phát triển du lịch của TP giai đoạn từ nay đến 2025, có chủ đề rõ ràng, nổi bật. Trước đây, mọi người biết rất nhiều về TP.HCM nhưng chưa bao giờ mình chủ động “say hello” hay thể hiện mong muốn người ta “say hello” với mình. Nếu để ý có thể thấy, “Hello Ho Chi Minh City” là từ du khách chào TP, đồng thời cũng thể hiện TP rất cởi mở, thân thiện chào đón.
Điểm được chú trọng nhất trong chiến dịch truyền thông lần này là hình ảnh và thông điệp. Lần đầu tiên TP.HCM xây dựng một bộ phim quảng bá, thể hiện rõ nhất 5 bản sắc của ngành du lịch TP: trẻ trung, sống động, hướng về tương lai, thân thiện và cởi mở. Thông qua đó, giới thiệu rất nhiều sản phẩm đặc trưng nằm trong nhóm sản phẩm chủ lực đã tạo ra sự khác biệt của TP. Đó là sản phẩm văn hóa lịch sử, sản phẩm giải trí về đêm, mua sắm và rõ nhất là du lịch đường thủy. Đồng thời, lần đầu tiên, những ngóc ngách của TP được tái hiện tuyệt đẹp thông qua bộ ảnh postcard, ứng dụng những hình tượng riêng của TP.HCM, mang đến sự nhận diện rõ ràng.
Hình ảnh TP.HCM sẽ được 'nâng hạng'2

Hình ảnh đẹp của TP.HCM sẽ được giới thiệu, truyền thông rộng rãi qua nhiều hình thức

ẢNH: SỞ DU LỊCH TP.HCM CUNG CẤP

Cần nói thêm là chiến dịch này không chỉ tập trung truyền thông bằng chất liệu hình ảnh mà sắp tới còn bao gồm nhiều hoạt động như Lễ hội áo dài dự kiến khai mạc ngày 11.10, tiếp sau là sản phẩm liên kết vùng an toàn hấp dẫn, vừa mang hơi thở của TP.HCM, vừa có tính liên kết với các địa phương khác...
Người ta thường nói trong nguy có cơ. Là ngành bị tác động mạnh nhất bởi đại dịch thế kỷ, bà có thể phân tích rõ hơn về “cơ” của ngành du lịch TP.HCM nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung sau đại dịch?
Đại dịch là cơ hội để chúng ta có khoảng lặng nhìn lại, đánh giá những gì đã trải qua. Nếu nhìn lại, có thể thấy ngành du lịch đã làm khá tốt trong thời gian qua, thể hiện qua tỷ lệ đóng góp lớn vào GRDP của TP. Khi du lịch gặp khó, du khách không đến, kéo theo hệ lụy, khó khăn cho nhiều ngành khác. Từ đó, lãnh đạo TP, các sở, ban, ngành cùng người dân thấy được rõ hơn tầm quan trọng của ngành du lịch và sẽ có sự đối xử xứng tầm hơn đối với ngành kinh tế này.
một góc nhìn khác, Covid-19 là cơ hội để ngành du lịch đổi mới toàn diện. Về phía DN, sự chủ động, kỹ năng xoay chuyển tình thế đã được đẩy lên rất tốt. Trước khi có dịch, nhiều DN chỉ tập trung kinh doanh một thị trường, giờ đã linh động chuyển sang thị trường khác rất nhanh. Yếu tố an toàn trong các loại hình sản phẩm cũng được chú trọng, nâng cao hơn trước.
Bên cạnh đó, tình trạng bình mới rượu cũ, những sản phẩm nghèo nàn làm mất điểm của du lịch TP trong mắt du khách được đổi mới rất nhiều. Đơn cử, city tour gắn với du lịch sinh thái để làm sao phù hợp thị hiếu du khách. Các DN rất sáng tạo, tạo ra sản phẩm làm riêng cho các nhóm, đi theo từng phân khúc khách hàng. Đồng thời, tuy khó khăn về nhân lực, tài chính nhưng đây cũng là lúc DN du lịch tái cơ cấu tổ chức hoạt động, sử dụng mô hình tinh gọn, quản lý hiệu quả hơn.
Thấy rõ nhất là sự đoàn kết giữa các DN. Trước đây, các công ty gần như hoạt động hoàn toàn độc lập. Liên kết là một trong những điểm yếu nhất của du lịch TP.HCM cũng như cả nước. Tuy nhiên trong đại dịch, DN hưởng ứng rất tốt các chương trình liên kết, kích cầu do Sở phát động. Các DN liên minh với nhau, DN lớn “bắt tay” DN nhỏ và vừa để san sẻ rủi ro, cùng nhau vượt qua dịch bệnh.
Bốn tháng dịch trôi qua để lại hậu quả quá nặng nề cho ngành du lịch. Tuy nhiên nếu từ nay về sau, chúng ta kiểm soát được tốt, tiếp tục có cách tiếp cận sống chung với dịch, luôn cảnh giác, có cách làm chủ động thì sẽ mở ra một hướng đi mới mẻ và bền vững cho du lịch TP.HCM.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Sở Du lịch sẽ làm gì để đồng hành cùng DN vực dậy ngành du lịch TP trong giai đoạn tới?
Trong cả 2 đợt dịch, Sở Du lịch TP đã chủ động làm chính sách, tham mưu chính sách để hỗ trợ DN về mặt tài chính, đảm bảo lương cho công nhân viên, giảm một số loại thuế. Sở không phải đơn vị có thể trực tiếp hỗ trợ về kinh phí cho các DN, nhưng cũng đã kết nối được khá nhiều DN móc nối với các ngân hàng để được vay ưu đãi; hỗ trợ các DN nhanh chóng tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, so với số lượng các DN bị ảnh hưởng, số lượng tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế. Do đó, Sở đã và đang tiếp tục kiến nghị với Bộ VH-TT-DL và Chính phủ, đề xuất xây dựng một gói hỗ trợ đặc thù riêng cho ngành du lịch một cách trực tiếp nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi đang đề xuất UBND TP miễn phí vé vào một số điểm tham quan. Chính sách này Quảng Ninh đã làm rất tốt. TP cần nhanh chóng triển khai để tạo ra cú hích cho ngành, vừa giảm chi phí cho các tour, vừa là chất liệu rất tốt để truyền thông.
Với tất cả sự chuẩn bị về mặt chiến lược và hành động, du lịch TP có thể tạo ra những đột phá như thế nào trong thời gian tới?
Về doanh thu, do lượng khách quốc tế chiếm tới 2/3 tỷ trọng doanh thu nên rất khó tiên lượng. Tuy nhiên, về mặt hình ảnh, chúng tôi tin rằng sau những chiến dịch này, sau những hoạt động xúc tiến, quảng bá đánh mạnh vào truyền thông quốc tế, cùng sự liên kết vùng chặt chẽ, sự nỗ lực của DN, hình ảnh TP.HCM sẽ được nâng hạng, không chỉ còn là một điểm trung chuyển mà sẽ thật sự trở thành một đô thị du lịch sống động. Không chỉ là điểm phải đến khi du khách tới Việt Nam mà còn trở thành lý do để kéo khách phải tới Việt Nam. Đồng thời, thị trường nội địa sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Chúng tôi kỳ vọng “Hello Ho Chi Minh City” kéo dài từ nay đến hết tháng 1.2021, cùng với các chương trình kích cầu hấp dẫn sẽ phát huy hiệu quả, giúp TP.HCM đạt được số lượng tăng trưởng du khách năm 2021 bằng với năm 2019, nếu các thị trường quốc tế dần mở rộng hơn nữa.
Võ Thị Ngọc Thúy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.