Hiệu ứng Tinker Bell: Cứ tin vào điều tích cực...

Thanh Nam
Thanh Nam
26/11/2022 08:30 GMT+7

“Hiệu ứng Tinker Bell” đã và đang là trào lưu khiến người trẻ mê mẩn, tham gia “rần rần”.

Tinker Bell là nàng tiên trong vở kịch Peter Pan, người được hồi sinh sau cái chết cận kề bởi niềm tin của khán giả. Với người trẻ, hiệu ứng Tinker Bell có nghĩa là khi tin vào điều tích cực thì điều tích cực ấy càng dễ trở thành sự thật.

Nhiều bạn trẻ có những hành động vì cộng đồng (vá xe miễn phí đêm khuya) với năng lượng tích cực của họ thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn

P.K

Sở dĩ hiệu ứng Tinker Bell thu hút sự quan tâm và yêu thích của người trẻ đến vậy, là vì đánh trúng tâm lý của họ. Người trẻ hiện nay, đặc biệt là thế hệ gen Z phải đối mặt với nhiều điều tiêu cực trong thời đại Vuca (viết tắt của 4 từ Volatility (biến động), Uncertainty (không chắc chắn), Complexity (phức tạp), Ambiguity (mơ hồ). Nên những thông điệp ý nghĩa mà hiệu ứng Tinker Bell mang lại nhanh chóng được người trẻ đón nhận.

Một khảo sát nhỏ của người viết cho thấy, hầu hết người trẻ đều đã từng ít nhất một lần rơi vào tình cảnh mơ hồ, chênh vênh, âu lo, sợ hãi, bất an... trong cuộc sống. Và hiệu ứng Tinker Bell trở thành “cứu cánh” để họ dựa vào.

Có những người trẻ đã từng lo lắng về kết quả học tập không tốt, sợ thi rớt, sợ không thể xin việc làm, họ thường nghĩ về những điều tiêu cực, bất trắc có thể ập đến. Nhưng giờ đây, họ tin vào những điều tích cực hơn: sẽ đạt những điểm số cao, sẽ tìm được công việc phù hợp với chuyên môn và đáp ứng kỳ vọng về chế độ đãi ngộ... Và, niềm tin ấy dần dần trở thành sự thật.

Cũng có những người từng bị bủa vây bởi bao áp lực mưu sinh, bởi nặng gánh nỗi lo cơm áo gạo tiền. Họ cảm thấy ngột ngạt, chông chênh trong cuộc sống. Nhưng rồi họ mường tượng vào một tương lai tốt đẹp hơn, sáng lạn hơn. Và, cuộc sống dễ thở hơn đã dần xuất hiện.

Giờ đây, hiệu ứng Tinker Bell, mà cụ thể là suy nghĩ “cứ tin vào điều tích cực” đã và đang được người trẻ áp dụng trong mọi chuyện. Từ tình yêu, học tập cho đến công việc, cuộc sống...

Nói vậy không có nghĩa hễ cứ tin vào điều tích cực là điều tích cực sẽ trở thành hiện thực. Ông Benjamin Castel, đang là Tổng quản lý khách sạn Pullman Saigon Centre (Q.1, TP.HCM), từng chia sẻ một trong những bí quyết để người trẻ có thể thành công trong cuộc sống, đó là không chỉ tin vào điều tích cực mà còn phải có phương pháp để đạt được điều tích cực ấy.

Cụ thể là mỗi người trẻ nên có hoài bão, ước mơ, có những mục tiêu rõ ràng và phù hợp với năng lực bản thân. Đừng quá lo lắng “sẽ khó thành hiện thực” rồi lay chuyển niềm tin. Thay vào đó, hãy tin vào tính khả thi của mục tiêu đó. Chính niềm tin ấy sẽ giúp cho mỗi người trẻ có những hành động chuẩn xác hơn, nỗ lực và cố gắng hơn trong việc cụ thể hóa ước mơ. Chứ nếu tin và dựa dẫm vào điều tích cực và “chắc mẩm” bức tranh đẹp đẽ sẽ xuất hiện mà chỉ ngồi im một chỗ, chỉ “ngồi chờ sung rụng” mà không hành động thì đó là một suy nghĩ sai lầm. Khi đó, hiệu ứng Tinker Bell sẽ không còn giá trị bởi không đem lại hiệu quả, “ước mơ rồi cũng chỉ là mơ ước”...

Nếu tin vào điều tích cực sẽ giúp mỗi người trẻ biết chăm chỉ hơn trong mọi việc, biết lạc quan và yêu đời hơn, “né” được những gánh lo làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần.

Đúng là chẳng có bất kỳ cơ sở khoa học nào về hiệu ứng Tinker Bell, chỉ đơn giản là một trào lưu trên mạng xã hội. Nhưng với những thông điệp thú vị và ý nghĩa mà hiệu ứng Tinker Bell mang lại, trào lưu này nên được lan rộng.

Hãy cứ tin vào điều tích cực, rồi điều tích cực sẽ đến! Giống như một câu thoại ấn tượng của nhân vật Sơn Ca trong Gara hạnh phúc, bộ phim mà người trẻ rất thích, là: “Nếu mình tin vào chuyện tốt thì chuyện tốt sẽ tới”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.