Hiệu quả điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại bằng ánh sáng xung cường độ cao IPL

29/08/2023 14:41 GMT+7

Nghiên cứu của PGS-TS Lê Thái Vân Thanh - giảng viên Bộ môn Da liễu Đại học Y Dược TP.HCM và các cộng sự ThS-BS Trần Sở Quân, ThS-BS Tạ Quốc Hưng, ThS-BS Nguyễn Lâm Vương và BS CKII Lê Vi Anh nhằm đánh giá hiệu quả và độ an toàn của phương pháp ánh sáng xung cường độ cao IPL dưới dạng đơn trị liệu đối với sẹo lồi và sẹo phì đại.

Hiện nay, đã có rất nhiều phương pháp điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại. Trong đó, phương pháp sử dụng ánh sáng xung cường độ cao (IPL) đã được sử dụng phổ biến trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về hiệu quả và an toàn của phương pháp này. Vậy cùng tìm hiểu chuyên sâu về bài nghiên cứu của PGS-TS Lê Thái Vân Thanh để biết rõ hơn về phương pháp trị sẹo lồi, sẹo phì đại bằng IPL. Đặc biệt, nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Lasers in Medical Sciences (Tạp chí Lasers của Anh, với impact factor 2.555).

Hiệu quả điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại bằng ánh sáng xung cường độ cao IPL - Ảnh 1.

Sẹo lồi, sẹo phì đại và phương pháp điều trị xung ánh sáng cường độ cao IPL

Sẹo lồi và sẹo phì đại là phản ứng quá mức của các mô đối với chấn thương. Chúng xuất hiện bởi sự tăng sinh nguyên bào sợi và sản xuất quá mức collagen tại vị trí tổn thương. Sẹo phì đại thường không vượt quá vị trí và thoái triển theo thời gian. Còn sẹo lồi thường lan ra ngoài ranh giới vết thương ban đầu và không biến mất.

Sẹo lồi và sẹo phì đại là lành tính nhưng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Laser và ánh sáng xung cường độ cao đã được sử dụng để điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại.

Gần đây, phương pháp sử dụng ánh sáng xung cường độ cao (IPL) đã được sử dụng thường xuyên hơn. Đánh giá về hiệu quả của IPL làm giảm nguy cơ xuất huyết. Một số nghiên cứu khác cho thấy IPL cũng hiệu quả trong điều trị sẹo do bỏng và sẹo phẫu thuật ngay sau khi cắt chỉ. Ưu điểm nổi bật của IPL là xâm lấn tối thiểu, giảm tác dụng phụ lâu dài và chi phí thấp.

Cơ chế điều trị sẹo của IPL vẫn chưa được phân tích rõ ràng. Nó có thể làm tắc mạch nuôi dưỡng sẹo bằng cách hấp thụ có chọn lọc huyết sắc tố thông qua cơ chế quang nhiệt. Từ đó, làm đông tụ các vi mạch và gây thiếu oxy mô sẹo nên sẹo ít đỏ, mềm hơn và giảm phì đại. Tuy nhiên, bằng chứng về tác động của IPL chỉ rõ ràng đối với sẹo lồi còn sẹo phì đại có nhiều hạn chế. Vì vậy, PGS-TS Lê Thái Vân Thanh và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả của IPL trong điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại.

Hiệu quả điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại bằng ánh sáng xung cường độ cao IPL - Ảnh 2.

Nghiên cứu và thiết kế phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân

Đây là một nghiên cứu can thiệp trước và sau trên 16 bệnh nhân với 50 sẹo lồi và sẹo phì đại đã điều trị IPL. Nghiên cứu được thực hiện tại Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, từ tháng 11.2020 đến tháng 10.2021.

Trong đó, có 7 sẹo điều trị 1 lần IPL, 7 sẹo 2 lần và 36 sẹo 3 lần điều trị. Kết quả được đánh giá bằng Thang điểm sẹo Vancouver (VSS), thang đánh giá sẹo của bệnh nhân và người quan sát (POSAS), siêu âm sẹo, máy đo màu sắc tố và mạch máu sẹo, và đánh giá các tác dụng phụ của IPL.

Nghiên cứu bao gồm những bệnh nhân trên 5 tuổi được chẩn đoán lâm sàng về sẹo lồi hoặc sẹo phì đại. Các tiêu chí loại trừ là (i) đã được điều trị sẹo trong sáu tháng qua, (ii) chống chỉ định với IPL (bao gồm lupus ban đỏ và nhạy cảm ánh sáng), (iii) nhiễm trùng da, (iv) loại da theo Fitzpatrick và (v) đang mang thai.

Hiệu quả điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại bằng ánh sáng xung cường độ cao IPL - Ảnh 3.

Quy trình điều trị và đánh giá kết quả điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại bằng IPL

Tất cả bệnh nhân đều được điều trị bằng IPL M22 (Lumenis Be Ltd., Yokneam, Israel). Mỗi đợt điều trị IPL được thực hiện với bộ lọc mạch máu (530-650 & 900-1200 nm), lưu lượng 22-24 J/cm2, thời lượng xung 4-5 ms với xung kép và độ trễ xung 30-40 ms.

Quy trình hoàn tất khi vết sẹo trở nên sẫm màu hơn như đỏ sẫm hoặc xám nhạt. Các đợt IPL được thực hiện cách nhau 4 tuần. Tác dụng phụ của IPL là đau, đóng mài, bóng nước và tăng sắc tố xung quanh vết sẹo. Nghiên cứu đã áp dụng một số phương pháp để giảm thiểu và giải quyết các tác dụng phụ này.

Ngăn ngừa cơn đau bằng cách gây tê tại chỗ trước và chườm lạnh sau khi điều trị với IPL. Đối với các trường hợp bị nổi bóng nước, sử dụng corticosteroid tại chỗ 2 lần/ngày, che phủ vùng điều trị và giảm năng lượng của IPL trong các lần điều trị tiếp theo.

Với những bệnh nhân bị tăng tăng sắc tố xung quanh vết sẹo, tiến hành che chắn vùng da xung quanh vết sẹo cẩn thận hơn trong các lần IPL tiếp theo và sử dụng liệu pháp bôi ngoài da bằng kem dưỡng (fluocinolone acetonide 0,01%, hydroquinone 4% và tretinoin 0,05%) mỗi ngày một lần.

Sau khi điều trị, hầu hết các kết quả đều cải thiện đáng kể ngoại trừ sắc tố của những vết sẹo không thay đổi. Độ dày của sẹo giảm đáng kể gần 10% sau buổi IPL đầu tiên, 15% sau buổi thứ hai và > 20% sau buổi thứ ba. Tất cả các tác dụng phụ đều nhẹ với đóng mài (33,3-46%), bóng nước (8,3%) và tăng sắc tố quanh sẹo (0-14%); mức độ đau vừa phải theo đánh giá của bệnh nhân.

Hiệu quả điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại bằng ánh sáng xung cường độ cao IPL - Ảnh 4.

Nói chung, kết quả càng cải thiện tốt hơn khi càng điều trị IPL nhiều lần. Sau khi điều trị IPL lần 1, có sự cải thiện đáng kể về độ dày của sẹo, độ mềm và tất cả các đánh giá POSAS của bệnh nhân. Sau hai lần IPL, độ dày của sẹo, độ mềm mại, các đánh giá POSAS của bệnh nhân, mạch máu đã được cải thiện. Điểm VSS đã giảm đáng kể gần 24%.

Sau ba lần IPL, gần như tất cả các thông số đều được cải thiện đáng kể. Điểm VSS trung bình giảm 34% so với trước điều trị. Chỉ số về độ dẻo giảm mạnh 43%, tiếp theo là độ dày và xuất hiện ban đỏ. Tình trạng mạch máu của vết sẹo được cải thiện 12% sau khi điều trị. Sắc tố không thay đổi đáng kể sau ba phiên IPL. Độ dày của sẹo đã giảm đáng kể gần 10% sau lần IPL đầu tiên, 15% sau lần IPL thứ hai và hơn 20% sau lần IPL thứ ba.

Hiệu quả điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại bằng ánh sáng xung cường độ cao IPL - Ảnh 5.


Kết luận

Qua nghiên cứu thực tiễn, PGS-TS Lê Thái Vân Thanh và cộng sự đã kết luận IPL là một phương pháp hiệu quả để điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại. PGS-TS Lê Thái Vân Thanh cũng nhắc đến một số phương pháp điều trị hiệu quả đã được sử dụng cho sẹo lồi và sẹo phì đại như laser và ánh sáng, liệu pháp áp lạnh, miếng dán silicone, gel silicone, tiêm vào tổn thương và phẫu thuật. Tuy nhiên, không có phương pháp điều trị nào có thể loại bỏ sẹo và ngăn ngừa tái phát hoàn toàn.

Các nghiên cứu cho thấy liệu pháp kết hợp IPL và tiêm corticosteroid đã cải thiện sự xuất hiện của sẹo lồi và sẹo phì đại, đồng thời tăng khả năng phục hồi độ ẩm cho da.

Trong thực hành lâm sàng, một số vết sẹo cứng, đỏ và chắc, kèm theo đau và ngứa sẽ rất khó để điều trị bằng phương pháp tiêm. Trong những trường hợp này, IPL làm mềm sẹo một cách hiệu quả, giảm mẩn đỏ và độ dày của sẹo, giảm đau và ngứa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêm vào tổn thương.

Hiệu quả điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại bằng ánh sáng xung cường độ cao IPL - Ảnh 6.

Hạn chế chính của nghiên cứu này là cỡ mẫu nhỏ và thiếu nhóm so sánh để đánh giá tốt hơn tính hiệu quả của IPL trong điều trị sẹo phì đại, sẹo lồi. Thời gian theo dõi cũng còn hạn chế nên chưa thể kết luận về tỷ lệ tái phát cũng như hiệu quả lâu dài của IPL.

Kết luận, IPL là phương pháp điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại hiệu quả làm giảm độ dày, đồng thời cải thiện độ mềm của sẹo. Nếu có tác dụng phụ đều ở dạng nhẹ và có thể kiểm soát tốt. Kết quả điều trị sẹo phì đại và sẹo lồi cải thiện hơn sau mỗi lần sử dụng phương pháp ánh sáng xung cường độ cao IPL.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.