Hiệu phó bắt học sinh ăn thức ăn từ thùng rác: Những khiếm khuyết của giáo dục

22/04/2022 11:52 GMT+7

Vụ việc thầy hiệu phó Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển (TP.Cà Mau) bắt học sinh lớp 12 ăn thức ăn lấy từ thùng rác gây bức xúc trong dư luận. Từ đây cũng đặt ra nhiều vấn đề cho cả giáo viên và học sinh.

Là một nhà giáo và từng là cán bộ quản lý trường học, từ vụ việc thầy phó hiệu trưởng bắt học sinh lớp 12 ăn thức ăn lấy từ thùng rác, tôi nhận ra những khiếm khuyết của giáo dục, của những nhà quản lý giáo dục và cả học sinh.

Các học sinh bị thầy phó hiệu trưởng bắt ra ghế đá ở sân trường ngồi ăn thức ăn mà học sinh đã quăng vào thùng rác

PHỤ HUYNH HỌC SINH CUNG CẤP

Giáo dục học sinh có khen thưởng, xử phạt. Khen sao cho thật lòng, công tâm; phạt sao cho hợp lý, vẹn tình (thầy trò). Nội quy nhà trường không cho phép học sinh ăn sáng trong lớp, thầy hiệu phó nhắc nhở là đúng. Nhưng học sinh ở tuổi 17, 18 nếu biết tôn trọng các em, sẽ hướng các em theo con đường tích cực. Đằng này, cứng nhắc, “bêu” các em ra ngồi ghế đá sân trường ăn mà bạn bè trong lớp, cùng trường đều nhìn được thì rõ ràng đó không phải là giáo dục nhân văn.

Là nhà quản lý giáo dục mà nặng quyền uy nên dễ mất kiểm soát cảm xúc. Trong trường hợp này, nếu thầy cô nhẹ nhàng ghi nhận sự việc đến hôm sau, gọi các em lên phòng riêng, tìm hiểu ngọn ngành rồi ân cần góp ý, mong các em hợp tác để trường học được giữ xanh - sạch - đẹp. Đó mới là cách giáo dục hợp tình, hợp lý.

Theo phản ảnh, trên đường đi từ lớp học ra ghế đá, có hai học sinh nam quăng thức ăn vô thùng rác. Phải hiểu đó là phản ứng mạnh do bị “quê” với bạn. Hành vi đó đúng sai sẽ bàn sau nhưng trường hợp này cần sự thấu cảm của thầy cô. Sinh viên sư phạm đều học tâm lý học trong đó có kỹ năng giải quyết học sinh phạm lỗi thế nhưng không nhiều giáo viên thấu hiểu tâm lý học sinh trong quá trình dạy học.

Ăn sáng trong lớp không chỉ xảy ra ở Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển. Thực tế là học sinh đi học sớm, nhiều em chưa kịp ăn sáng chính vì vậy có nhiều trường thực hiện giờ nghỉ giải lao sau tiết học đầu tiên dài hơn các tiết khác để học sinh có thể ăn sáng. Là phó hiệu trưởng, với trách nhiệm của mình, lẽ ra thầy tham mưu kịp thời cho hiệu trưởng, cấp ủy trường, hội đồng trường để có sự sắp xếp hợp lý khu vực dành cho học sinh ăn sáng…

Một nội dung trong Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT là giáo viên, nhân viên không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh, đồng nghiệp. Giáo dục thường dùng biện pháp nêu gương qua đó, dùng nhân cách để giáo dục nhân cách. Song từ quy định đến tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá có khoảng cách, thậm chí rất lớn dẫn đến hiện tượng nói một đằng, làm một nẻo. Đây cũng là một khiếm khuyết trong giáo dục.

Về phía học sinh, từ câu chuyện này cũng cho thấy giáo dục hiện nay đã khiến các em hình thành thói quen tuân thủ mà không suy xét. Trước hành động không đúng của thầy, các em, những học sinh lớp 12, ở tuổi 18, có quyền từ chối không ăn thức ăn đã lấy từ thùng rác. Biết đâu khi các em từ chối, thầy hiệu phó sẽ nhận thấy việc mình nóng giận, yêu cầu các em ăn thức ăn lấy từ thùng rác là không đúng. Mọi việc sẽ dừng lại đó.

Dạy trẻ, cần sự mềm mỏng, sâu sắc, kiên trì, ấy mới là vì học sinh thân yêu. Học sinh cũng cần được giáo dục để biết phản ứng trước những điều không đúng. Được vậy, thầy trò mới cùng trưởng thành trong ngôi trường hạnh phúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.