Hiểu đúng về cơ chế nhiễm Covid-19 hậu chủng ngừa

10/10/2021 04:33 GMT+7

Tình trạng nhiễm Covid-19 sau khi đã hoàn tất liệu trình chủng ngừa (thường gồm 2 mũi) còn được biết đến với thuật ngữ 'mắc Covid-19 đột phá'.

Đâu là yếu tố quyết định một số người có thể bị nhiễm đột phá, trong khi số khác thì không?

Bất kỳ ai được tiêm chủng đầy đủ đều có thể bị nhiễm Covid-19 đột phá, nhưng không phải ai cũng có nguy cơ mắc bệnh như nhau

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Cơ chế bệnh sinh

Trong báo cáo được đăng tải hồi cuối tháng 9 trên trang thông tin của Hệ thống y tế Johns Hopkins Medicine (trụ sở tại TP.Baltimore, bang Maryland, Mỹ), tiến sĩ Lisa Lockerd Maragakis - giám đốc cấp cao về phòng chống bệnh nhiễm trùng của tổ chức này, và tiến sĩ Gabor David Kelen - chủ nhiệm khoa hồi sức cấp cứu của Trường Y Đại học Johns Hopkins (trụ sở tại TP.Baltimore, bang Maryland, Mỹ), đã có những giải thích về cơ chế bệnh sinh của tình trạng nhiễm Covid-19 đột phá.

Cụ thể, các chuyên gia nhận định đây là tình trạng “nằm trong dự kiến”, bởi tính đến nay, không có loại vắc xin nào cho hiệu quả tuyệt đối 100% trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh ở người đã tiêm chủng, chứ không riêng vắc xin Covid-19. Mọi người cần biết rằng vai trò quan trọng của chủng ngừa là giảm mức độ tử vong và nguy cơ chuyển biến nặng cho người được tiêm chủng.

Covid-19 sáng 10.10: Cả nước 836.134 ca nhiễm, 760.801 ca khỏi | Quân đội sẽ đưa dân về quê

7 triệu chứng cảnh báo nên xét nghiệm Covid-19 ngay

Nghiên cứu do nhóm học giả thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) thực hiện và được công bố mới đây trên tập san PLOS Medicine đã chỉ ra 7 triệu chứng thường gặp nhất ở người mắc Covid-19, đồng thời khuyến cáo những người có 7 triệu chứng này nên làm xét nghiệm Covid-19 ngay, gồm: mất hoặc thay đổi khứu giác; mất hoặc thay đổi vị giác; sốt; ho dai dẳng; ớn lạnh; chán ăn; đau cơ. Dữ liệu từ nghiên cứu cho thấy có đến 70 - 75% người có các triệu chứng trên khi xét nghiệm sẽ cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Các chuyên gia cũng cho hay khi số lượng người được tiêm vắc xin trong một quần thể tăng lên có thể khiến tỷ lệ mắc Covid-19 đột phá cũng tăng lên. Đây là hiện tượng hết sức bình thường, nhất là trong những cộng đồng mà các biến thể Covid-19 dễ lây lan (chẳng hạn như Delta) đang chiếm ưu thế.

Còn ở góc độ cá nhân, các chuyên gia nhận định dù bất kỳ ai được tiêm chủng đầy đủ đều có thể bị nhiễm Covid-19 đột phá, nhưng không phải ai cũng có nguy cơ mắc bệnh như nhau. Theo đó, nguy cơ của mỗi cá nhân sẽ phụ thuộc vào các yếu tố ngoại cảnh (chẳng hạn mức độ tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm bệnh) và đặc biệt là khả năng miễn dịch của mỗi người.

Cụ thể, khả năng miễn dịch thường suy giảm theo tuổi tác hoặc các tình trạng bệnh lý kéo dài. Do đó, những người lớn tuổi hoặc những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương sẽ có khả năng chống lại SARS-CoV-2 (vi rút gây bệnh Covid-19) kém hơn, dù họ được tiêm cùng một loại vắc xin Covid-19 với nhóm người trẻ, có thể trạng khỏe mạnh.

Vệ sinh mũi họng thế nào để Covid-19 không xâm nhập cơ thể? Bác sĩ ơi số 22

Những lưu ý quan trọng

Các chuyên gia khuyến nghị mọi người cũng không nên quá lo lắng về hiện tượng nhiễm Covid-19 đột phá, bởi việc tiêm phòng đầy đủ vắc xin đã giúp giảm đáng kể nguy cơ chuyển biến nặng và tử vong khi mắc Covid-19. Điều này đồng nghĩa đa phần trường hợp mắc Covid-19 đột phá là bệnh nhẹ và trung bình. Khả năng mắc bệnh nghiêm trọng là rất thấp, đặc biệt là đối với những người không mắc các vấn đề sức khỏe mạn tính, khiến hoạt động của hệ miễn dịch bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta mất cảnh giác với Covid-19. Các chuyên gia của Johns Hopkins Medicine khuyến nghị ngay cả khi đã được tiêm phòng đầy đủ, mọi người cũng cần tiếp tục tuân thủ tất cả các biện pháp phòng ngừa (mang khẩu trang, giữ khoảng cách, tránh tụ tập đông người, vệ sinh tay thường xuyên...) để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác. Bởi với người đã được tiêm đầy đủ, khi mắc Covid-19 đột phá vẫn hoàn toàn có khả năng lây bệnh cho người khác.

Nếu nhận thấy bản thân đang có các triệu chứng như: nhức đầu, chảy nước mũi, hắt hơi, đau họng, hay mất khứu giác, vị giác... sau khi đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ, hãy nhanh chóng liên hệ cơ quan y tế để được làm xét nghiệm. Đặc biệt, trong quá trình chờ thực hiện hay nhận kết quả xét nghiệm, hãy hạn chế tới mức thấp nhất các tình huống phải tiếp xúc với người khác và tuân theo các biện pháp phòng ngừa Covid-19 để bảo vệ những người xung quanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.