Hiện thực hóa 2 hệ thống quản lý công dân bằng điện tử

26/02/2021 08:00 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hôm qua 25.2 đã khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân do Bộ Công an tổ chức.

Đây là 2 dự án số hóa có quy mô lớn nhất cả nước từ trước đến nay, nhằm xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công an trình quốc hội việc bỏ sổ hộ khẩu vào tháng 5.2020

Nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử

Phát biểu tại buổi lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Bộ Công an, công an các đơn vị, địa phương trong việc xây dựng 2 hệ thống cũng như sự tham gia, phối hợp tích cực của Văn phòng Chính phủ, các bộ Tư pháp, TT-TT, Tài chính... và UBND nhiều tỉnh, thành phố.
Thủ tướng khẳng định, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân khi đi vào hoạt động sẽ là nền tảng quan trọng để xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Theo đó, các hệ thống sẽ là đầu mối cung cấp các thông tin cơ bản có đầy đủ tính pháp lý về công dân. Thay vì người dân, doanh nghiệp phải khai báo, nộp, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước thì các thông tin đó sẽ được trích xuất tự động khi thực hiện các giao dịch. Hoặc các cơ quan nhà nước tra cứu, khai thác từ CSDLQGVDC, từ đó giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân.
Đặc biệt, việc xây dựng CSDLQGVDC có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng các hệ thống phát triển chính phủ điện tử. Đây là hệ thống nền tảng giúp thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, hiện thực hóa việc quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, giảm kinh phí thực hiện các cuộc điều tra xã hội liên quan đến dân cư, giảm tối đa việc nhập, duy trì các trường thông tin trùng lặp về công dân, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước khi xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đây cũng là chìa khóa giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh, xác thực điện tử cho công dân trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện các hệ thống để bảo đảm dữ liệu công dân chính xác và thường xuyên được bổ sung, cập nhật; Đồng thời, các bộ, ngành và UBND các địa phương cần tiếp tục “chuyển động” cùng Bộ Công an trong quá trình xây dựng 2 dự án, bảo đảm đồng bộ, kết nối trong xây dựng chính phủ điện tử.

TP.HCM sẵn sàng cấp hàng triệu căn cước công dân gắn chip từ 1.1.2021

“Số hóa” cư dân: Tiết kiệm 5.000 tỉ đồng/năm

Theo Bộ Công an, thực hiện luật Căn cước công dân, Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 896), lực lượng công an được giao thực hiện nhiệm vụ “chưa có tiền lệ”. Trong một thời gian ngắn, Bộ Công an đã huy động nhiều lực lượng để triển khai chiến dịch: công an các đơn vị, địa phương đã hoàn thành việc bố trí 5 công an xã chính quy/xã đạt 100% trên toàn quốc; hoàn thành việc kiện toàn, tổ chức bộ máy thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm 5 phòng và trung tâm... Bộ Công an đã thành lập gần 100 đoàn công tác với hơn 200 lượt và gần 6.000 đoàn của công an các địa phương kiểm tra, phúc tra đến tận cơ sở, bảo đảm chính xác thông tin đã thu thập.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, khi 2 hệ thống đi vào hoạt động sẽ là đầu mối cung cấp thông tin về công dân, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Đồng thời, góp phần đổi mới công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, quản lý con người, từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân; hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Đáng chú ý, theo đánh giá, dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hằng năm khi tích hợp, thực hiện 8 thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỉ đồng/năm. Trong đó, giảm chi phí cho người dân khi chuẩn bị đơn từ, tờ khai là khoảng gần 370 tỉ đồng; không phải xuất trình đơn từ, tờ khai với chi phí ước tính 4.248 tỉ đồng/năm và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành không phải nhập dữ liệu công dân với khoản chi phí tiết kiệm ước 246 tỉ đồng. Trong quá trình thực hiện 2 hệ thống, Bộ Công an đã triển khai song song qua đó giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 1.000 tỉ đồng.
Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) là đơn vị chủ trì về công nghệ cho hệ thống CSDLQGVDC của Bộ Công an. Theo ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV VNPT, CSDLQGVDC là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quan trọng của đất nước và có thể xem là cơ sở dữ liệu quan trọng nhất, là nền tảng cho việc xây dựng chính phủ điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Triển khai hệ thống CSDLQGVDC là một bài toán hết sức phức tạp với quy mô lớn và phạm vi rộng. Hệ thống quản lý dữ liệu của hơn 100 triệu người dân, phạm vi sử dụng trên cả nước với hơn 11.500 điểm từ cấp xã, huyện đến T.Ư với lượng người truy nhập vào hệ thống là hơn 40.000 người.
Với kinh nghiệm triển khai nhiều dự án trọng yếu của Chính phủ, VNPT đã tập trung tối đa nguồn lực, huy động đội ngũ kỹ sư có trình độ cao nhất tập đoàn và 63 tỉnh/thành phố cùng các đối tác trong liên danh quyết liệt triển khai dự án với tiến độ thần tốc và hiệu quả nhất. Trong vòng 5 tháng từ tháng 9.2020 đến tháng 2.2021, tập đoàn này đã triển khai xong toàn bộ hạ tầng kết nối, tích hợp hệ thống và triển khai các phần mềm ứng dụng cũng như tổ chức đào tạo cho hơn 23.000 cán bộ chiến sĩ công an sử dụng hệ thống.
Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV VNPT, nhấn mạnh: “VNPT vinh dự được chọn là đơn vị nhà thầu chính phối hợp với GTEL-ICT, Hadic để chủ trì, thiết kế và triển khai hệ thống một cách bài bản, thận trọng nhất với những công nghệ tốt nhất và đảm bảo là hệ thống được tuân thủ tiêu chuẩn cấp độ 4 về an ninh, an toàn thông tin theo quy định của Chính phủ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.