Hiến tạng cứu người: Không dễ để nói lời chia tay

Nhật Linh
Nhật Linh
11/02/2021 09:00 GMT+7

'Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh', nhiều gia đình đã vượt qua nỗi đau mất con để quyết định hiến tạng cứu người.

Ngày đưa ra quyết định hiến tạng con mình, mặc dù biết đó sẽ là trao đi một cơ hội cứu ngươi, nhưng vợ chồng ông Tới, bà Chi cho biết đó là một quyết định không hề dễ dàng.

Chưa bao giờ hối hận

Một ngày đầu tháng 3.2020, sau ca khuân vác đêm tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), D.V.C (20 tuổi) trên đường về nhà thì không may gặp phải tai nạn giao thông, chấn thương sọ não và không qua khỏi.
Ông Dương Văn Tới (ngụ TP.HCM), cha của C. nhớ lại: “Một người bạn của gia đình mà C. vốn gọi là má Bảy đã khuyên chúng tôi hiến tạng cứu người. Ngày ấy bác sĩ nói con trai tôi chỉ còn 2% cơ hội sống. Thật, hai vợ chồng lúc đó chẳng còn thiết tha việc gì”.

Ông Tới (TP.HCM), cha em D.V.C bùi ngùi nhớ lại quyết định hiến tạng con mình

NHẬT LINH

Bà Chi, mẹ của C. tiếp lời: “Nghe được lời khuyên hiến tạng con, tụi tôi đắn đo lắm. Con mình mà, nên không nỡ. Rồi nghĩ con mình mất rồi cũng xong, nếu hiến có thể giúp được nhiều người”. Sau 2 ngày trăn trở, vợ chồng ông bà cũng quyết định ký vào giấy đồng ý hiến tạng.
“Tôi nhớ mãi lời dặn của má Bảy thằng C., một khi đã đồng ý hiến tạng thì phải thật tâm, để con ra đi thanh thản và người nhận, nhận được “món quà” con để lại được trọn vẹn”, bà Chi nói.
Sau đó, tim, gan, thận và 2 giác mạc của C. được Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận, giúp cứu sống 6 bệnh nhân khác.

Mỗi lần nhớ con, chị Chi lại lật giở điện thoại ra xem.

NHẬT LINH

Gần một năm sau khi C. mất, bà Chi luôn giữ ảnh ngày trước của con trai trong điện thoại. Để mỗi lần nhớ con, bà có thể lật giở xem ngay: “Lúc đầu có chút xót xa nhưng vợ chồng tôi không hối hận về quyết định ngày đó. Chỉ tiếc là thằng nhỏ ra đi đột ngột quá, không trăn trối được lời nào với cha mẹ”.

Con tôi đã sống

Bà Phạm Thị Mai, mẹ anh N.H.Q (30 tuổi) cho biết bà có 5 người con và anh Q. là người con thứ. Hiến tạng khi mất vốn là tâm nguyện của bà Mai nhưng chính anh Q. lại là người thực hiện tâm nguyện ấy trước.
Anh N.H.Q là công nhân cầu đường tại H.Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vào một ngày cuối tháng 11.2020, trên đường đi làm về anh Q. không may bị tai nạn và không qua khỏi.

Bà Phạm Thị Mai (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, hiến tạng vốn là tâm nguyện của mình.

NHẬT LINH

“Nghe tin dữ, chạy vào bệnh viện thăm con thì bác sĩ tiên lượng con tôi không qua khỏi. Nghe vậy, tôi đau lắm nhưng tôi nén trong lòng. Tôi họp mặt gia đình, hỏi ý kiến các con để hiến tạng thằng Q.”, bà Mai nhớ lại. Tất cả các con đều đồng ý, bà Mai trực tiếp đến gặp bác sĩ nói ra quyết định của gia đình.
Bà Mai kể đã biết đến việc hiến tạng sau khi mất từ nhiều năm trước do xem trên báo đài và các hoạt động xã hội mà mình tham gia. Biết hiến tạng có thể cứu nhiều người khác, bà nói luôn với các con về tâm nguyện khi mất của mình. “Nên khi có người lời ra tiếng vào nói con mất mà đem đi mỗ, với tôi những lời xì xầm đó không quan trọng. Tôi biết mình và gia đình đã làm đúng”, bà Mai chắc chắn.
Ngày 7.1.2021, Kỷ niệm chương vì sức khỏe cộng đồng do Bộ trưởng Bộ Y tế truy tặng anh N.H.Q được trao tận tay gia đình bà Mai. Nhận được tin cả 4 người nhận tạng do anh Q. hiến đều bình phục tốt, bà Mai rơm rớm nước mắt: “Giờ thì tôi an tâm rồi. Tôi thấy như chính con tôi đã sống”.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Tri Thức (bìa phải), Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ Y tế truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe cộng đồng cho anh N.H.Q.

NHẬT LINH

Cũng tại buổi trao kỷ niệm chương, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá cao ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tặng mô tạng. Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho biết, hằng năm vào dịp trước Tết Nguyên đán, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cùng với các phòng ban sẽ tổ chức đến thăm, tri ân người hiến tạng và gia đình của họ. “Hy vọng những lời thăm hỏi, những món quà nhỏ gửi đến người đã khuất sẽ động viên gia đình họ, tri ân tấm lòng cao cả mà họ đã dành cho cuộc sống”, bác sĩ Thức chia sẻ.
Riêng trường hợp của anh N.H.Q, đây là trường hợp đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy kết hợp bệnh viện địa phương để lấy tạng từ người cho ngưng tim hoặc chết não. Và đây cũng là trường hợp đầu tiên ở phía Nam mà sau khi lấy tạng, các cơ quan tạng được chuyển đến các ba miền của đất nước trong thời gian vàng bảo quản tạng, giúp cứu sống 4 người.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (ngụ Q.2, TP.HCM) cho biết mẹ của chị cũng có tâm nguyện hiến tạng. Khi bà mất, chị Thúy đã liên hệ với Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy, được tư vấn với trường hợp bị ung thư như mẹ chị thì có thể hiến 2 giác mạc. Hai giác mạc sau khi hiến đã được ghép cho 2 bệnh nhân trẻ tuổi, giúp họ có “ánh sáng” trở lại. “Thực hiện xong tâm nguyện của má, chị em chúng tôi cũng muốn được hiến tạng cứu người giống mẹ mình”, chị Thúy chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.